Vũ Thị Mai Hường
Trịnh Thị Quý
Doãn Thị Hằng
Nguyễn Thị Ngân Anh
Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
TÓM TẮT
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xác định nội dung giáo dục của địa phương là một phần bắt buộc trong chương trình, góp phần giáo dục học sinh tình yêu quê hương, hiểu biết về văn hóa, lịch sử và môi trường sống xung quanh. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm là một lĩnh vực quan trọng giúp phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương trong hoạt động trải nghiệm ở tiểu học, đặc biệt là lớp 3, còn thiếu hệ thống chủ đề cụ thể và thống nhất giữa các trường sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau.
Bài báo này nhằm phân tích nội dung giáo dục địa phương lớp 3 trong ba bộ sách giáo khoa hiện hành (Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo), từ đó đề xuất hệ thống chủ đề tích hợp hoạt động trải nghiệm phù hợp với đặc điểm tâm lý – lứa tuổi học sinh lớp 3 và bối cảnh thành phố Hà Nội. Kết quả nghiên cứu gồm bảng tổng hợp nội dung GDĐP trong ba bộ sách, hệ thống chủ đề đề xuất và mô hình tổ chức hoạt động trải nghiệm cụ thể. Kết quả này có thể làm căn cứ để các trường tiểu học xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục địa phương theo hướng tích hợp.
Từ khóa: giáo dục địa phương; hoạt động trải nghiệm; tích hợp; lớp 3; Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xác định nội dung giáo dục của địa phương là một thành phần bắt buộc, giúp học sinh hiểu biết về lịch sử, văn hóa và môi trường sống tại địa phương, qua đó hình thành các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm [1]. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm là một lĩnh vực giáo dục độc lập, giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất học sinh một cách toàn diện, đặc biệt ở cấp tiểu học – giai đoạn nền tảng của quá trình giáo dục. Hoạt động trải nghiệm giữ vai trò thiết yếu trong việc phát triển năng lực cá nhân, khả năng giao tiếp, hợp tác và giải quyết vấn đề [2]; [3].
Thành phố Hà Nội, với đặc trưng là trung tâm chính trị, văn hóa – lịch sử của cả nước, có nguồn tư liệu phong phú để tổ chức các nội dung GDĐP tích hợp trong hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay các trường tiểu học tại Hà Nội đang sử dụng đồng thời ba bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 3 khác nhau (Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo), dẫn đến sự thiếu thống nhất trong việc lựa chọn và xây dựng chủ đề GDĐP tích hợp vào hoạt động trải nghiệm. Thực tế cho thấy, nhiều trường còn lúng túng trong việc thiết kế hoạt động phù hợp với chương trình, năng lực học sinh và điều kiện địa phương. Khi triển khai ở các nhà trường tiểu học, đặc biệt là trong hoạt động trải nghiệm, giáo viên vẫn còn gặp khó khăn do thiếu tài liệu hướng dẫn cụ thể, thiếu sự liên kết giữa các bộ sách giáo khoa và chương trình GDĐP [4].
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, phân tích nội dung GDĐP lớp 3 được thể hiện trong ba bộ SGK hiện hành, từ đó đề xuất các chủ đề tích hợp vào hoạt động trải nghiệm phù hợp với đặc điểm học sinh lớp 3 tại Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn rõ rệt. Bài báo này nhằm (1) phân tích nội dung GDĐP lớp 3 trong ba bộ SGK, (2) xây dựng hệ thống chủ đề tích hợp hoạt động trải nghiệm có tính khả thi và (3) đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức GDĐP tích hợp ở các trường tiểu học tại Hà Nội.
2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Khái niệm: giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, tích hợp giáo dục
Giáo dục địa phương (GDĐP) là bộ phận bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, do địa phương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhằm cung cấp cho học sinh những hiểu biết thiết thực về văn hóa, lịch sử, địa lý, truyền thống, con người và môi trường sống của địa phương nơi học sinh sinh sống (Bộ GD&ĐT, 2018).
Hoạt động trải nghiệm là một lĩnh vực giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, giúp học sinh học tập thông qua hành động thực tiễn, qua đó hình thành và phát triển các năng lực cá nhân, xã hội và kỹ năng sống.
Tích hợp giáo dục là phương pháp tổ chức dạy học nhằm kết nối, lồng ghép nội dung kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực, môn học khác nhau để hình thành tri thức toàn diện, tạo điều kiện cho học sinh vận dụng hiệu quả vào thực tiễn. Việc tích hợp GDĐP vào hoạt động trải nghiệm giúp tăng tính thực tiễn, liên hệ địa phương và tạo động lực học tập tích cực cho học sinh.
2.2. Cơ sở lý luận
Lý luận về học tập trải nghiệm và giáo dục địa phương là nền tảng quan trọng cho việc thiết kế và tích hợp các chủ đề giáo dục của địa phương vào hoạt động trải nghiệm trong chương trình tiểu học. Theo Kolb (1984), học tập trải nghiệm là quá trình con người tạo ra tri thức thông qua chu trình gồm bốn giai đoạn: trải nghiệm cụ thể – quan sát phản tư – khái niệm hóa trừu tượng – thử nghiệm tích cực [2]. Chu trình này đặc biệt phù hợp với học sinh tiểu học – lứa tuổi học thông qua hành động, cảm xúc và khám phá thực tế. Beard và Wilson (2013) bổ sung rằng để trải nghiệm trở thành học tập thực sự, cần có yếu tố phản tư – tức là giúp học sinh ý thức được điều mình đã trải qua và rút ra bài học từ đó [5].
Từ góc độ tiếp cận chương trình, Kelly (2009) nhấn mạnh vai trò của việc cân bằng giữa tính phổ quát của chương trình quốc gia và tính đặc thù của từng địa phương [6]. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó nội dung giáo dục của địa phương (GDĐP) là một phần bắt buộc nhưng được thiết kế linh hoạt để phù hợp với từng vùng miền. UNESCO (2017) cũng đề xuất các chương trình học cần phản ánh bối cảnh văn hóa – xã hội địa phương, tạo điều kiện để người học hiểu và hành động có trách nhiệm trong cộng đồng của mình và hướng tới lợi ích chung toàn cầu [7].
Bên cạnh đó, Priestley, Biesta và Robinson (2015) khẳng định giáo viên giữ vai trò trung tâm trong việc thực hiện chương trình, không chỉ là người truyền đạt mà còn là người kiến tạo chương trình thông qua việc lựa chọn, điều chỉnh và tổ chức nội dung phù hợp với học sinh và môi trường giáo dục địa phương [8]. Trong bối cảnh giáo dục tiểu học tại Hà Nội, giáo viên có thể phát huy vai trò chủ động này bằng cách thiết kế và triển khai các chủ đề GDĐP tích hợp trong hoạt động trải nghiệm – vừa bảo đảm yêu cầu chương trình, vừa tạo điều kiện cho học sinh gắn kết với cộng đồng nơi các em đang sống và học tập.
Từ các nền tảng lý luận nêu trên, có thể khẳng định rằng việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào hoạt động trải nghiệm không chỉ khả thi mà còn cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu giáo dục toàn diện, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh tiểu học theo hướng cá thể hóa và địa phương hóa chương trình.
2.3. Đặc điểm học sinh lớp 3 và yêu cầu thiết kế chủ đề
Học sinh lớp 3, ở độ tuổi 8–9, đang trong giai đoạn phát triển mạnh về tư duy trực quan – hình tượng, khả năng tư duy logic bắt đầu hình thành nhưng còn hạn chế, vốn sống chủ yếu dựa vào trải nghiệm thực tiễn. Các em có nhu cầu khám phá thế giới xung quanh, thích hoạt động nhóm, học qua chơi, qua quan sát và thực hành (Nguyễn Ánh Tuyết, 2019).
Do đó, chủ đề tích hợp GDĐP trong hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh lớp 3 cần đảm bảo: (1) phù hợp với khả năng nhận thức và ngôn ngữ; (2) gần gũi, thiết thực với đời sống hàng ngày; (3) có tính tương tác, khám phá và vận dụng thực hành; (4) kết nối được với nội dung môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình lớp 3.
2.4. Vai trò của SGK trong tổ chức chủ đề tích hợp
Sách giáo khoa giữ vai trò định hướng nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, là căn cứ quan trọng để giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục và thiết kế hoạt động học tập. Trong bối cảnh có nhiều bộ SGK cùng được sử dụng, nội dung GDĐP được lồng ghép trong các bài học hoặc phần hoạt động mang tính mở rộng, trải nghiệm, là cơ sở để giáo viên lựa chọn và phát triển các chủ đề tích hợp theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và đặc điểm học sinh.
Tuy nhiên, sự khác biệt về cách thể hiện nội dung GDĐP giữa các bộ sách hiện hành cũng đặt ra yêu cầu cần có nghiên cứu so sánh, tổng hợp để xây dựng hệ thống chủ đề tích hợp có tính thống nhất, đáp ứng yêu cầu chương trình và thực tiễn giáo dục của địa phương.
3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Phương pháp phân tích nội dung sách giáo khoa
Trong nghiên cứu này, phương pháp phân tích nội dung được sử dụng như một công cụ chính nhằm nhận diện, hệ thống hóa và đánh giá các yếu tố liên quan đến nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) và hoạt động trải nghiệm trong ba bộ sách giáo khoa lớp 3 đang được giảng dạy tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, bao gồm: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Phân tích nội dung được thực hiện với trọng tâm là xác định sự hiện diện và mức độ triển khai các nội dung GDĐP trong từng bộ sách, từ đó so sánh tính tương thích và tính tích hợp giữa chúng với chương trình giáo dục địa phương của thành phố Hà Nội cũng như chương trình hoạt động trải nghiệm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Cụ thể, các yếu tố được phân tích bao gồm: (1) các chủ đề có liên quan trực tiếp đến đặc điểm văn hóa, lịch sử, địa lý, truyền thống của Hà Nội; (2) mục tiêu giáo dục và định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thể hiện trong bài học hoặc hoạt động; (3) hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm gắn với thực tiễn địa phương (tham quan, sáng tạo, kể chuyện, mô phỏng...); (4) mức độ tích hợp giữa nội dung môn học và nội dung GDĐP. Dữ liệu được mã hóa và đối chiếu theo hệ thống tiêu chí chuẩn để làm cơ sở cho việc xác định điểm tương đồng, khác biệt và khoảng trống giữa các bộ sách.
3.2. Quy trình xây dựng chủ đề tích hợp
Trên cơ sở kết quả phân tích SGK, nhóm nghiên cứu đã thực hiện quy trình xây dựng hệ thống chủ đề tích hợp GDĐP vào hoạt động trải nghiệm theo bốn bước sau:
Phân loại và tổng hợp nội dung GDĐP: Các nội dung liên quan đến Hà Nội trong ba bộ SGK lớp 3 được hệ thống hóa theo các lĩnh vực: văn hóa (lễ hội, nghệ thuật, phong tục), lịch sử (di tích, nhân vật), địa lý (địa danh, cảnh quan), truyền thống (nghề thủ công, làng nghề) và môi trường sống (thiên nhiên, đô thị).
Xây dựng bộ tiêu chí tích hợp: Dựa vào yêu cầu của chương trình GDPT 2018 và đặc điểm tâm – sinh lý học sinh lớp 3, nhóm nghiên cứu xây dựng các tiêu chí lựa chọn nội dung và hình thức tích hợp chủ đề như: tính gần gũi, khả năng trải nghiệm thực tiễn, tính phát triển năng lực và tính địa phương hóa.
Thiết kế chủ đề mẫu: Một số chủ đề tích hợp mẫu được thiết kế chi tiết, bảo đảm tính thực tiễn, khả thi và phù hợp với các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm tại trường học.
Đề xuất hệ thống chủ đề tích hợp: Từ chủ đề mẫu và kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chủ đề tích hợp gợi ý áp dụng trong các trường tiểu học tại Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả triển khai GDĐP theo hướng phát triển năng lực.
4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Phân tích so sánh nội dung GDĐP lớp 3 trong ba bộ sách giáo khoa
Kết quả phân tích ba bộ sách giáo khoa lớp 3 hiện hành (Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo) cho thấy, cả ba đều đã bước đầu tích hợp nội dung giáo dục của địa phương (GDĐP) vào các bài học và hoạt động trải nghiệm, tuy nhiên mức độ, hình thức thể hiện và định hướng triển khai có sự khác biệt đáng kể.
Cụ thể, bộ Cánh Diều ưu tiên tiếp cận GDĐP thông qua các tình huống thực tiễn gắn với đời sống học sinh, tập trung tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực hành đơn giản như quan sát, kể chuyện, vẽ tranh, tham quan tại chỗ. Các chủ đề thường được khai thác dưới dạng hoạt động mở, dễ triển khai, phù hợp với năng lực giáo viên tiểu học ở nhiều vùng miền. Tuy nhiên, chiều sâu nội dung và tính tích hợp liên môn còn hạn chế.
Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thể hiện rõ định hướng tích hợp GDĐP trong các môn học chính như Tự nhiên và Xã hội, Tiếng Việt, Mỹ thuật. Thông tin về các di sản văn hóa, truyền thống, địa danh nổi tiếng của Hà Nội được lồng ghép tự nhiên trong ngữ liệu học tập, giúp học sinh tiếp cận nội dung địa phương qua nhiều góc độ. Tuy nhiên, các hoạt động trải nghiệm đi kèm vẫn thiên về lý thuyết, ít hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực tiễn.
Bộ Chân trời sáng tạo nổi bật với cách tiếp cận GDĐP qua hình thức nghệ thuật – kể chuyện, sân khấu hóa, sáng tạo mô hình, trình bày cảm nghĩ. Nội dung địa phương được khai thác chủ yếu trong các bài học Tiếng Việt, Hoạt động trải nghiệm và Mỹ thuật, giúp học sinh phát triển tư duy thẩm mỹ và khả năng biểu đạt cá nhân. Dù vậy, nội dung GDĐP chưa bao phủ đầy đủ các lĩnh vực (địa lý, môi trường sống, kinh tế địa phương...).
Bảng tổng hợp nội dung GDĐP cho thấy ba bộ sách đều có chung mục tiêu giáo dục tình yêu quê hương, nâng cao nhận thức văn hóa cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống trong việc khai thác một số chủ đề đặc trưng của Hà Nội như nghề truyền thống (lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng), các lễ hội tiêu biểu, kiến trúc đô thị cổ, cảnh quan thiên nhiên... Những nội dung này nếu được tích hợp đồng bộ và hệ thống hơn sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn và thực tiễn của GDĐP trong chương trình tiểu học.
4.2. Xây dựng hệ thống chủ đề tích hợp trong hoạt động trải nghiệm
Các chủ đề giáo dục địa phương lớp 3 trong ba bộ sách giáo khoa hiện hành (Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo) được đối chiếu với chương trình GDĐP của thành phố Hà Nội. Kết quả cho thấy có sự tương đồng về mặt nội dung nhưng khác biệt trong cách tiếp cận, hình thức tổ chức hoạt động [9].
Ví dụ, chủ đề "Nghề dệt lụa Vạn Phúc" được thể hiện rõ trong SGK Cánh Diều qua hoạt động kể chuyện và thảo luận, trong khi SGK Chân trời sáng tạo tổ chức theo hướng thiết kế sản phẩm từ lụa [10].
Dựa trên kết quả phân tích và đối chiếu với chương trình GDĐP lớp 3 của thành phố Hà Nội, nhóm nghiên cứu đề xuất 5 chủ đề tích hợp, gồm:
- 1.Em yêu Hà Nội
- 2.Di tích và danh lam thắng cảnh
- 3.Lễ hội Hà Nội
- 4.Nghề truyền thống quê em
- 5.Tình bạn trong trường học thân thiện
Việc triển khai các chủ đề này có thể kết hợp mô hình học kết hợp (blended learning) nhằm tăng tính linh hoạt và phát huy hiệu quả trải nghiệm [11].
Các chủ đề được lựa chọn đảm bảo tính gần gũi, thiết thực, có thể tổ chức bằng nhiều hình thức linh hoạt như: tham quan, phỏng vấn, trò chơi, kể chuyện, vẽ tranh, viết cảm nghĩ...
Bảng tổng hợp cho thấy có sự tương đồng nhất định giữa nội dung chương trình giáo dục địa phương lớp 3 Hà Nội, chủ đề hoạt động trải nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các chủ đề được khai thác trong ba bộ sách giáo khoa hiện hành (Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống). Việc phân tích đối chiếu ba bộ sách giáo khoa lớp 3 (Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo) cho thấy mỗi bộ sách có cách tiếp cận riêng trong khai thác nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) và tổ chức hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, tất cả đều bám sát chương trình GDĐP lớp 3 của thành phố Hà Nội và chương trình hoạt động trải nghiệm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Mức độ hiện diện của nội dung GDĐP: Tất cả các chủ đề GDĐP được quy định trong chương trình của Hà Nội (như: Di sản văn hóa tiêu biểu, Thăng Long tứ trấn, Làng cổ Đường Lâm, Nghề dệt lụa Vạn Phúc, Vua Lý Thái Tổ, Cảnh quan thiên nhiên địa phương, Nghệ thuật múa rối nước) đều được thể hiện trong cả ba bộ sách, tuy mức độ cụ thể hóa và tên gọi có thể khác nhau.
Hình thức khai thác và tổ chức hoạt động trải nghiệm: SGK Cánh Diều khai thác nội dung GDĐP dưới dạng các hoạt động gần gũi, nhẹ nhàng như: vẽ tranh, trò chơi, kể chuyện, chia sẻ cảm xúc, phù hợp với năng lực tiếp nhận của học sinh lớp 3. SGK Chân trời sáng tạo chú trọng vào phương pháp trải nghiệm hiện đại: sử dụng công nghệ (thực tế ảo, video), hoạt động nhóm (hướng dẫn viên nhí, viết cảm nhận), và tích hợp đa phương thức (hội họa, thuyết trình, sáng tạo mô hình). SGK Kết nối tri thức thể hiện rõ tính lồng ghép giữa nội dung GDĐP và năng lực học sinh thông qua hoạt động xem tư liệu, kể chuyện, trò chơi, đóng vai, viết cảm nhận... với sự nhấn mạnh vào giáo dục giá trị sống và truyền thống.
Tên gọi và cấu trúc chủ đề: Tuy cùng khai thác một nội dung GDĐP, các SGK lại có tên chủ đề khác nhau và sắp xếp ở các tuần học không đồng nhất. Ví dụ, chủ đề Di sản văn hóa Hà Nội được đưa vào tuần 15 của SGK Cánh Diều, tuần 13–14 của SGK Chân trời sáng tạo, và tuần 9 hoặc 28–29 của SGK Kết nối tri thức. Điều này tạo ra khó khăn cho giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục tích hợp nếu không có công cụ đối chiếu hệ thống.
Mức độ tích hợp giữa GDĐP và HĐTN: Các bộ sách đều có xu hướng kết nối GDĐP với nội dung hoạt động trải nghiệm nhưng chưa thực sự nhất quán và đồng bộ giữa các chủ đề. Việc thiết kế các hoạt động đôi khi thiên về minh họa hoặc cảm tính, thiếu định hướng năng lực, khiến cho vai trò phát triển phẩm chất – năng lực của GDĐP chưa được khai thác tối đa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào hoạt động trải nghiệm lớp 3 là khả thi và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các trường học tại Hà Nội đang đồng thời sử dụng ba bộ sách giáo khoa khác nhau. Tuy cả ba bộ sách đều thể hiện sự quan tâm đến nội dung giáo dục địa phương, song mức độ chi tiết, cách tiếp cận và hình thức trải nghiệm còn phân tán, chưa đồng bộ.
Một trong những đóng góp chính của nghiên cứu này là xây dựng ma trận đối chiếu nội dung chương trình – SGK – hoạt động trải nghiệm, từ đó đề xuất hệ thống chủ đề tích hợp có tính thống nhất, liên thông và khả thi cao. Các chủ đề tích hợp đề xuất như “Em yêu Hà Nội”, “Hồn quê trên mặt nước”, hay “Người xưa đất cũ” được thiết kế không chỉ đảm bảo bám sát mục tiêu chương trình GDPT và GDĐP mà còn phát huy tính sáng tạo, hợp tác, khám phá – những năng lực cốt lõi cần hình thành ở học sinh tiểu học.
So với các tài liệu hướng dẫn hiện hành, nghiên cứu này không dừng lại ở mô tả nội dung GDĐP theo SGK mà đã tiến thêm một bước: tái cấu trúc và tích hợp thành hệ thống chủ đề theo hướng thực tiễn, phát triển năng lực và phẩm chất. Điều này phù hợp với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó nhấn mạnh vai trò của hoạt động trải nghiệm và tính đặc thù của địa phương.
Sự phân hóa nội dung GDĐP trong ba bộ SGK đặt ra yêu cầu cần có một hệ thống chủ đề tích hợp làm công cụ trung gian giúp giáo viên lựa chọn, điều chỉnh và triển khai linh hoạt trong thực tế. Bảng đối chiếu nội dung và hệ thống chủ đề tích hợp đề xuất trong nghiên cứu này chính là giải pháp khả thi để khắc phục sự thiếu thống nhất đó, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng triển khai nội dung GDĐP trong hoạt động trải nghiệm ở tiểu học.
5. Kết luận và kiến nghị
Nghiên cứu đã tiến hành phân tích nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) lớp 3 trong chương trình của thành phố Hà Nội và ba bộ sách giáo khoa hiện hành (Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo), từ đó chỉ ra những điểm tương đồng, khác biệt và khoảng trống trong quá trình tích hợp GDĐP vào hoạt động trải nghiệm. Mặc dù nội dung GDĐP được thể hiện phong phú trong các SGK, song vẫn còn thiếu sự đồng bộ và nhất quán, gây khó khăn cho giáo viên trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Việc tích hợp giữa GDĐP và hoạt động trải nghiệm hiện nay còn mang tính phân tán, chưa có hệ thống chủ đề thống nhất theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
Trên cơ sở phân tích đó, nghiên cứu đã xây dựng hệ thống chủ đề tích hợp có tính liên thông giữa chương trình GDĐP, hoạt động trải nghiệm và nội dung SGK, góp phần hỗ trợ giáo viên tổ chức hoạt động giáo dục linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở. Để triển khai hiệu quả, các cơ sở giáo dục tiểu học cần sử dụng bảng đối chiếu nội dung GDĐP giữa các bộ SGK như một công cụ tham chiếu quan trọng khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đồng thời ưu tiên phát triển các chủ đề tích hợp theo hướng phát triển năng lực, gắn với môi trường sống và trải nghiệm của học sinh.
Cơ quan quản lý giáo dục cần sớm ban hành khung chủ đề mẫu hoặc tài liệu hướng dẫn tích hợp GDĐP vào hoạt động trải nghiệm; tăng cường tổ chức bồi dưỡng giáo viên về phương pháp thiết kế chủ đề, đặc biệt là các nội dung gắn với đặc thù văn hóa – xã hội địa phương. Các nhà xuất bản sách giáo khoa cũng cần thể hiện rõ mối liên hệ giữa nội dung GDĐP và hoạt động trải nghiệm trong sách giáo viên, bảo đảm tính tích hợp và tính khả thi trong triển khai thực tế. Nghiên cứu trong tương lai có thể mở rộng mô hình chủ đề tích hợp cho các khối lớp khác trong cấp tiểu học hoặc áp dụng tại các địa phương ngoài Hà Nội để kiểm chứng tính toàn diện và khả năng ứng dụng rộng rãi của mô hình đề xuất.
Ghi chú: Bài báo là sản phẩm đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học “Định hướng xây dựng kế hoạch bài dạy tích hợp chủ đề giáo dục địa phương và trải nghiệm cấp tiểu học (lớp 3)”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018). Chương trình giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018). Hà Nội.
2. Kolb, D. A. (1984). Experiential learning: Experience as the source of learning and development. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall.
3. Moon, J. A. (2004). A handbook of reflective and experiential learning: Theory and practice. London: Routledge.
4. Nguyễn Thị Kim Lan & Trần Hữu Đức Nghĩa. (2021). Tích hợp nội dung giáo dục địa phương trong hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học. Tạp chí Giáo dục, 511(1), 48–53.
5. Beard, C. & Wilson, J. P. (2013). Experiential learning: A handbook for education, training and coaching (3rd ed.). London: Kogan Page.
6. Kelly, A. V. (2009). The curriculum: Theory and practice (6th ed.). London: Sage Publications.9. Nguyễn Văn Chiến. (2023). Nghiên cứu thực trạng quản lí hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại các trường tiểu học trên địa bàn Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Giáo dục, 22(24), 42–47.
7. UNESCO. (2017). Rethinking education: Towards a global common good?. Paris: UNESCO Publishing.
8. Priestley, M., Biesta, G., & Robinson, S. (2015). Teacher agency: An ecological approach. London: Bloomsbury.
9. Nguyễn Văn Chiến (2023). Nghiên cứu thực trạng quản lí hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại các trường tiểu học trên địa bàn Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Giáo dục, 22(24), 42–47.
10. Phạm Thị Hà. (2020). Thực trạng và giải pháp quản lý hoạt động trải nghiệm ở các trường tiểu học theo định hướng phát triển năng lực. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, 41, 186–194.
11. Nguyễn Văn Đệ & Trần Đại Nghĩa. (2020). Giáo dục địa phương cho học sinh tiểu học dựa theo mô hình Blended Learning. Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kỳ 1 tháng 11, 44–47.