Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Quốc Ngữ, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Chất lượng là mối quan tâm đầu tiên của các trường ở tất cả các cấp học. Với truyền thống hiếu học của cha ông từ xa xưa, các thế hệ học trò luôn ý thức được lòng tự hào và cả trách nhiệm lớn lao đó. Chính vì thế, thầy trò nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu và không phụ công tin tưởng của bà con nhân dân.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, không thể không kể đến sự chỉ đạo sát sao của của các cấp, các ngành và sự quan tâm các tổ chức xã hội trong công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD). Hiện nay, trên địa bàn có 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở (trong đó Trường Mầm non, Tiểu học đã đạt chuẩn). Để đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), ngoài sự đóng góp của nhân dân, lãnh đạo UBND xã đã làm tốt công tác XHHGD để huy động nguồn lực từ cá nhân, tổ chức, từ các dự án để đầu tư CSVC cho các trường. Riêng năm 2012, ngoài ngân sách, xã được công ty dầu khí Vũng Tàu đầu tư 3 tỷ trong đó có 1,8 tỷ để xây dựng Trường Mầm non, còn lại để hỗ trợ xây dựng trạm y tế và đường giao thông.
Ở mỗi cấp học, việc nâng cao chất lượng giáo dục được triển khai theo đúng chỉ đạo của UBND cũng như của phòng GD-ĐT huyện. Trao đổi với chúng tôi, cô Lê Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạnh Phúc cho biết: Mặc dù số lượng học sinh chỉ có 99 em với 13 cán bộ giáo viên, nhà trường vẫn luôn duy trì được chất lượng đều qua từng năm. Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên đổi mới hình thức công tác quản lý, chỉ đạo làm việc theo kế hoạch đã xây dựng ngay từ đầu năm học; thực hiện tốt chất lượng giờ dạy có hiệu quả, sáng tạo; thực hiện nghiêm túc các mặt hoạt động của nhà trường, hoạt động soạn giảng theo lịch báo, soạn giảng đúng chương trình các độ tuổi; thường xuyên thực hiện công tác thanh kiểm tra GV, xếp loại chuẩn GV một cách nghiêm túc; thanh tra chuyên đề, tổ chức kiến tập chỉ đạo tốt công tác bồi dưỡng, giúp GV nâng cao tay nghề.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và thực hiện tốt các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Hai không”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Từ đó, chất lượng dạy và học đã không ngừng được cải thiện, nâng lên một tầm cao mới.
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng xã hội học tập với các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã được triển khai sâu rông. Với phương châm cần gì học nấy, hằng năm TTHTCĐ xã Hạnh Phúc đã mở được từ 10-15 lớp với nhiều hoạt động phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, chủ yếu là chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe nhân dân và một số lớp dạy nghề cho nông dân. Các lớp chuyên đề văn hoá, đạo đức lối sống nhằm cung cấp kiến thức về đời sống văn hoá, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, phòng chống các tệ nạn xã hội… đã góp phần thúc đẩy cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục của xã Hạnh Phúc vẫn còn gặp một số khó khăn đó là: Về cơ sở vật, mặc dù các trường đã đạt chuẩn nhưng đã từ lâu, nên có một số tiêu chí đã xuống cấp và không còn đảm bảo khi đánh giá lại chuẩn sau 5 năm. Nguồn ngân sách của xã còn rất hạn hẹp để đầu tư cho các trường cũng như đời sống nhân dân vẫn còn bấp bênh nên sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn gặp nhiều trở ngại. Chính vì thế, với vai trò là lãnh đạo xã, Ông Hoàng Quốc Ngữ, chủ tịch UBND xã mong rằng, trong thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, của nhân dân địa phương trong việc tiếp tục giữ vững truyền thống hiếu học và phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được trong thời gian qua.
Hằng Trang