Chuẩn bị nguồn lực cho phát triển đất nước, trước hết tập trung ưu tiên đầu tư vào giáo dục, trong đó có giáo dục đại học. Bài phân tích của ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT), gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ làm sáng tỏ thêm về tính cấp bách để phát triển nguồn lực này.
Từ quan điểm chung
Sau nhiều năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đất nước ta đã vượt qua giai đoạn thử thách gay go, đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và đang có những bước đi vững vàng. Bước sang thời kỳ mới các Văn kiện Đại hội Đảng những khoá gần đây cũng như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đều khẳng định phải đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) để từng bước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi phải có nguồn lực. Đối với Việt Nam, cả hai loại nguồn lực tài chính và tài nguyên thiên nhiên đều hạn chế nên nguồn lực con người đương nhiên sẽ đóng vai trò quyết định.
So với các nước láng giềng Việt Nam có lợi thế đông dân. Tuy nhiên, nếu không được qua đào tạo thì dân đông sẽ là gánh nặng về dân số, còn nếu qua đào tạo chu đáo thì sẽ trở thành nguồn nhân lực lành nghề tác động trực tiếp lên tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn quốc gia. Một đội ngũ nhân lực lành nghề và đồng bộ cũng tạo nên sức hấp dẫn to lớn để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt nam.
Vì thế, Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 (1996) đã chỉ rõ: “...Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu; phương hướng chung của lĩnh vực giáo dục và đào tạo là phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước...”.
Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 (2006) cũng nêu rõ: ”... tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”,”... rút ngắn quá trình công nghiệp hóa,hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức,coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa,hiên đại hóa...”.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 (tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, năm 2011) cũng nêu: “... Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao... Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề...”.
Từ những quan điểm như trên, Chính phủ đã đề ra mục tiêu phát triển GDĐH tại Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 như sau: “... Hoàn chỉnh mạng lưới các cơ sở GDĐH trên phạm vi toàn quốc, có sự phân tầng rõ rệt, đảm bảo hợp lý cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền, đồng thời phù hợp với quy hoạch tổng thể của các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương...”.
Vậy nên hiểu như thế nào về một hệ thống GDĐH đa đạng, phân tầng, về quy mô, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ của đội ngũ nhân lực mà ngành giáo dục và đào tạo được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở các thập niên đầu của thế kỷ 21 này.
Chiến lược đầu tư cho giáo dục và đào tạo
Ý thức rõ giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhưng đồng thời chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế là hiện nay mọi hoạt động về giáo dục và đào tạo đều phải triển khai trong điều kiện ngân sách của Nhà nước và nguồn lực của người dân khá hạn hẹp và còn tiếp tục hạn hẹp.
Vì khó khăn như vậy nên trong những năm trước mắt, Nhà nước chưa nên đầu tư dàn trải cho tất cả các bộ phận của giáo dục và đào tạo mà phải ưu tiên tập trung đầu tư đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Về mục tiêu dân trí trước mắt chỉ nên đầu tư cho phổ cập giáo dục tiểu học và tiếp đến cho giáo dục trung học cơ sở, chưa nên vội vàng đặt mục tiêu phổ cập đại trà cho giáo dục trung học phổ thông, nhất là trong điều kiện ta chưa khống chế được tốc độ tăng dân số - Kinh nghiệm thế giới cho thâý nếu chỉ dựa vào truyền thống hiếu học của con người phương Đông để mở rộng giáo dục nhằm thoả mãn nhu cầu nâng cao dân trí tối đa của người dân mà không gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì chẳng những không đạt được mục đích mà thậm chí còn tạo ra nhiều phức tạp về chính trị liên quan tới sự gia tăng của đội quân thất nghiệp thừa học vấn nhưng thiếu nghề nghiệp.