Trường Đại học Y tế Công Cộng tại 138 Giảng Võ, Hà Nội
Cần phải nói ngay rằng, sau khi nhận được bài viết của bạn đọc gửi đến đề nghị khởi đăng, với tinh thần xây dựng, Ban Biên tập Tạp chí Giáo dục và Xã hội đã gửi công văn tới bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; Đảng ủy Trường ĐHYTCC và Đảng ủy Khối các Trường đại học và cao đẳng Hà Nội đề nghị kiểm tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền một số thông tin do bạn đọc cung cấp; Đó là những dấu hiệu tiêu cực về công tác tổ chức cán bộ, tài chính ở Trường ĐHYTCC, cụ thể là cá nhân ông Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy và bà Bùi Thị Thu Hà, Hiệu phó của trường.Trả lời công văn của Tạp chí, ngày 09/5/2013 TM.Đảng ủy Trường ĐHYTCC, bà Nguyễn Thanh Hương ( không rõ chức vụ) ký Công văn số 21/ĐU cho rằng: “Việc ông Lê Vũ Anh làm Hiệu trưởng trên 2 nhiệm kỳ và hiện nay vẫn tiếp tục làm Hiệu trưởng đến ngày 01/8/2013 đã được Bộ Y tế thông báo theo Công văn số 804/BYT –TCCB ngày 7/2/2013 đối với CCVC do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ký kèm danh sách cán bộ lãnh đạo quản lý theo diện Bộ Y tế quản lý nghỉ hưu năm 2013 trong đó có tên ông Lê Vũ Anh với ghi chú là Ban Cán sự Đảng kéo dài 6 tháng”. Tuy nhiên, Công văn số 804/BYT-TCCB ngày 07/2/2013 do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký, tuyệt nhiên chúng tôi không tìm thấy dòng nào, chữ nào nói về việc để ông Lê Vũ Anh được kéo dài tuổi nghỉ hưu, tiếp tục làm Hiệu trưởng ĐHYTCC ở văn bản này?
Đến đây cũng cần phải nhắc lại, tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 71/2000/NĐ –CP ngày 23/11/2000 của Chính phủ quy định về việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu phải được thực hiện như sau: “Trong thời gian công tác kéo dài thêm, cán bộ công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý”. Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức căn cứ Luật Cán bộ, Công chức ngày 13/11/2008, tại Khoản 5, Điều 11, Chương III cũng quy định rất rõ: “Đối với công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập có trình độ đào tạo của ngành chuyên môn, đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Điều 9 Nghị định này được thực hiện như sau:
a) Nếu có nguyện vọng và đủ tiêu chuẩn, điều kiện về kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với viên chức thì trước 3 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Điều 9 Nghị định này, cơ quan,tổ chức, đơn vị quản lý công chức ra quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo, quản lý để chuyển sang viên chức và thực hiện các thủ tục kéo dài thời gian công tác theo quy định của pháp luật về viên chức thời điểm thôi giữ chức vụ quản lý kể từ thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu…”. Ở đây chúng tôi muốn lưu ý rằng, cá nhân của người có đủ tiêu chuẩn và điều kiện về kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưngphải có nguyện vọng (đơn) chứ tập thể không thể làm thay được!?
Thiết nghĩ, pháp luật về nghỉ hưu và những trường hợp kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ công chức Nhà nước đã được quy định rõ ràng và chặt chẽ mang tính chất nguyên tắc bắt buộc như vậy thì bất cứ cơ quan, đơn vị, cá nhân nào thuộc diện quản lý đều phải nghiêm túc thực hiện, không thể làm khác được. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo Bộ Y tếvà lãnh đạo Trường ĐHYTCC lại nghiễm nhiên bỏ qua, làm trái; đó là không áp dụng đúng đối với trường hợp ông Lê Vũ Anh!?. Việc này đã gây nên nhiều thắc mắc, so bì trong dư luận không phải chỉ riêng đối với CBCCVC ở Trường ĐHYTCC mà cả trong ngành Y tế và các ngành khác nói chung, đồng thời làm chochính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ giảm hiệu lực?
Đến đây có thể khảng định, sự việc và thời gian “Quá tuổi nghỉ hưu, vẫn làm Hiệu trưởng” của ông Lê Vũ Anh ở Trường ĐHYTCC là không hợp pháp? Trách nhiệm này trước hết thuộc về Vụ Tổ chức Cán bộ của Bộ Y tế với vai trò tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức nhân sự cho Bộ trưởng và Ban Cán sự Đảng của Bộ? Nhiều bạn đọc cũng đặt câu hỏi, việc quy hoạch cán bộ và quy trình lấy phiếu tín nhiệm cũng như bổ nhiệm, miễn nhiệm, nghỉ hưu, kéo dài tuổi nghỉ hưu… đã được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước cũng như lãnh đạo Bộ Y tế quy định, hướng dẫn thực hiện rất chặt chẽ, nhưng không hiểu vì sao việc này đối với Trường ĐHYTCC lại chậm trễ, khó khăn đến thế?
Sau hơn hai tháng với 2 lần gửi công văn cung cấp thông tin, đề nghị Bộ trưởng cho kiểm tra lại và thông báo kết quả đểTòa soạn được biết, trả lời công luận nhưng Tạp chí Giáo dục và Xã hội không nhận được hồi âm. Ngày 08 / 7 /2013, Tổng Biên tập Tạp chí gửi công văn đến lần thứ 3 với một số câu hỏi cụ thể theo quy định tại Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Phát ngôn và Cung cấp thông tin cho báo chí, thì ngày 16/7/2013 Tổng Biên tập TC GD&XH nhận được Công văn số 4208/BYT-TTrB ngày 12/7/2013 của Bộ Y tế do Thứ trưởng Lê Quang Cường ký trả lời 2 nội dung chính mà Tòa soạn đề cập như sau:
1. Ông Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế công cộng kéo dài công tác đến 1/8/2013
Ngày 30 tháng 7 năm 2012 Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Y tế Công cộng có văn bản số 437/YTCC-TCCB đề xuất Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng tiếp tục giữ chức vụ gửi đến Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Y tế.
Căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu cấp thiết của nhà trường, Ban Cán sự đảng bộ Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế đã xem xét đề xuất Trường Đại học Y tế Công cộng và nhất trí GS.TS Lê Vũ Anh tiếp tục giữ chức vụ Hiệu trưởng đến ngày 1/8/2013”.
Như vậy đã rõ: Trong trường hợp này lãnh đạo Trường ĐHYTCC và lãnh đạo Bộ Y tế đều bỏ qua, đi ngược hay “phớt lờ” các quy định của pháp luật về việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức như chúng tôi đã trích dẫn ở trên?
2. Trả lời câu hỏi của Tòa soạn, cũng như nhiều bạn đọc phản ánh: “Trong tháng11 và tháng 12/2012 ông Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng đã ký cho tạm ứng tiền và chuyển vào tài khoản cá nhân của Hiệu phó Bùi thị Thu Hà hơn 2 tỷ đồng? Công văn số 4208/BYT-TTr B ngày 12/7/2013 cho biết: “ Ông Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng là Giám đốc dự án; bà Bùi Thị Thu Hà Hiệu phó là điều phối viên Dự án thực hiện Chương trình Phát triển nguồn nhân lực Y tế - Dự án Tăng cường năng lực giảng dạy y tế công cộng trong Trường Đại học Y tế Công cộng theo thỏa thuận giữa Bộ trưởng Hợp tác Vương quốc Hà Lan và Bộ Y tế nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho giai đoạn từ ngày 01 tháng 12 năm 2006 đến ngày 31 tháng 12 năm 2012.
Theo báo cáo của Trường đại học Y tế Công cộng (Hơn 2 tháng qua Bộ Y tế nhận được thông tin từ công văn của TC GD&XH gửi đến nhưng không cho kiểm tra mà “theo báo cáo của Trường ??? –P/V) số tiền tạm ứng trên là khoản tiền chuyển cho điều phối viên của dự án Tăng cường Năng lực giảng dạy y tế công cộng trong TrườngĐại học Y tế Công cộng để triển khai thực hiện dự án.
Từ ngày 13 tháng 3 năm 2013, Dự án đang được Công ty kiểm toán Ernst & young kiểm toán quốc tế tiến hành kiểm toán và sẽ kết thúc ngày 31/7/2013; sau khi nhận báo cáo kiểm toán độc lập, Bộ Y tế xin được thông tin để trao đổi với quý Tạp chí”.
Việc này, chúng tôi chờ đợi và sẽ có thông tin sau.
Công văn của Bộ Y tế gửi TBT Tạp chí Giáo dục và Xã hội
Để làm rõ trách nhiệm và giữ nghiêm kỷ cương phép nước đối với mỗi cán bộ công chức, viên chức; chúng tôi thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước cần “ vào cuộc” để xem xét lại sự việc “ Quá tuổi nghỉ hưu, vẫn làm Hiệu trưởng” ở Trường Đại học Y tế Công cộng, Hà Nội./.
Bài 1: QUÁ TUỔI NGHỈ HƯU, VẪN LÀM HIỆU TRƯỞNG?
Bài 3: Những quyết định bổ nhiệm kỳ lạ?
Chí Thành