Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcĐào tạo từ xa xuất hiện lần đầu tiên trên sóng đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Đào tạo từ xa xuất hiện lần đầu tiên trên sóng đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ ba, 20 Tháng 8 2013 10:19
Để các chương trình đào tạo được triển khai bằng phương thức đào tạo từ xa đảm bảo chất lượng, Viện tập trung chuẩn bị đội ngũ giảng viên biên soạn tài liệu học tập, xây dựng mạng lưới tư vấn….

            Để các chương trình đào tạo được triển khai bằng phương thức đào tạo từ xa đảm bảo chất lượng, Viện tập trung chuẩn bị đội ngũ giảng viên biên soạn tài liệu học tập, xây dựng mạng lưới tư vấn….Lựa chọn cấp kỹ thuật nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam là rất cần thiết nếu tổ chức học tập theo cách học “Hàm thụ” qua gửi thư, tài liệu sách vở đến cho người học thì không thể mở rộng quy mô đào tạo và tác dụng của đào tạo từ xa với xã hội bị hạn chế. Nếu các chương trình đào tạo thực hiện qua phát thanh truyền hình thì Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh không có cơ sở kỹ thuật, trong lúc đang lúng túng như vậy thì vận may đến với chúng tôi…. 

            Ngày 20 tháng 2 năm 1993, tôi về An Giang dự lễ khai giảng lớp Quản trị Kinh doanh do Viện tổ chức tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thuộc trường Cao đẳng Sư Phạm (nay là Đại học An Giang). Anh Sáu Hội – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết có đoàn của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về làm việc với Đài Phát thanh Truyền hình của tỉnh và anh Sáu mời đoàn dùng cơm với Viện.

            Trong đoàn Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có anh Hai Khởi – Giám đốc, anh Hồng Thắng – Phó Giám đốc, anh Sáu Kính – Trưởng ban Khoa giáo. Dường như là một may mắn vì chính chúng tôi đang chuẩn bị một công văn gửi Đài Phát thanh Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh về việc cùng hợp tác sản xuất chương trình đào tạo từ xa bậc đại học. Trong không khí thân mật, tôi nói rõ ý định của Viện với các anh và cho biết luôn là Viện sẽ hỗ trợ kinh phí phát sóng cho Đài, anh Hai Khởi nói: “Phát chương trình đào tạo từ xa phục vụ nhân dân học tập nâng cao trình độ là đúng đường lối của Đảng quá còn gì, tiền nong mấy anh để bọn này tính”.

            Đào tạo từ xa (cùng với ghi danh đầu vào và đào tạo theo tín chỉ) là một trong ba chân kiền phát triển của đại học mở. Nó tạo điều kiện cho người học, dù với quỹ thời gian eo hẹp, kinh tế khó khăn đều có thể theo học các chương trình đào tạo từ xa theo cách của mình. Đào tạo từ xa là phương thức căn bản của một nền dại học hướng đến cộng đồng, góp phần tạo nên một xã hội học tập, học thường xuyên, học suốt đời, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền giáo dục của mọi người, vì mọi người, cho mọi người.

            Ngay từ đầu năm 1991, theo đề nghị của Viện, chúng tôi đã được tổ chức Tầm nhìn Thế giới, giới thiệu sang thăm hai đại học mở của Thái Lan là Ramkhamhaeng và Sukhothai Thammathirat (STOU). Dù đã được nghe nói về các đại học mở của bạn, chúng tôi vẫn thật sự rất ấn tượng về các trường đại học này, đặc biệt là STOU với 300.000 sinh viên theo học hệ từ xa. Tuy nhiên, dù ngưỡng mộ nhưng với điều kiện kinh tế - xã hội lúc bấy giờ ở Việt Nam chưa cho phép chọn cấp kỹ thuật để triển khai chương trình đào tạo từ xa theo mô hình của STOU, Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn hình thức mở ghi danh tự do theo phương thức cổ điển mặt đối mặt (face to face). Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nguồn lực để nâng cấp kỹ thuật thông qua công nghệ truyền thông.

            Năm 1992, khi hợp tác với Đại học Capillano (Canada), Viện mới có điều kiện xây dựng một dự án Đào tạo từ xa với bạn. Phía Capillano cử chuyên gia sang tập huấn cho cán bộ giảng dạy biên soạn tài liệu cho người tự học, giúp đào tạo cán bộ quản lý chương trình, sau đó Viện cũng cử người sang Capillano và các đại học mở Thái Lan (Ramkhamhaeng và STOU) để nghiên cứu, học tập phương pháp xây dựng đề cương chi tiết và viết bài giảng dạy cho chương trình đào tạo từ xa, cũng như kỹ thuật đạo diễn sản xuất băng hình, băng tiếng. Công tác chuẩn bị cho phương thức đào tạo mới mẻ này vừa xong thì đúng lúc có cuộc gặp gỡ số phận với lãnh đạo Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

            Trở lại ngày 20 tháng 2 năm 1993, tối hôm đó thật vui vì cuộc gặp đã mở đường cho Viện có thể thực hiện được một trong những hướng phát triển chính yếu của đại học mở mà chúng tôi vẫn trăn trở và cũng là nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc nào cũng quan tâm nhắc nhở. Tôi mời anh Hai Khởi và đoàn Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh một tuần sau đó sang thăm Viện và thỏa thuận ký hợp đồng liên kết triển khai chương trình đào tạo từ xa.

            Chỉ sau vài ngày, ngày 25 tháng 2 tại Viện đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chương trình đào tạo từ xa giữa Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Viện có PGS Vũ Thế Phú – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, PGS Nguyễn Quốc Lộc – Bí thư Đảng ủy – Trưởng khoa Đông Nam Á học, TS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Luật, TS Huỳnh Bá Tòng – Trưởng khoa Báo Chí học, PGS Trịnh Bốn – Trưởng khoa Công thôn, TS Thái Thị Ngọc Dư – Trưởng khoa Phụ nữ học, GVC Bùi Văn Như – Trưởng phòng Đào tạo.

            Về phía Đài có anh Nguyễn Văn Khởi – Giám đốc, anh Nguyễn Hồng Thắng – Phó Giám đốc, anh Sáu Quang – Phó Giám đốc Kỹ thuật, anh Sáu Kinh – Trưởng ban Khoa giáo, anh Kha – Phó ban Khoa giáo và Nhà báo Ngọc Anh, cán bộ của Ban Khoa giáo. Hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên quy định: Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thủ tục mở lớp, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quản lý chương trình, chất lượng đào tạo, chịu trách nhiệm chuẩn bị đội ngũ để ghi tiếng; Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật lên sóng (ghi âm và lịch phát sóng). Hai bên cử ra Ban Quản lý chương trình đào tạo từ xa do thủ trưởng mỗi đơn vị chủ trì và mỗi bên cử cán bộ làm việc trực tiếp. Về phía Viện, GVC Bùi Văn Như và Phòng Đào tạo, về phía Đài do anh Nguyễn Viễn Kinh (Sáu Kinh) và Ban Khoa giáo của Đài, chị Nguyễn Ngọc Anh trực tiếp triển khai kế hoạch thu phát.

            Chương trình đào tạo từ xa của Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo mô hình “Ba liên kết” và “Hai kết hợp”. Ba liên kết là: Liên kết giữa Viện với Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm đào tạo tại các địa phương. Còn hai kết hợp là: Kết hợp giữa học tập qua đài phát thanh, tài liệu sách vở với giảng dạy trực tiếp mặt đối mặt (face to face), tỷ lệ 80% học gián tiếp và 20% học trực tiếp. Các môn tiếng Anh, Toán, Tin học, người học tự học tại trung tâm theo chương trình giảng dạy của trường.

            Công tác tổ chức đào tạo từ xa được thực hiện theo quy trình 5 bước:

-            Người học tiếp nhận thông tin, ghi danh, nộp lệ phí, nhận tài liệu sách vở, tiếp nhận lịch phát sóng.

-            Tự học qua tài liệu sách vở và nghe giảng trên đài, tự nghiên cứu và giải quyết các bài tập theo giáo trình.

-            Tập trung nghe giảng phụ đạo, ôn tập.

-            Tổ chức thi, kiểm tra.

-            Thực tập làm đồ án hoặc luận văn tốt nghiệp.

Quá trình học tập là quá trình sàng lọc liên tục, chỉ có những người kiên trì, có ý thức và phương pháp học tập mới đạt được kết quả theo quy định và mới đủ điều kiện tốt nghiệp.

            Chưa đầy một tháng sau, ngày 20 tháng 3 năm 1993, lần đầu tiên trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đến người nghe chương trình đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh. Thật kịp thời, chương trình không những đã đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân mà trong bối cảnh lúc đó, việc lựa chọn ngành Quản trị Kinh doanh đưa lên sóng phát thanh với các môn học Tiếp thị, Luật Kinh doanh, Thị trường chứng khoán, Nghệ thuật đàm phán, Kế toán quốc tế,… là hoàn toàn phù hợp nên đã được đông đảo cán bộ và nhân dân quan tâm, góp phần tích cực xây dựng nguồn nhân lực cung cấp cho nền kinh tế mở - kinh tế thị trường.

            Chương trình đào tạo từ xa đã được lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam ủng hộ nhiệt tình, nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương quan tâm theo dõi. Tháng 5 năm 1993, Viện đến làm việc tại tỉnh Kiên Giang, được các đồng chí Nguyễn Tấn Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Bảy Lam – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, đồng chí Bảy Tuấn – Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái – Chánh Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang tiếp. Viện trình bày chủ trương xây dựng hệ thống tư vấn hỗ trợ đào tạo từ xa tại địa phương, được đồng chí Nguyễn Tấn Dũng nhiệt tình ủng hộ, giao cho Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh liên kết với Viện. Chỉ vài ngày sau buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đích thân lên thăm Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh và chuyển công văn của tỉnh đề nghị Viện hỗ trợ cho Trung tâm Giáo dục Thường xuyên của tỉnh. Từ đó đến trước khi ra Hà Nội nhận công tác, thỉnh thoảng đồng chí có ghé thăm Viện hoặc báo để Viện sang cùng làm việc tại số 17 Lê Quý Đôn. Các đồng chí Chín Cao (Phú Yên), Nguyễn Thanh Bình (Sóc Trăng), Bảy Trị (Cà Mau), đồng chí Nguyễn Văn Xuân, Văn Công An (Ninh Thuận), đồng chí Sáu Hội (An Giang), đồng chí Ba Rộp (Tây Ninh) đều cũng thường xuyên đến thăm và ủng hộ Viện.

            Anh em trong Viện rất phấn khởi vì với phương thức từ xa được triển khai, Viện đã tạo được thế chân kiềng trong đào tạo mở. Vừa hay là lúc đó Bộ ra quyết định thành lập chương trình quốc gia về giáo dục và đào tạo từ xa do TS Vũ Cao Phan – Trợ lý Bộ trưởng, một người rất tâm huyết về giáo dục từ xa, trực tiếp làm chủ nhiệm chương trình. Thành lập giữa tài khóa, chưa có kinh phí dự trù, anh Phan đã tích cực chạy tìm các nguồn khác nhau – dù ít ỏi cho chương trình này. Chúng tôi bắt tay nhau, cùng với Viện Đào tạo Mở rộng Hà Nội (sau này là Đại học Mở Hà Nội) hứa sẽ tích cực phát triển đào tạo từ xa, tạo cơ hội học tập cho số đông quần chúng.

            Qua 3 năm triển khai chương trình của Viện, đến năm 1996 số học viên hệ đào tạo từ xa từ vài trăm tăng lên đến hàng chục ngàn và rất vui là năm 1996, 250 sinh viên khóa I ngành Quản trị Kinh doanh hệ đào tạo từ xa tốt nghiệp ra trường, chiếm tỷ lệ chưa đến 10% và hầu hết các tân cử nhân khóa này đều được các cơ sở tiếp nhận, được xã hội chấp nhận.

            Anh Bùi Văn Như và chị Ngọc Anh ở Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là những người trực tiếp và rất nhiệt tình, góp nhiều sức lực cho sự thành công của chương trình. PGS Vũ Thế Phú – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh phụ trách nội dung đào tạo và anh Sáu Quang – Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là những người đã cùng tập thể Ban Chỉ đạo chương trình góp phần tích cực cho chương trình đào tạo từ xa bậc đại học qua phát thanh đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công.

            Để chuẩn bị mở rộng phạm vi và nâng cấp kỹ thuật cho chương trình đào tạo từ xa ra toàn quốc, ngày 2 tháng 11 năm 1994, Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất và phát sóng chương trình đào tạo từ xa với sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân, nhưng rất đáng tiếc vì sự cố kỹ thuật cuối năm 1995 nên thỏa thuận này không được thực hiện.

P.V

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516