Ban biên tập Tạp chí Giáo dục và Xã hội xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc trích đăng một số bài viết trong Hồi ký “Đã từng có một đại học mở như vậy” của tác giả GS.VS Cao Văn Phường (Nguyên Bí thư Đảng ủy Đại học Cần Thơ; Thành viên sáng lập – nguyên Hiệu trưởng Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh – Mô hình trường đại học mở với hai thử nghiệm đầu tiên của ngành Giáo dục: Thử nghiệm về đàotạo mở, Thử nghiệm tổ chức hoạt động trường đại học không sử dụng ngân sách Nhà nước; Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương; Chủ tịch Chi nhánh Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Liên bang Nga tại Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Ngoài công lập Việt Nam) do Nhà xuất bản Văn học xuất bản tháng 6 năm 2010, nhằm cung cấp thêm thông tin đến đọc giả quan tâm đến việc xây dựng nền giáo dục mở.
Kỳ2: Trao quyền tự chủ cho đại học
Kỳ 3: “ĐỔI MỚI TƯ DUY VÀ NHẬN THỨC VỀ GIÁO DỤC”
Kỳ4 :MỞ RỘNG ĐẦU VÀO, SIẾT CHẶT ĐẦU RA
Kỳ5: CUỘC VA CHẠM ĐẦU TIÊN
“Mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra, quá trình đào tạo là quá trình sàng lọc liên tục”, là nguyên tắc cơ bản của Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh đã được thực hiện đầu tiên ở Khoa Tiếng Anh. Tất cả học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông đều được quyền ghi danh xét tuyển, nhà trường tổ chức kiểm tra đầu vào trắc nghiệm trình độ tiếng Anh, những học viên đạt được trình độ TOEFL 450 sẽ được vào học chương trình đại học giảng dạy bằng tiếng Anh, số còn lại học chương trình dự bị, sau 4 tháng trường tổ chức thi kiểm tra lại đầu vào. Nhờ nguyên tắc này, chỉ trong thời gian ngắn khoa Tiếng Anh đã tuyển được hơn 900 học viên vào các lớp dự bị, trong đó có khoảng 100 em đủ trình độ theo chương trình đại học. Viện dự kiến sẽ tổ chức khai giảng khóa I ngành Anh ngữ vào ngày 5/9/1990.
Chấp hành ý kiến trong thư công tác của Hiệu trưởng Trần Đình Tân, Viện đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xin phép Bộ cho cải tạo cơ sở Ký túc xá 97 Võ Văn Tần thành phòng làm việc và lớp học.
Ngày 28 tháng 7, được sự hỗ trợ của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Viện tiến hành tháo dỡ các vách ngăn bằng tranh tre, nứa lá vốn là các phòng trọ rẻ tiền, cải tạo thành trường lớp.
Một tuần sau khi công việc đang tiến hành, một hôm vào lúc 21h00, điện thoại của Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý từ Hà Nội gọi vào với giọng rất giận dữ: “Tôi yêu cầu anh cho ngừng ngay việc đập phá khu 97 Võ Văn Tần, chờ ý kiến của Bộ, tôi sẽ vào giải quyết” – “ Việc sửa chữa khu 97 Võ Văn Tần để tổ chức các lớp học tôi đã thống nhất với các anh và đã báo cáo lãnh đạo Bộ, công việc không thể ngưng lại vì chúng tôi đang tuyển sinh”, nói xong tôi cúp máy.
Đây là cuộc “va chạm” đầu tiên trong nội bộ giữa cung cách làm việc theo cơ chế xin – cho và cơ chế tự chủ. Sự không thống nhất giữa các lãnh đạo trong một đơn vị thường dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ, nhưng một điều đáng mừng là ngoại trừ một vài cá nhân còn phần lớn anh em tập thể Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cán bộ Quản lý Đại học đều thống nhất và tâm huyết với các kế hoạch của Viện. Công tác sửa chữa trường lớp và tuyển sinh vẫn tiến hành bình thường….
Ngày 27 tháng 8, bỗng nhiên có nhiều tin đồn trong cán bộ là Viện sẽ bị “dẹp tiệm”, Bộ đã có quyết định không cho phép mở. Tôi đề nghị Phó Giáo sư Lộc họp cấp ủy, các đồng chí trong cấp ủy đều khẳng định có nghe dư luận như vậy nhưng không rõ nguồn tin từ đâu? Sự va chạm giữa tôi và Hiệu trưởng trường Trường Cán bộ Quản lý trước đó có liên quan gì đối với việc này? Quan sát một số ít người chống đối, tôi biết đang có chuyện….Để làm rõ, tôi và Phó Giáo sư Lộc – Bí thư Chi bộ cùng bay ra Hà Nội xin làm việc với Bộ trưởng.
Ngày 29 tháng 8 năm 1990, tôi đăng ký làm việc với Bộ trưởng nhưng vì Bộ trưởng đang bận họp Chính phủ cho nên cuộc họp được tổ chức do Thứ trưởng chủ trì, tham dự có Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Kế toán Tài vụ, Vụ Đại học, Vụ Tại chức. Tại cuộc họp, tôi trình bày những kết quả hoạt động bước đầu của Viện và tình hình tổ chức các lớp đào tạo Tiếng Anh, khả năng trường lớp, kinh phí sửa chữa khoảng 80 triệu đồng (80 triệu đồng lúc bầy giờ là một khoảng kinh phí lớn).
Trong cuộc họp có một số ý kiến phê phán cách làm của Viện là tùy tiện, như: đập phá sửa chữa cơ sở Võ Văn Tần, tổ chức đào tạo đại học trong khi kế hoạch chưa được Bộ phê duyệt.
Tôi giải trình về việc sửa chữa khi 97 Võ Văn Tần: ngày 20/6/1990, tôi đã có công văn gửi Bộ đề nghị cho phép Viện sửa chữa mở rộng các phòng học khu 97 Võ Văn Tần thành lớp học với kinh phí nếu Bộ chưa có điều kiện cấp thì Viện sẽ tự lo, nhưng vì không thấy Bộ có ý kiến gì, Viện lại sắp khai giảng nên chúng tôi buộc phải thực hiện theo kế hoạch.
Việc tổ chức đào tạo đại học, Viện đã có gửi báo cáo chương trình mục tiêu và kế hoạch mở lớp các ngành Anh Ngữ, Tin học, Quản trị Kinh doanh, nhưng hơn một tháng không có ý kiến chỉ đạo chính thức, Viện lại nhận được thư công tác của Vụ trưởng Vụ Đào tạo Tại chức (là cơ quan quản lý về mặt chuyên môn đối với Viện Đào tạo Mở rộng) kiêm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Trần Đình Tân chỉ đạo nên mở ngay các lớp đại học, còn các lớp cao học phải báo cáo xin phép Giáo sư Vũ Ngọc Hải – Vụ trưởng Vụ Đào tạo Sau Đại học. Tôi đã photo thư công tác của Đồng chí Vụ trưởng Vụ Tại chức, mời các đồng chí xem. Nội dung chúng tôi làm đều xin ý kiến Bộ, không thể nói là Viện tự ý làm.
Thứ trưởng Trần Chí Đáo rất ngạc nhiên vì có bức thư công tác chỉ đạo công việc rõ ràng của Vụ trưởng Vụ Tại chức, tuy rất bức xúc nhưng Thứ trưởng vẫn kết luận:
- Đề nghị Viện tiếp tục thực hiện và hoàn thành kế hoạch sửa chữa để kịp khai giảng lớp. Bộ hỗ trợ 50% kinh phí sửa chữa trường lớp.
Quyền Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài vụ - Tống Đình Đà rụt rè đưa ra một bức thư và hỏi: Vậy bức thư này xử lý sao?
Thứ trưởng Trần Chí Đáo trả lời một cách dứt khoát: Thôi thư từ gì nữa, Viện tiếp tục làm tốt công việc đi, Bộ sẽ hỗ trợ.
Như vậy tin đồn Viện sẽ bị “dẹp tiệm” là có thật, bức thư mà Anh Tống Đình Đà hỏi Thứ trưởng là bức thư Bộ định gửi đi với yêu cầu: “Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh phải ngưng ngay mọi hoạt động, chờ ý kiến của Bộ”.
Qua sự việc trên tôi hình dung rằng, nếu Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn trực thuộc Trường Cán bộ Quản lý thì sẽ rất khó cho sự phát triển của Viện. Chính vì thế mà tôi đã trình bày những suy nghĩ này với Bộ trưởng Trần Hồng Quân, Bộ trưởng hứa sẽ nghiên cứu.
Chiều hôm đó, tôi với Bí thư Lộc trở về ngay Thành phố Hồ Chí Minh để kịp chuẩn bị cho lễ khai giảng lớp Đại học Anh ngữ khóa I của Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh.
Trở về thành phố, chúng tôi thông báo ngắn gọn với tập thể về nội dung làm việc với lãnh đạo Bộ: “Mọi việc đều thuận lợi, Bộ đồng ý hỗ trợ cho Viện 40 triệu (50% kinh phí) góp vào việc sửa chữa khu 97 Võ Văn Tần”.
Vậy là khóa I hệ đào tạo Đại học ngành Tiếng Anh của Viện với 100 sinh viên đã được khai giảng long trọng, tham dự buổi lễ có đại diện Văn phòng Chính phủ ở phía Nam, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Đảng ủy khối, các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh.
Lớp học được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, đầu vào đã được tuyển chọn rất kỹ về khả năng nghe, nói, đọc, viết của các sinh viên.
Số lượng sinh viên khoa Anh ngữ về sau ngày càng tăng, đến năm 1993 dã lên đến 3.000 sinh viên, tuy nhiên phần lớn là sinh viên dự bị, số sinh viên đại học chiếm khoảng 20%, chương trình đào tạo được thiết kế theo hệ thống tín chỉ, mỗi năm tuyển sinh 3 lần; nhiều chuyên gia các nước đến thăm và tìm hiểu đã đánh giá cao chương trình đào tạo của Viện. Vì số sinh viên đông như vậy nên vấn đề chất lượng giảng dạy của giáo viên rất khó kiểm soát, Trưởng khoa Đinh Quang Kim rất vất vả.
Kỳ tiếp theo: “ 6 tháng, Bộ trưởng ký 3 quyết định”