Ban biên tập Tạp chí Giáo dục và Xã hội xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc trích đăng một số bài viết trong Hồi ký “Đã từng có một đại học mở như vậy” của tác giả GS.VS Cao Văn Phường (Nguyên Bí thư Đảng ủy Đại học Cần Thơ; Thành viên sáng lập – nguyên Hiệu trưởng Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh – Mô hình trường đại học mở với hai thử nghiệm đầu tiên của ngành giáo dục: Thử nghiệm về đàotạo mở, Thử nghiệm tổ chức hoạt động trường đại học không sử dụng ngân sách nhà nước; Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương; Chủ tịch Chi nhánh Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Liên bang Nga tại Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Ngoài công lập Việt Nam) do Nhà xuất bản Văn học xuất bản tháng 6 năm 2010, nhằm cung cấp thêm thông tin đến đọc giả quan tâm đến xây dựng nền giáo dục mở.
Kỳ 2: Trao quyền tự chủ cho đại học
Kỳ 3: “ĐỔI MỚI TƯ DUY VÀ NHẬN THỨC VỀ GIÁO DỤC”
Kỳ 4: MỞ RỘNG ĐẦU VÀO, SIẾT CHẶT ĐẦU RA
Kỳ 6: SÁU THÁNG, BỘ TRƯỞNG KÝ 3 QUYẾT ĐỊNH
Phần II: Sự ra đời những ngành học chưa có mã số
- - Phân tầng mục tiêu đào tạo trong bậc đại học
- - Hợp đồng khoán quản đầu tiên trong giáo dục – Khoa Anh ngữ
- - Kiểm tra lại trình độ thầy dạy tiếng Anh
- - Sự ra đời của Khoa Quản trị Kinh doanh, Tin học, Đông Nam Á học, Phụ nữ học, Công thôn.
Kỳ 7: PHÂN TẦNG MỤC TIÊU ĐÀO TẠO TRONG BẬC ĐẠI HỌC
Sự khác biệt giữa đại học mở với đại học truyền thống thể hiện trên hai phương diện: tổ chức đào tạo và phương thức đầu tư.
Công tác đào tạo của các trường đại học truyền thống được tổ chức khép kín từ khâu tuyển sinh, tổ chức lớp học lý thuyết, thí nghiệm thực hành, đi thực tế, luôn luôn có sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên; tổ chức thi kiểm tra, xét lên lớp, thi tốt nghiệp theo quy trình khép kín được hành chính hóa chặt chẽ.
Trong khi đó ở các đại học mở, người học ghi danh tự do theo học, người học có thể đến lớp học, có thể qua tài liệu sách vở, học qua phát thanh, qua cầu truyền hình, qua đào tạo trực tuyến và mạng internet. Quá trình học tập là quá trình sàng lọc liên tục, chỉ có những người đạt được các yêu cầu tiêu chuẩn đặt ra cho một cấp học mới được nhận bằng tốt nghiệp. Đại học mở là đại học của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng phát triển nó.Vì vậy, việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, xác định mục tiêu đào tạo, hình thức đào tạo, chất lượng đầu ra cần phải xác định rõ.Đây là sự khác biệt cơ bản về vị thế và sứ mệnh của đại học mở với các đại học quốc gia và đại học truyền thống đã được chúng tôi xác định ngay từ đầu.
Sự lựa chọn chính xác mục tiêu, chương trình, nội dung và hình thức đào tạo sẽ cho phép nhà trường quyết định tổ chức nguồn lực (con người và vật chất) nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Bất kỳ một sản phẩm nào ra đời phải trải qua hai giai đoạn chủ yếu sau:
- Giai đoạn đầu: Các nhà công nghệ dựa vào tên loại sản phẩm, yêu cầu chất lượng sản phẩm sẽ nghiên cứu tạo ra dây chuyền công nghệ, những cán bộ thực hiện nhiệm vụ này được đào tạo theo một chương trình nặng về tính lý thuyết, sự khác biệt chủ yếu ở phần cơ sở kỹ thuật.
- Giai đoạn sau: Sau khi có dây chuyền công nghệ để tạo ra sản phẩm, cần có những cán bộ hiểu biết công nghệ để tổ chức khai thác. Chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật cho giai đoạn này được thiết kế rút ngắn thời gian và khối lượng kiến thức ở phần cơ sở kỹ thuật, tăng cường khối lượng kiến thức ở phần chuyên ngành.
Việc tổ chức đào tạo cán bộ khoa học phục vụ cho giai đoạn đầu (đào tạo kỹ sư công nghệ) từ khâu tuyển chọn đầu vào đến tổ chức giảng dạy lý thuyết và thực hành phải được tổ chức theo quy trình khép kín dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên từ lý thuyết trên lớp đến thực tập tại các phòng thí nghiệm, trạm trại thực nghiệm.
Xuất phát từ những đặc điểm nêu trên, Viện Đào tạo Mở rộng (Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh) xác định mục tiêu đào tạo chung của nhà trường là đào tạo kỹ sư và cử nhân thực hành, tức là đào tạo kỹ sư, cử nhân khai thác (các đại học truyền thống, đại học quốc gia đào tạo kỹ sư công nghệ vì đào tạo dạng cán bộ này cần sự đầu tư của nhà nước).
Như vậy, trong những năm cuối thế kỷ XX, Viện Đào tạo Mở rộng (Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh) đã tiến hành phân tầng mục tiêu đào tạo, xác định vị thế và sứ mệnh của nhà trường, tạo nên sự khác biệt giữa đại học mở và các đại học quốc gia, đại học truyền thống.
Cùng với đó, Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh (Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề ra cho mình nhiệm vụ rất rõ ràng: Tổ chức triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phục vụ cho đại đa số quần chúng lao động, hướng đến đào tạo nguồn lực cho nền kinh tế mở - kinh tế thị trường. Vì vậy, ngoài việc xác định rõ mục tiêu đào tạo như trên đã đề cập, vấn đề lựa chọn ngành nghề đào tạo, định hướng ưu tiên là rất quan trọng, tạo thế để Đại học Mở thật sự trở thành một “siêu thị tri thức”.
Trong lễ ra mắt Viện Đào tạo Mở rộng (ngày 20 tháng 7 năm 1990) tôi đã nêu ra những nguyên tắc lựa chọn ngành nghề của Viện Đào tạo Mở rộng, đó là:
- Phải lựa chọn và ưu tiên cho những ngành nghề có nhu cầu lâu dài, được đông đảo quần chúng quan tâm.
- Ưu tiên cho những ngành ít đầu tư trang thiết bị, thuận lợi cho triển khai theo phương thức đào tạo từ xa qua công nghệ truyền thông và công nghệ thông tin.
Những nguyên tắc nêu trên đã được hội nghị thống nhất, dựa vào các nguyên tắc đó, Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh xác định 3 ngành nền tảng của Viện là: Tiếng Anh, Tin học và Quản trị Kinh doanh. Đây là những kiến thức có tính công cụ để mọi người hòa nhập vào nền kinh tế mở, kinh tế thị trường.
Về sau này, biết tiếng Anh, biết Tin học, biết Quản trị đã trở thành công thức “3B” (ba biết) của Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh (Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh).
Công thức “3B” được đưa vào cho tất cả các chương trình đào tạo các ngành khác như: Phụ nữ học, Công thôn, Đông Nam Á học, Công nghệ Sinh học, Báo chí học, Luật học,…
Việc xác định mục tiêu đào tạo, yêu cầu chất lượng đào tạo,ngành nghề đào tạo, phương thức đào tạo đã tạo cho Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh một diện mạo khác biệt, bù đắp cho những khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình đổi mới.
Kỳ sau đăng tiếp