Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 1-2013 đạt khoảng 1,05 tỉ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý I, một số DN lớn có đơn hàng đến quý II, quý III, thậm chí cả năm.
Dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dệt may Việt Nam nằm trong danh sách ưu tiên của nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài. Năm 2012, dù nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vào các thị trường này đều tăng (vào Mỹ tăng 9,2%, Hàn Quốc tăng 9%, Nhật tăng 19,3%).
Từ tháng 11-2012 đến nay, đã có rất nhiều DN sản xuất xơ, sợi, dệt nhuộm từ TQ, Nhật, Áo… đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác đầu tư vào dệt nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu dệt may. Nhà nhập khẩu hàng dệt may từ các thị trường TPP, Nhật cũng gia tăng. Ông Phạm Xuân Hồng, cho biết: Mới đầu năm nhưng nhiều công ty đã có đơn hàng đến hết quý III, kéo dài đến cuối năm. Đặc biệt, sau Tết, một số DN chạy đôn chạy đáo tìm nơi gia công vì đã nhận đơn hàng nhiều quá, sản xuất không đáp ứng kịp tiến độ giao hàng.
Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Garmex Sài Gòn, hiện khách hàng mới đặt hàng để thăm dò, chuẩn bị cho các hiệp định có hiệu lực. Một số khách hàng đã chấp nhận cho sử dụng nguyên liệu Việt Nam mặc dù giá nguyên liệu trong nước cao hơn TQ, để qua đó, họ đánh giá, kiểm soát chất lượng, chuẩn bị cho hội nhập sắp tới...
Có thể bùng nổ đơn hàng
Trước những diễn biến mới của thị trường, nhiều DN xác định năm 2013 là năm chuẩn bị, tổng rà soát lực lượng và khắc phục các yếu kém đang tồn tại để đón đầu hội nhập.
Khi TPP ký kết và các hiệp định khu vực tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – TQ có hiệu lực (năm 2014-2015), thuế suất hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam vào các thị trường này bằng 0, đặt hàng từ nhà nhập khẩu các nước chắc chắn tăng mạnh nên DN phải chuẩn bị tăng cung tương ứng.
Lo thiếu nguồn nguyên liệu Ông Lê Quốc Ân, cố vấn cao cấp của Vitas, cho rằng thách thức lớn nhất đối với DN dệt may trong nước là nguồn cung nguyên liệu giới hạn, khả năng bùng nổ về cầu sẽ dẫn đến bùng nổ về cung và cạnh tranh gay gắt về lao động. Khi các hiệp định có hiệu lực, DN muốn được ưu đãi thuế phải chứng minh được lô hàng xuất đi đúng quy tắc xuất xứ (sử dụng sợi, nguyên phụ liệu Việt Nam hoặc các nước thành viên). Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng chứng từ và các thủ tục khác. Vì vậy, ngay từ bây giờ, DN phải củng cố cơ sở dữ liệu và lưu trữ chứng từ đầy đủ. |
Theo: THANH NHÂN/ NLĐ