ThS. Đoàn Quỳnh Thương
(*) Bài viết trong khuôn khổ Hội thảo khoa học cấp Khoa "Tự do hóa thương mại dịch vụ trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực tiễn thực hiện ở Việt Nam" của Khoa Pháp luật quốc tế - Trường Đại học Luật Hà Nội, tháng 5 năm 2019.
Tóm tắt
Nghiên cứu này nhằm mục tiêu tìm hiểu khái quát vấn đề di chuyển thể nhân trong thương mại quốc tế, trên cơ sở đó phân tích một số vấn đề pháp lý về di chuyển thể nhân trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và đánh giá vai trò của di chuyển thể nhân đối với Cộng đồng này.
Từ khóa: Di chuyển thể nhân, Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân năm 2012 (MNP) , Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
1. Khái quát về vấn đề di chuyển thể nhân trong thương mại quốc tế
1.1. Khái niệm “thể nhân” và “di chuyển thể nhân” theo GATS
“Di chuyển thể nhân” được đề cập trong Điều I, khoản 2(D) Hiệp định GATS của WTO là sự hiện diện tạm thời của công dân một quốc gia này tại lãnh thổ quốc gia khác với mục đích cung cấp một dịch vụ tại quốc gia đó trong khoảng thời gian nhất định.
Di chuyển thể nhân được xác định là hình thức thứ 4 trong bốn phương thức để dịch vụ có thể được cung cấp trên phạm vi quốc tế: (i) Mode 1: Cung cấp dịch vụ qua biên giới; (ii) Mode 2: Tiêu dung dịch vụ ở nước ngoài; (iii) Mode 3: Hiện diện thương mại; (iv) Mode 4: Hiện diện thể nhân. Di chuyển thể nhân là hình thức cung cấp dịch vụ Mode 4. Theo GATS, Mode 4 là hình thức cung cấp dịch vụ bởi một người cung cấp dịch vụ của một nước thành viên thông qua sự hiện diện của thể nhân của quốc gia thành viên tại lãnh thổ quốc gia thành viên khác.
Trong Phụ lục về di chuyển thể nhân của Hiệp định GATS cũng đã đưa ra định nghĩa thể nhân là “Những người cung cấp dịch vụ của một thành viên, và những thể nhân được một người cung cấp dịch vụ của một thành viên tuyển dụng, để thực hiện cung cấp dịch vụ”. [1] Có thể thấy “thể nhân” theo định nghĩa tại Hiệp định GATS gồm có hai loại:
- Những người cung cấp dịch vụ của một nước thành viên: ví dụ: một người tự mình cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ của một nước thành viên khác và trực tiếp nhận thù lao từ khách hàng
- Những người làm việc cho các nhà cung cấp dịch vụ của một nước thành viên. Thể nhân này có hai hình thức:
+ Thể nhân cung cấp dịch vụ tại lãnh thổ quốc gia thành viên khác thông qua sự hiện diện thương mại của pháp nhân trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên khác;
+ Thể nhân cung cấp dịch vụ tại lãnh thổ quốc gia thành viên khác cho khách hàng thông qua hợp đồng được ký kết giữa pháp nhân và khách hàng.
Hiệp định GATS không có quy định về trình độ tay nghề của người cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, trong cam kết của các nước thành viên thường dựa trên những tiêu chí về cấp bậc, mục đích di chuyển, trình độ chuyên môn. Các cam kết của các nước thành viên chia thể nhân thành 5 loại sau:
- Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (ICT): Đây là những người làm việc cho doanh nghiệp nước thành viên trên cơ sở hợp đồng lao động, sau đó được doanh nghiệp cử sang nước thành viên khác để cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa doanh nghiệp và khách hàng.
- Doanh nhân thăm dò thị trường (BV): là người di chuyển sang nước tiếp nhận thông qua các chuyến công tác với mục đích nghiên cứu, điều tra nhu cầu thị trường.
- Người cung cấp dịch vụ nghề nghiệp độc lập (IP): là một cá nhân tự do, không bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động với doanh nghiệp nào, di chuyển sang nước tiếp nhận để cung cấp dịch vụ trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa cá nhân đó với khách hàng.
- Người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng giữa hai doanh nghiệp: đây là người đang làm việc cho doanh nghiệp của một nước thành viên (tạm gọi là nước xuất khẩu dịch vụ) thông qua hợp đồng lao động, sau đó được cử đến nước thành viên khác (tạm gọi là nước tiếp nhận dịch vụ) để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp tại nước này trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ được ký kết giữa hai doanh nghiệp.
- Người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng giữa cá nhân và doanh nghiệp: là cá nhân tự do của một nước thành viên, di chuyển sang nước thành viên khác để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa người cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp.
Bên cạnh việc quy định các hình thức thể nhân được tự do dịch chuyển, Hiệp định GATS cũng quy định những trường hợp không áp dụng tự do dịch chuyển: đó là các biện pháp tác động đến các thể nhân tìm kiếm việc làm tại thị trường lao động của một nước thành viên và những biện pháp liên quan đến quốc tịch, cư trú hoặc lao động lâu dài. Như vậy, mặc dù không trực tiếp đưa ra định nghĩa “di chuyển” nhưng căn cứ vào đối tượng điều chỉnh của quy định về tự do dịch chuyển của GATS, có thể hiểu “di chuyển” ở đây được hiểu là di chuyển tạm thời để cung cấp dịch vụ tại nước tiếp nhận, không phải là di chuyển lâu dài hay nhằm mục đích định cư.
Về vấn đề xác định thế nào là “di chuyển tạm thời” và phân biệt “tạm thời” với “lâu dài hay nhằm mục đích định cư” thì GATS không quy định cụ thể mà dành quyền quy định cho các nước thành viên để “tạo sự linh hoạt. Thực tế cho thấy các quốc gia cũng không quy định cụ thể khoảng thời gian xác định là “di chuyển tạm thời” mà dựa trên việc loại trừ khoảng thời gian được quy định là nhập cư dài hạn hoặc trên cơ sở xác định hợp đồng giữa thể nhân và công ty nước ngoài tiếp nhận dịch vụ là hợp đồng dịch vụ hay hợp đồng lao động.
1.2. Nguyên nhân của di chuyển thể nhân
Thực tế hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự di chuyển của thể nhân. Dưới góc độ kinh tế, nguyên nhân của di chuyển thể nhân đã được nghiên cứu bởi nhiều học giả như Lewis, Ranisvaf, Prei, Harris, Torado trong lý thuyết kinh tế vĩ mô tân cổ điển; học giả Piore và Muler trong ý thuyết về thị trường lao động kép; đại biểu Stark và Bloom trong lý thuyết kinh tế mới về di chuyển lao động. Dựa trên quan điểm của những học giả này, tác giả cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nguyên nhân của di chuyển thể nhân là tổng hợp những quan điểm của các học giả trên:
- Sự di chuyển của dòng thể nhân có kỹ năng cao từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển có thể lý giải bởi sự di chuyển của dòng vốn và công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Xuất phát từ sự di chuyển của dòng vốn và công nghệ, các doanh nghiệp, các công ty xuyên quốc gia thành lập cơ sở và hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới, đi cùng với điều đó là việc cử các nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao đến các nhà máy, công ty con, chi nhánh của họ để quản lý, điều hành hoạt động sản xuất và kinh doanh. Sự di chuyển của những thể nhân này được gọi là di chuyển trong nội bộ công ty. Sự di chuyển của họ có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các nước đang phát triển, tăng sản lượng đầu ra trên toàn cầu.
- Sự di chuyển của dòng thể nhân có kỹ năng từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển lại xuất phát từ sự thiếu hụt của một số loại hình lao động có kỹ năng tại các nước phát triển, thêm vào đó, mức lương cao hơn mà doanh nghiệp trả cho người lao động tại các nước phát triển, điều kiện làm việc, chế độ an sinh xã hội, chính sách thu hút “nhân lực có kỹ năng cao” mà các nước phát triển đặt ra.… cũng là sức hút mạnh mẽ đối với những lao động có kỹ năng này.
- Sự di chuyển của dòng thể nhân không có kỹ năng từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển xuất phát từ lý do các nước đang phát triển thường dồi dào về lao động không có kỹ năng nhưng lại thiếu các yếu tố đảm bảo việc làm trong nước; trong khi đó, tại nhiều nước phát triển, người dân có xu hướng sinh ít con dẫn đến tình trạng dân số già, thiếu hụt lao động hoặc thiếu nguồn lao động trong các ngành lao động giản đơn, không yêu cầu cao về trình độ, kỹ năng (những ngành nghề mà lao động bản xứ không làm). Tình trạng này dẫn đến sự di chuyển của dòng thể nhân không có kỹ năng từ các nước đang phát triển dư thừa lao động đến làm việc trong một số ngành nghề mà nước sở tại không có đủ lao động như chăm sóc người cao tuổi, giúp việc trong gia đình, giao hàng… Xu hướng này sẽ giám bớt sức ép từ thị trường lao động trong nước, người lao động được trả lượng cao hơn lao động tại quê hương, nhà nước tăng thu ngoại tệ gửi từ nước ngoài.
Có thể nói, di chuyển thể nhân là một hiện tượng bình thường và ngày càng phổ biển trong thị trường lao động khi nền kinh tế và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng phát triển.
1.3. Lợi ích của di chuyển thể nhân
Di chuyển thể nhân mang lại lợi ích cho cả quốc có thể nhân di chuyển, quốc gia tiếp nhận và bản thân thể nhân.
- Đối với thể nhân: Di chuyển thể nhân mở ra cơ hội cung cấp dịch vụ tại nước khác, góp phần tăng thu nhập, tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho người lao động.
- Đối với quốc gia có thể nhân di chuyển ra nước ngoài để cung cấp dịch vụ: Di chuyển thể nhân là một trong những biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội với nước có lao động di chuyển ra nước ngoài để cung cấp dịch vụ. Thứ nhất, di chuyển thể nhân tạo điều kiện toàn dụng lao động cho nền kinh tế quốc gia, tăng thu nhập quốc gia. Thứ hai, di chuyển thể nhân góp phần thúc đẩy chính phủ và các doanh nghiệp tăng chi tiêu cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi để có thể ra nước ngoài cung cấp dịch vụ, người cung cấp dịch vụ phải có kỹ năng nghề nghiệp và trình độ ngoại ngữ ở mức độ nhất định theo yêu cầu của nước tiếp nhận; qua đó góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ ba, di chuyển thể nhân góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ giữa các quốc gia. Trong bối cảnh tự do hoá thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư ngày càng phát triển và mở rộng ở cấp độ khu vực và trên toàn thế giới, tự di chuyển thể nhân giữa các quốc gia có tác động quan trọng đối với nhà đầu tư trong việc lựa chọn phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh và sử dụng lao động cho các hoạt động này. Thứ tư, di chuyển thể nhân góp phần đưa các tiến bộ kỹ thuật, khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; điều này không chỉ xảy ra với nước tiếp nhận dịch vụ và tại nước xuất khẩu dịch vụ, người cung cấp dịch vụ ở nước ngoài khi về nước có thể mang theo những kinh nghiệm, tri thức tích luỹ được trong quá trình lao động, làm việc ở nước ngoài.
- Đối với quốc gia tiếp nhận dịch vụ: Di chuyển thể nhân góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc gia tăng trưởng nhanh; ngoài ra, di chuyển thể nhân còn tăng tính cạnh tranh trong thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng lao động của nước tiếp dịch dịch vụ về lâu dài.
1.4. Rào cản đối với di chuyển thể nhân
Mặc dù mang lại cho quốc gia tiếp nhận dịch vụ nhiều lợi ích, song quốc gia này cũng gặp phải những gánh nặng về chính trị, xã hội như trong trường hợp thể nhân lạm dụng thị thực nhập cảnh cung cấp dịch vụ tạm thời để định cư; thêm vào đó, nếu di chuyển thể nhân không có sự kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường lao động trong nước như làm tăng tỉ lệ thất nghiệp ở quốc gia. Trước những mối lo ngại này, các nước đều đưa ra một số rào cản có thể hạn chế di chuyển thể nhân như: các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường, các biện pháp phân biệt đối xử
- Quy định của pháp luật về quản lý thị thực nhập cảnh, xuất cảnh.
- Quy định của pháp luật phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.
- Các quy định pháp luật về công nhận chính thức chứng chỉ hành nghề, bằng cấp, kinh nghiệm của người lao động.
2. Một số vấn đề pháp lý về di chuyển thể nhân trong Cộng đồng kinh tế ASEAN
Tháng 10 năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (Tuyên bố Bali II), trong đó nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 trụ cột chính: Cộng đồng an ninh (ASC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội (ASCC). Tháng 1 Năm 2007, Hội nghị thượng định ASEAN lần thứ 12 tại Cebu Philippines tổ chức vào tháng 1 đã thông qua quyết định đẩy nhanh quá trình hình thành AEC vào năm 2015 thay vì 2020, đồng thời hướng tới mức độ hội nhập kinh tế trong ASEAN sâu rộng hơn so với ý tưởng ban đầu. SAu đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cụ thể con đường hiện thực hoá AEC thông qua việc ký Tuyên bố Cha-am Hua Hin về Lộ trình xây dựng AEC (ASEAN Community Roadmap) và thông qua Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint) đến năm 2015.
Trong đó, mục tiêu của AEC là tạp ra một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó sự lưu chuyển của các yếu tố hàng hoá, dịch vụ, vốn và lao động lành nghề (có tay nghề) được tự do, từ đó, nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn với đầu tư từ bên ngoài. Để đạt được mục tiêu này, AEC gồm có 4 trụ cột nội dung: (i) một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất); (ii) một khu vực kinh tế cạnh tranh cao; (iii) một khu vực phát triển kinh tế đồng đều; (iv) một khu vực hội nhập hoàn toàn vào nên kinh tế toàn cầu.
Nhằm hiện thực hoá các mục tiêu xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất của AEC, các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết và thông qua các điều ước quốc tế về thực hiện tự do hoá đối với bốn yếu tố hàng hoá, dịch vụ, vốn và lao động như: Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN năm 2009 (ATIGA); Hiệp định khung về thương mại dịch vụ năm 1995 (AFAS); Các thoả thuận công nhận lẫn nhau, Hiệp định di chuyển thể nhân ASEAN 2012…
Trong đó, tự do di chuyển thể nhân có vai trò quan trọng và góp phần tích cực trong việc thúc đẩy dòng chảy của vốn, hàng hoá, dịch vụ, lao động có chuyên môn trong khu vực.
Trong AEC, “di chuyển thể nhân” ban đầu được đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (AFAS). AFAS đã đặt ra các yêu cầu về tự do hoá đối với cả 4 phương thức cung cấp dịch vụ là : cung cấp dịch vụ qua biển giới (Mode 1); tiêu dung dịch vụ là nước ngoài (Mode 2); hiện diện thương mại (Mode 3); hiện diện thể nhân (Mode 4). Nhưng sau đó, Mode 4 hiện diện thể nhân được tách ra để đàm phán trong một Hiệp định riêng là Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân năm 2012 (sau đây gọi tắt là MNP 2012) được ký ngày 19/11/2012 tại Phnom Penh, Campuchia. MNP 2012 chính thức có hiệu lực vào ngày 14/6/2016. Mục tiêu của MNP 2012 là dỡ bỏ đáng kể các rào cản đối với việc di chuyển tạm thời qua biên giới của các thể nhân tham gia vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước ASEAN. Đối với các thoả thuận về di chuyển thể nhân trong MNP, ASEAN đã tiếp thu và xây dựng các quy định của GATS, theo đó các nước thành viên xây dựng biểu cam kết trên nguyên tắc chọn cho.
2.1. Phạm vi điều chỉnh của Hiệp định
MNP không điều chỉnh toàn bộ vấn đề “tự do di chuyển thể nhân” trong ASEAN. Ngay từ lời mở đầu, MNP chỉ đặt mục tiêu điều chỉnh một phần vấn đề tự do di chuyển thể nhân liên quan đến một số thể nhân cụ thể được quy định trong Hiệp định và chỉ áp dụng đối với các quy định ảnh hưởng tới việc tạm thời nhập cảnh và tạm thời lưu trú của các thể nhân này từ một nước thành viên ASEAN tại nước thành viên khác. Như vậy có thể hiểu, cũng như GATS, MNP sẽ không áp dụng với các biện pháp ảnh hưởng đến các thể nhân tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường việc làm tại một nước thành viên khác và không áp dụng với các biện pháp liên quan đến quốc tịch và cư trú lâu dài. Ngoài ra, Hiệp định cũng quy định các trường hợp ngoại lệ không áp dụng các thoả thuận về di chuyển thể nhân tại Điều 9 và Điều 10 của Hiệp định, đó là các ngoại lệ chung như: các biện pháp cần thiết để duy trì trật tự công cộng, các biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật, thực vật, để bảo vệ quyền riêng tư hoặc bảo mật của hồ sơ cá nhân; các ngoại lệ về bảo mật thông tin liên quan đến an ninh hoặc lợi ích mật thiết của quốc gia. [2]
2.2. Thể nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiệp định MNP
Các thể nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của MNP là:
- Khách kinh doanh (business visitors);
- Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
- Người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
- Một số trường hợp khác quy định cụ thể trong Biểu lộ trình cam kết về Di chuyển thể nhân của mỗi nước thành viên đính kèm theo Hiệp định này.
Đây cũng chính là các đối tượng được nêu trong Hiệp định GATS
Về khái niệm thể nhân trong MNP: Trong phạm vi MNP, có thể hiểu, thể nhân là một người có quốc tịch của một nước thành viên ASEAN. Các thể nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiệp định - được phép di chuyển từ một nước thành viên vào lãnh thổ của một nước thành viên khác khi thoả mãn một trong các điều kiện sau:[3]
(i) Thể nhân là khách kinh doanh (business visitors): Trong MNP, khách kinh doanh được đĩnh nghĩa là “một thể nhân tìm kiếm khả năng nhập cảnh hoặc lưu trú tạm thời trong lãnh thổ của một quốc gia thành viên khác, người có các khoản tiền thù lao và hỗ trợ tài chính trong suốt thời gian chuyến thăm này có nguồn gốc từ bên ngoài nước thành viên khác đó”. Đối tượng này có một hoặc một số tư cách sau: Là đại diện hoặc nhân viên của các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, dịch vụ hay đầu tư, trong đó mục đích nhập cảnh hoặc lưu trú tạm thời trong lãnh thổ quốc gia thành viên khác đó là đàm phán, thực hiện các cuộc họp kinh doanh, thiết lập khoản đầu tư hoặc sự hiện diện thương mại… mà không liên quan đến việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ trực tiếp cho công chúng.
(ii) Thể nhân là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp: (Intra–Corporate Transferee (ICT)) được định nghĩa là “một thể nhân là nhân viên của một pháp nhân được thành lập trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, tạm thời có mặt để cung cấp dịch vụ thông qua sự hiện diện thương mại (thông qua văn phòng đại diện , chi nhánh, công ty con hoặc chi nhánh) trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên khác trong một thời gian có thể được quy định trong Biểu cam kết và những người là: (i) Người điều hành (executive); (ii) Người quản lý (Manager); (iii) Chuyên gia của pháp nhân.
(iii) Thể nhân là người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng (contractual service suppliers): Không phải tất cả các cá nhân muốn cung cấp dịch vụ qua biên giới đều có quyền tự do di chuyển theo quy định của MNP. Theo Điều 3 của Hiệp định, thể nhân phải thoả mãn điều kiện:
+ Là người điều hành, quản lý, chuyên gia hoặc nhân viên của một pháp nhân được thành lập trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên (có thể phải thoả mãn yêu cầu phải làm việc cho pháp nhân trong khoản thời gian nhất định tuỳ thuộc vào Biểu cam kết cụ thể của các quốc gia thành viên ASEAN), có mặt ở lãnh thổ quốc gia thành viên khác để cung cấp dịch vụ theo hợp đồng giữa pháp nhân (người sử dụng lao động) và người tiêu dùng dịch vụ;
+ Bản thân pháp nhân quản lý không có hiện diện thương mại trên lãnh thổ quốc gia thành viên nơi dịch vụ được cung cấp
+ Phải có các bằng cấp giáo dục và chuyên môn phù hợp với dịch vụ được cung cấp.
(iv) Thể nhân thuộc một số loại thể nhân khác theo quy định cụ thể trong Biểu cam kết về Di chuyển thể nhân của mỗi nước thành viên đính kèm theo Hiệp định.
Ngoài 3 đối tượng được liệt kê cụ thể trong Hiệp định là khách kinh doanh, người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp và người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, MNP còn cho phép tự do dịch chuyển đối với một số loại thể nhân khác không nằm trong 3 đối tượng kể trên được quy định cụ thể trong Biểu cam kết của mỗi quốc gia thành viên. Mặc dù vậy, tính đến nay, chưa có quốc gia thành viên nào cho phép tự do di chuyển đối với đối tượng thể nhân nằm ngoài 3 hình thức được liệt kê cụ thể trong Hiệp định.
Có thể thấy, MNP điều chỉnh về di chuyển thể nhân khi những đối tượng này tham gia triển khai hoạt động thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư giữa các nước thành viên. Trong đó, đối với lĩnh vực dịch vụ, MNP điều chỉnh vấn đề di chuyển 4 loại hình thể nhân nêu trên trong tất cả các ngành dịch vụ. MNP cũng chỉ cho phép di chuyển tạm thời đối với lao động có kỹ năng và đã đưa ra những điều kiện cụ thể đối với các nhóm đối tượng thể nhân được tự do di chuyển theo quy định của Hiệp định. Trong đó cần lưu ý là, các cá nhân cung cấp dịch vụ đơn lẻ không thuộc quản lý của pháp nhân nào sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của MNP. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp cử nhân viên sang lãnh thổ quốc gia khác để cung cấp dịch vụ dưới hình thức hiện diện thương mại hoặc không có hiện diện thương mại thì chỉ những người có chức vụ quản lý của doanh nghiệp như giám đốc điều hành, người quản lý, hoặc những người có trình độ chuyên môn như chuyên gia hoặc nhân viên có bằng cấp và chuyên môn mới được hưởng những quyền tự do di chuyển theo MNP.
2.3. Các thoả thuận về tự do di chuyển thể nhân trong MNP
a) Quy định về cấp Tạm nhập cảnh (Temporary Entry) hoặc Tạm trú (Temporary Stay)
Theo Điều 4 của Hiệp định, mỗi quốc gia thành viên, theo Biểu cam kết của quốc gia sẽ cấp quyền tạm nhập cảnh hoặc tạm trú cho thể nhân của quốc gia thành viên khác khi các thể nhân đã theo các thủ tục nộp đơn quy định đối với hình thức nhập cảnh đó, đồng thời đáp ứng tất cả các yêu cầu và đủ điều kiện để nhập cảnh tạm thời hoặc tạm trú theo quy định của pháp luật quốc gia. Để đảm bảo việc xử lý đơn tạm nhập cảnh/ tạm trú được thực hiện nhanh chóng, Hiệp định quy định quốc gia thành viên tiếp nhân phải xử lý kịp thời và thông báo cho người nộp đơn về trình trạng giải quyết đơn đối với các đơn xin đã hoàn thành thủ tục tạm nhập cảnh/tạm trú; trường hợp đơn đăng ký chưa hoàn chỉnh, quốc gia thành viên phải thông báo cho người nộp đơn để hoàn thành đơn đăng ký. Phí nhập cảnh hoặc tạm trú sẽ do pháp luật quốc gia quy định. Để đảm bảo về an ninh và tuân thủ pháp luật, Hiệp định cho phép quốc gia tiếp nhận có thể từ chối tạm nhập cảnh hoặc tạm trú đối với thể nhân của một quốc gia khác nếu không thực hiện đủ các yêu cầu và đáp ứng các điều kiện tạm nhập cảnh/tạm trú theo pháp luật quốc gia tiếp nhận.[4]
b) Quy định về cam kết của quốc gia thành viên đối với tạm nhập cảnh/ tạm trú của thể nhân và lộ trình các thoả thuận hướng tới tự do hoá hơn nữa về di chuyển thể nhân trong ASEAN
Mỗi quốc gia thành viên sẽ cam kết về tạm nhập cảnh/tạm trú trong lãnh thổ quốc gia mình cho thể nhân của các quốc gia thành viên khác, cụ thể là các điều kiện chung, các giới hạn, thời gian lưu trú đối với từng loại thể nhân. Khi MNP có hiệu lực, cam kết này sẽ thay thế các cam kết theo AFAS liên quan đến Mode 4 trước đây.
Với mục tiêu tự do di chuyển thể nhân hơn nữa trong tương lai, Hiệp định cũng quy định về lộ trình các cuộc đàm phán trong tương lai nhằm đạt được những thoả thuận cao hơn. Theo MNP, cuộc thảo luận đầu tiên để xem xét lại các Biểu cam kết sẽ được tổ chức sau 1 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực và các cuộc thảo luận sau đó sẽ diễn ra theo thoả thuận của các quốc gia thành viên ASEAN. Những sửa đổi của các Biểu cam kết sẽ được đưa vào Hiệp định dưới hình thức sửa đổi, bổ sung Hiệp định.[5]
c) Quy định về đảm bảo sự minh bạch
Để đảm bảo sự minh bạch trong tự do di chuyển thể nhân, Hiệp định MNP quy định nghĩa vụ của các nước thành viên trong việc thực hiện thoả thuận này. Theo Điều 8 MNP, mỗi quốc gia thành viên ASEAN sẽ có nghĩa vụ:[6]
- Công khai các thủ tục nhập cảnh và các giải thích có liên quan hoặc ảnh hưởng đến thoả thuận về tự do di chuyển thể nhân của ASEAN;
- Thiết lập hoặc duy trì các cơ quan liên lạc để hướng dẫn về thủ tục và các quy định có liên quan đến tạm nhập cảnh/ tạm trú của thể nhân
- Cho phép khoảng thời gian hợp lý giữa công bố các quy định mới về tạm nhập cảnh/ tạ trú của thể nhân và ngày có hiệu lực, có thể công bố qua phương tiện điện tử.
- Công bố các thủ tục, các quy định có liên quan và các giải thích về tạm nhập cảnh/tạm trú trên website về nhập cư trong khoảng thời gian không qua 6 tháng kể từ ngày MNP có hiệu lực.
- Khi có bất kỳ sửa đổi, bổ sung nào về các quy định nhập cư liên quan đến tạm nhập cảnh hoặc tạm trú của thể nhân phải công bố sớm nhất trong vòng 90 ngày kể từ ngày sửa đổi, bổ sung có hiệu lực
d) Quy định về công nhận lẫn nhau
Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động di chuyển thể nhân, MNP quy định mỗi quốc gia thành viên (theo thoả thuận của cả khối hoặc thoả thuận song phương với quốc gia thành viên khác) có thể công nhận trình độ giáo dục, kinh nghiệm, giấy phép, chứng nhận có được của thể nhân được cấp bởi một quốc gia thành viên khác để phục vụ cho việc cấp giấy phép, chứng nhận nhà cung cấp dịch vụ của thể nhân tại quốc gia mình.[7]
2.4. Các cam kết về di chuyển thể nhân của các quốc gia thành viên
Qua khảo sát biểu Cam kết tự do di chuyển thể nhân của các quốc gia thành viên, có thể đưa ra một số nhận xét sau:
- Về các hình thức thể nhân được phép di chuyển tự do, cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN còn hạn chế: Tất cả 10 nước thành viên đều đã cam kết về di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp. Có 7 trên tổng số 10 quốc gia thành viên có cam kết về di chuyển của khách kinh doanh. Các quốc gia chưa cam kết về di chuyển khách kinh doanh là Bruinei, Myanmar, Singapore. Đối với tự do di chuyển của nhóm thể nhân là các nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, chỉ có 3 quốc gia có cam kết là Campuchia, Philippines và Việt Nam. Đối với nhóm các loại thể nhân khác, không có quốc gia nào đưa ra cam kết.
- Về số lượng các lĩnh vực dịch vụ được cam kết giữa các nước thành viên có sự khác nhau: Trong số 154 phân nhóm ngành dịch vụ thì cam kết nhiều nhất là Brunei và Campuchia: cam kết 153 phân nhóm ngành; Myanmar chỉ cam kết 59 nhóm ngành.
- Về mức độ cam kết:
Thời gian lưu trú cho phép đối với từng nhóm đối tượng có sự khác nhau giữa các nước thành viên:
+ Thời gian lưu trú tạm thời cho phép đối với nhóm đối tượng là khách kinh doanh được cam kết từ khoảng 30 ngày (Lào và Campuchia) hoặc 60 ngày (Indonesia và Philippines) đến 90 ngày (Malaysia, Thái Lan, Việt Nam).
+ Thời gian lưu trú tạm thời đối với nhóm đối tượng là thể nhân di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là từ 1 tháng (Lào) hoặc 3 năm (Brunei, Việt Nam) đến 10 năm (Malaysia: “không vượt quá 10 năm).
+ Thời gian lưu trú tạm thời đối với người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng (chỉ có 3 quốc gia có cam kết) là không quá 90 ngày (Việt Nam), không quá 1 năm (Philippines) đến không quá 2 năm (Campuchia).
Cụ thể cam kết về số lượng các phân ngành dịch vụ và thời gian lưu trú của các quốc gia thành viên có thể xem ở bảng dưới đây:
Tên quốc gia |
Khách kinh doanh |
Di chuyển trong nội bộ DN |
Người cung cấp dịch vụ theo HĐ |
Các loại khác |
||||||||
|
Tỷ lệ cam kết[9] (%) |
Các phân ngành dịch vụ cam kết[10] |
Thời gian lưu trú tối đa |
Tỷ lệ cam kết2 (%) |
Các phân ngành dịch vụ cam kết3 |
Thời gian lưu trú tối đa |
Tỷ lệ cam kết2 (%) |
Các phân ngành dịch vụ cam kết3 |
Thời gian lưu trú tối đa |
Tỷ lệ cam kết2 (%) |
Các phân ngành dịch vụ cam kết3 |
Thời gian lưu trú tối đa |
Brunei |
0.0 |
0 |
K[11] |
99.4 |
153 |
3 năm |
0.0 |
0 |
K |
0 |
0 |
K |
Campuchia |
99.4 |
153 |
30 ngày |
99.4 |
153 |
2 năm |
99.4 |
153 |
2 năm |
0 |
0 |
K |
Indonesia |
61.0 |
94 |
60 ngày |
61.0 |
94 |
2 năm |
0.0 |
0 |
K |
0 |
0 |
K |
Lào |
68.8 |
106 |
30 ngày |
68.8 |
106 |
1 tháng |
0.0 |
0 |
K |
0 |
0 |
K |
Malaysia |
70.8 |
109 |
90 ngày |
70.8 |
109 |
Không quá 10 năm |
0.0 |
0 |
K |
0 |
0 |
K |
Myanmar |
0.0 |
0 |
K |
38.3 |
59 |
1 năm |
0.0 |
0 |
K |
0 |
0 |
K |
Philippines |
59.1 |
91 |
59 ngày |
59.1 |
91 |
1 năm |
59.1 |
91 |
1 năm |
0 |
0 |
K |
Singapore |
0.0 |
0 |
K |
98.7 |
152 |
2 năm |
0.0 |
0 |
K |
0 |
0 |
K |
Thái Lan |
55.2 |
85 |
90 ngày |
55.2 |
85 |
1 năm |
0.0 |
0 |
K |
0 |
0 |
K |
Việt Nam |
70.1 |
108 |
90 ngày |
70.1 |
108 |
3 năm |
70.1 |
108 |
90 ngày |
0 |
0 |
K |
Bảng 1: Tóm tắt cam kết của các nước thành viên ASEAN theo MNP 2012[8]
3. Vai trò của di chuyển thể nhân đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
Cùng với tự do hoá thương mại hàng hoá, dịch vụ và vốn, tự do di chuyển lao động là một trong những cấu thành của thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất. Tuy nhiên, với những đặc thù là tổ chức duy nhất trên thế giới có các thành viên đa dạng về thể chế chính trị, khác biệt về văn hoá, xã hội và sự chênh lệch về khoảng cách phát triển kinh tế; những bất ổn về chính trị cũng như những tranh chấp trong khu vực vẫn tiếp diễn… đối với yếu tố lao động, hiện nay trong quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế, ASEAN không thực hiện tự do hoá hoàn toàn mà chỉ đặt ra mục tiêu tự do di chuyển đối với lao động lành nghề. Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân là một trong những công cụ để thực hiện mục tiêu này của ASEAN với việc giới hạn thể nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiệp định ở 4 loại là khách kinh doanh; người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng và một số trường hợp khác quy định cụ thể trong Biểu lộ trình cam kết của các quốc gia thành viên. Do đó, đối với quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định có vai trò quan trọng:
Thứ nhất, Hiệp định góp phần thúc đẩy trao đổi vốn đầu tư giữa các nước thành viên; từ đó, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thương mại hàng hoá, dịch vụ trong khối. Giao lưu thương mại phụ thuộc nhiều vào việc xem xét và đánh giá thị trường đầu tư. Với đối tượng điều chỉnh chủ yếu là những người tìm kiếm cơ hội kinh doanh (khách kinh doanh) và thể nhân của các doanh nghiệp, MNP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân ASEAN nhập cảnh vào các nước thành viên, các doanh nghiệp của các quốc gia thành viên dễ dàng cử chuyên gia của mình sang thiết lập, vận hành các dự án đầu tư của doanh nghiệp tại các quốc gia thành viên trong khối. Điều này góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích các nhà đầu tư ASEAN đầu tư vào các nước thành viên trong khối nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường đầu tư, kinh doanh, từ đó, tăng khả năng sản xuất hàng hoá, dịch vụ trên toàn khu vực.
Thứ hai, MNP chỉ giới hạn 4 loại hình thể nhân được phép tự do dịch chuyển theo Hiệp định, trong đó lao động không có kỹ năng không thuộc đối tượng được di chuyển tự do, cho nên quy định về di chuyển tự do lao động có tay nghề có kỹ năng giữa các nước ASEAN tạo ra một phân khúc thị trường lao động khá hẹp và có sự sàng lọc đáng kể đối với lao động di chuyển nội khối.
Thứ ba, sự tự do di chuyển đối với các loại hình thể nhân theo MNP này sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động của quốc gia và khu vực, góp phần gia tăng về số lượng lao động có kỹ năng, nâng cao năng suất và chất lượng lao động.
Thứ tư, tự do di chuyển thể nhân sẽ góp phần tạo áp lực để các nước thành viên hoàn thiện thể chế, điều chỉnh chính sách, pháp luật để tương thích với pháp luật về lao động của các nước trong ASEAN.
Thứ năm, về lâu dài, các thoả thuận về di chuyển thể nhân sẽ thúc đẩy những đổi mới trong giáo dục và đào tạo của các nước thành viên để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và khu vực.
Chú thích
[1] Điều 1 Phụ lục về di chuyển thể nhân của Hiệp định GATS.
[2] Xem thêm Điều 9 và Điều 10 Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân 2012
[3] Xem thêm Điều 3 Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân 2012
[4] Xem thêm Điều 4 và Điều 5 Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân năm 2012.
[5] Xem thêm Điều 6 Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân năm 2012.
[6] Xem thêm Điều 8 Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân 2012.
[7] Xem thêm Điều 13 Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân 2012
[8] Bảng 1: Yoshifumi FUKUNAGA & Hikari ISHIDO, Values and limitations of the ASEAN Agreement on the Movement of Natural Persons, ERIA Discussion Paper Series, 2015.
[9] Tính trên tổng 154 phân ngành DV.
[10] Trên tổng số 154 phân ngành dịch vụ.
[11] K: Không cam kết.