Rau rẻ như bèo
Khác với những năm trước, vào dịp giáp Tết Nguyên đán, giá các loại rau, củ, quả thường tăng khoảng 20 – 25%, nhưng năm nay nhiều loại rau củ không những không tăng mà còn giảm sâu, khiến người trồng rau buồn rười rượi.
Sáng 21.1, ông Dương Văn Điểm, thôn Đông, xã Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) cầm cây cải thảo to bằng cái phích nước trên tay lắc đầu nói: “Nhà tôi trồng 7 sào cải thảo, 2 sào súp lơ. Tháng trước rau cải thảo đạt 8.000 – 10.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg, súp lơ cũng giảm từ 12.000 – 13.000 đồng/cây xuống còn 4.000 – 5.000 đồng/cây, thật chẳng bõ công chăm sóc, gồng gánh”.
Tương tự, nhà bà Trần Thị Dự ở thôn Ba Chữ (xã Vân Nội) trồng 5 sào cải làn, 1 sào cải ngồng. Giờ cải làn đã đến kỳ thu hoạch, nhưng vì rau “đại hạ giá” nên bà ngồi cắt rau mà cứ buồn rười rượi. “Chưa năm nào mà vào dịp tết rau lại rẻ như năm nay. Năm ngoái cải làn giá 12.000 – 13.000 đồng/kg, hay như hồi đầu tháng Chạp vẫn đạt 10.000 – 11.000 đồng/kg, nhưng giờ chỉ còn 5.000 đồng/kg, tiêu thụ cũng rất chậm”.
Có lẽ thảm hại nhất là những người trồng bắp cải, su hào và cải ngồng. Đứng nhìn những củ su hào đang bị vứt lăn lóc trên ruộng vì giá bán rẻ như cho, chị Nguyễn Thị Tính ở thôn Tằng My, xã Nam Hồng (Đông Anh) xót xa nói: “Nhà tôi có gần 1 mẫu ruộng, trong đó tôi trồng 5 sào su hào, 2 sào súp lơ và 3 sào bắp cải. Năm ngoái gia đình tôi bỏ túi 7 triệu đồng/sào rau, súp lơ 10 triệu đồng/sào. Ấy thế mà năm nay su hào, bắp cải chỉ thu được 1,5 triệu đồng/sào, súp lơ 2,5 triệu đồng, tính ra lỗ 2/3”.
Không mong tết đến
Cũng vào dịp này năm ngoái, người trồng rau ở các vùng Duyên Hà, Song Phượng, Vân Nội… của Hà Nội rất háo hức chăm sóc, thu hoạch rau để bán. Nghề trồng rau vất vả, nhưng ai nấy đều vui tươi vì được giá, sau mỗi phiên chợ dịp tết, bà con lại rủng rỉnh tiền mua sắm, trang hoàng nhà cửa, có nhà còn mua được cả tủ lạnh, xe máy… Năm nay, vẫn thửa ruộng ấy, thứ rau, củ ấy nhưng sắc mặt của họ đã không còn vui tươi như trước, nhiều người còn không mong tết đến vì lo không có tiền chi tiêu.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết: Thành phố hiện có khoảng 6.500ha rau các loại, tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Giá rau giảm khiến người tiêu dùng phấn khởi, nhưng người nông dân thì kém vui, Tết Nguyên đán đã cận kề, phải chi tiêu nhiều hơn, trong khi bà con không biết trông vào khoản thu nhập nào khác ngoài cây rau…”. |
Ông Phạm Văn Sắn - nông dân thôn Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) buồn rầu nói: “Năm nay trời ấm, rau lên nhanh, nhưng giá rẻ như bèo. Bán cả sào rau may ra chỉ đủ tiền giống, phân bón, coi như công cốc. Nhưng rẻ cũng phải bán đi để còn làm lứa khác, ra Giêng may ra sẽ gỡ gạc được phần nào. Coi như tết năm nay… đói chú ạ”.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, ngoài nguyên nhân rau được mùa, cung vượt cầu, còn một nguyên nhân khác khiến giá rau, củ giảm mạnh là do nhiều người tiêu dùng thủ đô đã chuyển sang dùng sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng, hoặc tự gieo trồng rau xanh tại nhà… nên những loại rau, củ sản xuất đại trà bị tụt giá.
Anh Nguyễn Văn Thành - xã viên HTX Sản xuất rau an toàn Song Phượng cho biết: “So với rau sản xuất đại trà, rau an toàn có cao hơn vài giá, nhưng nhìn chung cũng giảm hơn so với năm ngoái. Cụ thể, rau cải cay năm ngoái đạt 12.000 – 15.000 đồng/kg, nhưng hiện chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg, cải cúc trước 3.000 – 3.500 đồng/mớ, hiện còn 1.000 – 1.500 đồng/mớ… Với giá này, nồi bánh chưng của nhiều gia đình năm nay cũng sẽ vơi theo”.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Mai Lan – Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết thêm: “Toàn huyện có 200ha rau, tập trung nhiều ở xã Song Phượng 45ha, Vân Côn 40ha, Tiền Yên 35ha, Yên Thái 20ha…, trong đó rau an toàn chiếm khoảng 30%. Rau năm nay được mùa, sản lượng lớn trong khi sức mua giảm nên giá rau bị giảm theo”.
Theo: danviet.vn