TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, cho biết ông và nhiều đồng sự đã đề xuất thành lập công ty thu mua nợ xấu (VACM) từ 6 tháng trước nhưng đề xuất này gặp phải nhiều ý kiến của dư luận khi nhiều chuyên gia cho rằng, không được lấy thuế của nhân dân để cứu các ngân hàng mà hãy để nó "tự chết đi" hay không cần xử lý nợ xấu thì nền kinh tế vẫn... phát triển.
Theo TS Nghĩa, những suy luận như trên này rất ngây thơ, chẳng khác nào chuyện muốn có con mà không phải lấy vợ, bởi mấu chốt của vấn đề là muốn kích cầu nền kinh tế bắt buộc phải xử lý dứt điểm nợ xấu.
Ông Nghĩa cho biết, Công ty quản lý nợ quốc gia (VACM) dự kiến sẽ thành lập trong tháng 5/2013, sẽ hoạt động dưới sự quản lý của Chính phủ, trực tiếp điều hành là Ngân hàng Nhà nước chứ không phải Bộ Tài chính vì nguồn vốn xử lý nợ xấu không phải sử dụng tiền ngân sách. Công ty này sẽ giải quyết “mạnh tay” đối với nợ nần nên không thể nằm trong nhiều bộ ngành cùng quản lý.
Về phương thức hoạt động của VACM trong việc thu mua nợ xấu, TS Nghĩa cho rằng các NHTM sẽ phải bán nợ xấu bắt buộc, nếu không NHNN sẽ thanh tra toàn diện. Tuy nhiên cần có quy định về mức nợ đối với doanh nghiệp từ bao nhiêu trở lên thì phải bán, của tư nhân từ bao nhiêu trở lên phải bán lại cho VAMC.
Tài sản “sống” trong khối nợ xấu sẽ gửi lại NHTM quản lý, tránh thành lập thêm một đơn vị quản lý vì dễ gây tốn kém và thiếu kinh nghiệm.
Bằng việc mua bán nợ xấu, các NHTM sẽ nhận được trái phiếu Chính phủ loại đặc biệt tương đương với loại A hiện nay do NHNN phát hành và được cầm cố và vay tiền trên thị trường mở. NHTM sẽ được trích 20% quỹ dự phòng. Khi VAMC bán tài sản, công ty quản lý tài sản sẽ giữ lại 15% và 85% chuyển về cho ngân hàng thương mại, đồng thời ngân hàng thương mại phải chuyển lại trái phiếu cho NHNN.
Còn đối với việc bán nợ xấu của VACM, TS Nghĩa cho rằng có các hình thức “bán” nợ xấu như sau:
Trường hợp với những công ty hoạt động bình thường, số nợ xấu sẽ chuyển thành cổ phần và VACM sẽ trở thành cổ đông của công ty, trực tiếp tham gia vào HĐQT để theo dõi tình hình kinh doanh của công ty.
Trường hợp thứ hai, VACM sẽ bán lại nợ xấu cho các công ty nước ngoài. Đây thực sự là một thị trường tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài. Qua thực tế, quy định không có người nước ngoài sở hữu tài sản tại Việt Nam cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài thông cảm nhưng cần “cắt” những thủ tục rườm rà nhiêu khê.
TS Nghĩa cũng cho rằng VACM sẽ cân nhắc xóa nợ trong những trường hợp bất khả kháng khiến doanh nghiệp hay nông dân vay vốn làm ăn nhưng gặp thiên tai, dịch bệnh không có khả năng trả nợ.
Hệ thống tài chính Nhật Bản bắt đầu đối mặt với vấn đề nợ xấu nghiêm trọng kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, sau thời điểm TTCK tăng đến đỉnh vào 12/1989 và cao điểm của giá đất vào 9/1991 thì đến tháng 8/1992, giá cổ phiếu, giá đất giảm mạnh thể hiện rõ sự đổ vỡ của nền kinh tế bong bóng, kéo theo sự phá sản của hàng loạt công ty chuyên về tín dụng nhà ở, các quỹ tín dụng và các ngân hàng, CTCK…
Tổng dư nợ tồn đọng trong nền kinh tế, từ dưới 200.000 tỷ yên đầu những năm 80, đã tăng vọt thêm hơn 300.000 tỷ yên lên tới trên 500.000 tỷ yên vào giữa thập kỷ 90, vượt cả GDP danh nghĩa.
Mặc dù có đôi chút cải thiện trong chu kỳ kinh doanh kể từ những năm 90, sau giai đoạn đó, Nhật Bản lại phải tiếp tục đối mặt với suy thoái kinh tế dẫn đến nợ xấu tiếp tục tăng lên. Nguyên nhân do các ngân hàng chỉ tập trung xử lý nợ xấu trong phạm vi khả năng tài chính của mình nên nợ xấu chưa được xử lý một cách triệt để, dẫn đến vốn chủ sở hữu bị tổn thất do phải xử lý nợ xấu qua nhiều năm. Vì lý do này, công tác xử lý nợ xấu tiếp tục bị trì hoãn trong khi vấn đề nợ xấu ngày càng đan xen phức tạp với những vấn đề của nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Vào thời điểm 2003, Nhật Bản đã thực thi chính sách kinh tế khẩn cấp, trong đó hoàn thiện chức năng của Công ty thu hồi xử lý nợ (RCC), thành lập Cơ quan tái thiết công nghiệp (IRCJ) và thúc đẩy hình thành các quỹ tái thiết DN tư nhân... để tăng cường xử lý nợ thông qua hoạt động mua bán nợ. Kết quả là số nợ xấu đã giảm một cách nhanh chóng, từ cuối tháng 3/2002 là 43.200 tỷ yên đã giảm xuống 25.300 tỷ yên vào cuối tháng 3/2005 và xuống còn khoảng 12.000 tỷ yên vào cuối tháng 3/2007.