Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtKinh tếNgân hàng ‘chết’ là do cán bộ tự tung tự tác

Ngân hàng ‘chết’ là do cán bộ tự tung tự tác

Thứ ba, 17 Tháng 9 2013 03:13
TS. Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. TS. Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Thẩm định tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng dễ dãi hoặc cán bộ, nhân viên ngân hàng cố tình “nới tay” để doanh nghiệp chiếm dụng vốn, thực tế này vẫn tồn tại ở một số ngân hàng. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn vong của ngân hàng, vì vậy người lãnh đạo phải quản lý làm sao để cán bộ, nhân viên không dám, không cần làm sai, TS. Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.

Có những cán bộ ngân hàng vẫn quan liêu như thời… bao cấp

Thưa ông, trước việc một số sếp ngân hàng bị bắt liên quan đến chuyện thẩm định, cho vay ẩu, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Thực tế này liên quan đến các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, còn cán bộ ngân hàng cố tình làm sai, tạo ra những khe hở và hưởng lợi từ đó. Nói một cách khác là người trong và người ngoài đều xâu xé vào đồng vốn của ngân hàng. Nếu như vấn đề ấy xảy ra, tôi cho rằng nó không chỉ đơn giản mắc lỗi về nghiệp vụ mà là hành vi vi phạm pháp luật. Còn trong trường hợp các ngân hàng ở Sóc Trăng cho công ty thuỷ sản Phương Nam vay vốn nó cũng giống như nhiều trường hợp khác như thuỷ sản Bình An ở Cần Thơ là họ đã đầu tư sai ngành nghề, sai thế mạnh. Họ chuyển sang làm bất động sản, trái ngành nghề, còn cho thấy việc các doanh nghiệp thích đầu tư vào những lĩnh vực phát triển “nóng”.

Thực tế, các ngân hàng đã có hệ thống liên kết để biết thông tin về tài sản đã thế chấp. Tại sao vẫn có chuyện ngân hàng thẩm định qua loa, không phát hiện tài sản đã bị đem thế chấp ở ngân hàng khác?

Tất cả các món vay có tài sản đảm bảo, buộc người muốn vay vốn ngân hàng phải mô tả tài sản của mình. Việc mô tả tài sản đảm bảo có khung quy định rõ ràng. Các tổ chức tín dụng nếu làm tốt có thể hỏi trung tâm tư vấn tín dụng về các mô tả đó nằm trong khoản vay nào. Sau khi biết được các thông tin này, nếu cẩn thận hơn, người ta cũng có thể hỏi trực tiếp bên ngân hàng để đối chiếu xem tài sản này đã được thế chấp ở ngân hàng hay chưa. Như vậy, trước khi thanh toán một gói tín dụng, nhất là những gói tín dụng lớn, người có trách nhiệm phải cẩn trọng để tránh tình trạng chính cán bộ tín dụng lợi dụng. Như vậy, vai trò quản lý cán bộ của các giám đốc ngân hàng là rất quan trọng. Do đó, các giám đốc ngân hàng phải có một quy chế nội bộ sao cho cán bộ đó không thể tự tung tự tác được.

Có một thực tế, có doanh nghiệp muốn vay vốn phải  cắt lại “hoa hồng” cho cán bộ ngân hàng. Điều này dẫn đến việc thẩm định qua loa, cố tình làm ngơ với những sai phạm trong giao dịch ngân hàng?

Việc các ngân hàng tăng cường công tác thẩm định trước khi cho vay vốn là bình thường. Tôi cho rằng các ngân hàng cần thẩm định chặt chẽ hơn nữa. Trong quá trình thẩm định ấy, một số cán bộ ngân hàng đã lợi dụng tình hình kinh tế đất nước, các doanh nghiệp khó khăn nên họ đã có động thái vòi vĩnh doanh nghiệp. Đây chính là căn bệnh nhiều người phàn nàn. Thực tế, chúng ta đã quan liêu hoá hệ thống ngân hàng, những người làm công trong ngành ngân hàng đã quên mất mình đi làm công trong ngành dịch vụ. Họ biến ngân hàng giống như thời bao cấp, ngân hàng ban phát sự cho vay, từ đó nhân viên lợi dụng để trục lợi. Đây là hành động cần lên án và xử lý nghiêm.

Việc đòi chia “hoa hồng” trong giao dịch vay vốn ngân hàng có nguyên nhân từ hai phía. Các doanh nghiệp đi vay, bản thân họ cũng thấy dự án đầu tư không có hiệu quả, chắc chắn việc đi vay về cũng không đầu tư thật sự để sinh lời nhưng vẫn cố tình đi vay. Và để vay được vốn, họ đã chấp nhận chia chác với các cán bộ ngân hàng thoái hoá biến chất. Đồng thời, công tác giám sát của các ngân hàng lại không được chú trọng nên mới xảy ra hiện tượng đó.

Một ngân hàng “chết” không ảnh hưởng tới hệ thống

Liệu có phải việc dễ dãi trong quá trình cho vay nên khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mới dẫn đến chuyện 5-6 ngân hàng đi canh một cái kho của doanh nghiệp?

Do các quy định của chúng ta chưa chặt nên có người cố tình làm sai, thông đồng doanh nghiệp để nâng khống giá trị tồn kho để thế chấp ngân hàng. Trong kho có thể có nhiều chủng loại hàng hoá mà mỗi ngân hàng nhận thế chấp một mặt hàng thì đó lại là bình thường. Còn với trường hợp một tài sản là đất đai, nhà xưởng thế chấp nhiều ngân hàng thì lại là chuyện khác.

Vậy điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, thưa ông?

Tôi không đồng tình với quan điểm đánh giá một ngân hàng hỏng sẽ xấu hình ảnh của cả hệ thống. Một ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập ra là do mục tiêu đóng góp phát triển kinh tế xã hội của đất nước phục vụ sự làm giàu chính đáng của các cổ đông nhưng nếu không được điều hành đúng, ngân hàng có sự sinh ra thì nó cũng có thể chết. Với  những ngân hàng không có bộ máy quản lý tốt, để nhân viên, cán bộ thông đồng với doanh nghiệp làm những việc khuất tất, vi phạm pháp luật thì nó phải chết. Việc chết của các doanh nghiệp ngân hàng ấy nó là hình ảnh tốt đối với người có tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Qua đó, mọi người có thể cân nhắc, đánh giá sự hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Một ngân hàng chết không ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng quốc gia.

Vậy là để phòng tránh rủi ro các ngân hàng cũng phải… tự thân vận động?

Đây là vấn đề của các ông chủ, người làm điều hành, quản lý ngân hàng. Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ khuyến cáo, đưa ra hệ thống pháp luật về hình sự, kinh tế, lao động… còn ngân hàng muốn làm tốt phải có quy chế nội bộ, nhân viên nào làm sai ở mức độ nào xử lý theo mức độ ấy. Nếu hành vi cố tình làm sai đến mức độ xử lý hình sự thì chuyển cho các cơ quan chức năng, thực thi pháp luật.

Xin cảm ơn ông.

Theo Nguoiduatin

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516