Điều làm người dân và chuyên gia ngành bảo vệ thực vật lo nhất là cho đến nay vẫn chưa có thuốc nào trị được loại sâu này. Rất nhiều đơn hàng xuất khẩu phải hủy vì không có bưởi để giao.
Sâu tấn công, bỏ cả vườn
Tại các vùng chuyên canh bưởi da xanh ở Bến Tre, Tiền Giang, đâu đâu nông dân cũng tặc lưỡi, thở dài: “Bưởi được giá mà không có để bán vì đại dịch sâu hồng”. Nhiều vườn bưởi cho trái oằn cây, nhưng gần đến thời điểm thu hoạch thì trái rụng la liệt vì sâu ăn từ trong ruột ra. Số trái ít ỏi còn lại cũng không chắc bán được vì nếu kiểm tra, phát hiện những lỗ nhỏ trên vỏ thì thương lái không mua do “trong ruột có sâu”.
Vườn bưởi của bà Phan Thị Phượng ở xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) hiện đã có nhiều cây chết khô. Cạnh đó là những cây khác lá chuyển sang màu vàng, chuẩn bị chết theo. Số lượng trái còn trên cành có thể đếm được trên đầu ngón tay. Bà Phượng cho biết vườn của bà có 150 gốc bưởi da xanh được sáu năm tuổi, nhưng bây giờ còn chưa đến 100 gốc vì bà chán nản, bỏ bê không chăm sóc. “Sâu tấn công, gặm hết 80% sản lượng trái nên tui không còn thiết tha chăm sóc nữa. Trước đó nghe ai bày cách gì tui cũng làm, từ bao trái đến phun thuốc trừ sâu, treo long não... nhưng không ăn thua. Càng làm thì càng thua lỗ” - bà Phượng than thở.
Bao trái để bảo vệ
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, sâu hồng không chỉ tấn công bưởi mà còn cắn phá một số loại cây có múi khác như cam, chanh. Nhất là cam sành đang nằm trong diện báo động đỏ vì được xem là thức ăn ngon thay thế bưởi đang ít dần. Nạn sâu hồng đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh ĐBSCL. Hiện đã ghi nhận khoảng 8.000ha cây có múi (chiếm hơn 10%) bị sâu hồng tấn công và con số này ngày càng tăng nhanh.
Theo nghiên cứu mới đây của Trường ĐH Cần Thơ, sâu hồng có tên khoa học là Citripestis sagittiferella, thuộc họ ngài, đã xuất hiện ở Indonesia và Malaysia rất lâu và mới xuất hiện tại VN hai năm nay. Sâu con sau khi nở ra sẽ bắt đầu đục từ dưới đáy trái bưởi và luồn sâu vào trong ruột. Vì vậy các loại thuốc trừ sâu coi như vô hiệu với loại sâu này. Khi sâu đến tuổi thứ 5 thì chui ra ngoài, rớt xuống đất trở thành nhộng, sau đó nở thành bướm và tiếp tục vòng đời... gây hại!
Gần đây Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và Trường ĐH Cần Thơ đã phối hợp nghiên cứu, thử nghiệm và đưa ra quy trình tạm thời phòng trừ sâu đục trái. Bên cạnh những biện pháp canh tác như cắt tỉa cành nhánh sau thu hoạch, tiêu hủy bưởi bị sâu đục trái phá hoại, bón phân bồi sinh... thì biện pháp bao trái cho hiệu quả khá tốt. Ông Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, hướng dẫn: “Việc bao trái thực hiện khi bưởi được một tháng tuổi. Trước khi bao phải xịt thuốc để vệ sinh trái. Nếu bao trái thì tỉ lệ thành công hơn 80%. Chi phí bao trái bưởi khoảng 2.000 đồng/trái, trong khi một trái bưởi cho thu hoạch trị giá gần 100.000 đồng nên biện pháp này cũng không quá tốn kém”.
Theo: Tuổi Trẻ