Thu mua sầu riêng non giá kỷ lục
Tình trạng thương lái đổ xô về mua sầu riêng non, già để bán sang Trung Quốc đang diễn ra rầm rộ ở xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) đã đẩy giá sầu riêng lên cao kỷ lục so với 10 năm trở lại đây. Người dân địa phương truyền tai nhau về hiện tượng này và gây xôn xao dư luận trong nhiều ngày qua.
Theo các chủ vườn sầu riêng tại xã Lộc Thành, hiện nay sầu riêng ghép các giống Thái Lan (Monthon, Đona, Ri6…) được thương lái mua tại vườn với giá từ 24.000 - 26.000 đồng/kg (cao hơn 10 ngàn đồng/kg so với niên vụ năm 2013). Tình trạng giá sầu riêng được đẩy lên cao như hiện tại chỉ mới diễn ra trong vòng khoảng 10 ngày qua. Song, điều ngạc nhiên là thương lái mua cả sầu riêng non. Còn trái nào chín, họ chỉ mua với giá 15.000 - 17.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Văn Hoàn, chủ vườn sầu riêng ở thôn 10C (xã Lộc Thành), cho hay: “Tôi trồng sầu riêng đã hơn 10 năm, nhưng chưa có năm nào giá cao như năm nay. Thương lái còn vào tận vườn giành giật nhau để mua. Năm ngoái, thương lái mua sầu riêng “chốt” rất nhiều loại giá tương ứng với sầu riêng các loại từ 1 đến 3. Nhưng năm nay, họ chỉ chốt một giá cho các loại sầu riêng lớn nhỏ, già non là 24.000 đồng. Còn sầu riêng ghép đã chín, họ chỉ mua với giá bằng năm ngoái”.
Theo ông Võ Văn Trường, ngụ tại thôn 10C, xã Lộc Thành, có những quả sầu riêng phải cả tháng nữa mới già nhưng thương lái vẫn mua. “Mà họ lại thích mua quả non mới lạ, càng xanh họ càng thích, bao nhiêu cũng mua, chỉ sợ không có hàng bán thôi”, ông Trường cho biết.
Ông Đỗ Minh Hương, chủ vườn sầu riêng khác ở thôn 4 (xã Lộc Thành), lại cho biết: “Gia đình tôi hiện có gần 2ha sầu riêng đã cho thu hoạch; trong đó, có 1ha sầu riêng ghép đã thu hoạch vụ đầu tiên. Đối với sầu riêng hạt, thương lái chỉ mua quả chín, còn sầu riêng ghép họ mua luôn cả quả già lẫn non. Thấy lạ, nên tôi hỏi và họ nói rằng được các đầu mối đặt hàng với giá hấp dẫn nên bà con cứ yên tâm, có bao nhiêu chúng tôi thu mua hết! Họ còn nói với tôi, sầu riêng càng xanh, thì càng có giá. Vì loại này đem ngâm hóa chất là chín và để được lâu. Họ chốt giá sầu riêng ghép nhà tôi là 26.000 đồng/kg.
Thấy giá cao nên trong vườn có bao nhiêu sầu riêng từ già đến non, tôi bán hết. Thế là chỉ sau 2 ngày, họ “dọn” sạch vườn, chẳng còn lại một trái nào trên cây. Cũng như gia đình tôi, các chủ vườn khác tại đây đều được thương lái tới chốt một giá và cắt hái sạch một lần”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, giống như ông Hoàn và ông Hương, hầu hết các chủ vườn sầu riêng tại 2 xã Lộc Thành và Lộc Nam đều được thương lái đến chốt mua với giá cao ngất ngưởng.
Chị Sương, một chủ đại lý thu mua sầu riêng nhiều năm nay tại xã Lộc Thành, cho biết: “Năm nay, giá sầu riêng ghép được chúng tôi thu mua và nhập lại cho các đầu mối chuyển đi tiêu thụ ở Trung Quốc với giá từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện, mỗi ngày tôi thu mua được từ 12 - 15 tấn sầu riêng cả già và non. Vì sầu riêng đang “sốt” giá nên tôi phải thuê thêm 5 người chuyên đóng hàng để kịp giao cho khách”.
Còn theo bà Trần Thị Cúc, một chủ đại lý mua sầu riêng khác tiết lộ, hầu hết đại lý chúng tôi đều nhận đơn hàng từ các đầu mối thu mua sầu riêng xuất bán sang Trung Quốc. Các năm trước, nhà vườn tự chuyển đến cho mình và phải bỏ công để phân loại. Nhưng, giờ thì mình mua tất và phải thuê người vào tận vườn để mua.
Cơ quan chức năng nói gì?
Ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, cho biết: Toàn huyện Bảo Lâm hiện có 1.166ha sầu riêng (chủ yếu trồng xen cà phê, chè…); trong đó, có hơn 900ha đã cho thu hoạch. Sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 5.400 tấn. Hai xã có diện tích sầu riêng lớn nhất của huyện là Lộc Thành và Lộc Nam. Mới đây, khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng thương lái đổ xô vào mua sầu riêng non với giá cao tại xã Lộc Thành, UBND huyện đã chỉ đạo chúng tôi tìm hiểu thực hư.
Qua xác minh, việc thương lái thu mua sầu riêng cả già lẫn non với giá cao là có thật. Còn việc bán đi đâu, bán cho ai thì chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu! Chúng tôi cũng đã phối hợp với UBND các xã Lộc Thành và Lộc Nam để tuyên truyền, vận động người dân không vì lợi nhuận trước mắt mà bán sầu riêng non. Riêng tại các đại lý thu mua, chúng tôi cũng đã làm việc và yêu cầu họ chấp hành đúng các quy định buôn bán để đảm bảo uy tín, chất lượng sầu riêng khi xuất bán. Những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra tại các xã khác trên địa bàn huyện về tình trạng này.
Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm khuyến cáo, nhà vườn cần tỉnh táo và rút ra bài học cho mình trong việc chuyển đổi giống cây trồng nhằm tránh những trường hợp chuyển đổi ồ ạt như quả chanh dây và dự án sầu riêng Dona trước đây để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Ông Lê Mộng Ngọc, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thành cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, hiện có 12 điểm thu mua sầu riêng, tăng gấp 2 lần so với năm trước.
“Trước hành động kỳ quặc của các thương lái là thu mua cả quả sầu riêng non, chúng tôi đã cảnh báo tới người dân về khả năng thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt nên hầu hết người dân đều phớt lờ, tiếp tục hái trái non đem bán”, ông Ngọc nói.
Trước tình hình này, nhiều nông dân trồng sầu riêng lo lắng giá sầu riêng chính vụ sẽ bị rớt thê thảm. Ông Lê Hữu Hải - Trưởng phòng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) xác định nguồn tin này là có thật. Ông cho biết tình trạng thương lái vào vườn thu mua sầu riêng non đã được phòng báo cáo với công an huyện và tỉnh.
Đối với việc thu mua sầu riêng của thương lái Trung Quốc, ông Hải cho biết, tháng 3/2012, đại diện văn phòng tại Trung Quốc của Công ty Capital Link International Trading đến ký hợp đồng thu mua trái sầu riêng ngon của Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy). Hình thức hợp đồng là Công ty chuyển 50% giá trị hợp đồng cho hợp tác xã và thanh toán dứt điểm ngay trước khi nhận sầu riêng.
Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy phối hợp với UBND xã Ngũ Hiệp và ngành chức năng thường xuyên theo dõi việc thực hiện hợp đồng mua bán sầu riêng của Hợp tác xã và nhận thấy việc mua bán này là bình thường và có lợi cho tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn huyện.
Ông Lê Văn Mười, chủ đại lý thu mua sầu riêng ở ấp Bình Thuận, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, cho biết: “Thời gian gần đây, đại lý thằng cháu kế bên có mua sầu riêng xuất cho Trung Quốc, nhưng cũng rất yếu. Mặc dù, giá bán sầu riêng cho Trung Quốc cao hơn 3.000 – 4.000 đồng/kg so với bán ra thị trường Hà Nội, nhưng đòi hỏi sầu riêng đạt chuẩn, phải đóng thùng, niêm phong cẩn thận, vận chuyển bằng container… nên tính ra giá cũng không cao”.
Ông Ngô Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết: “Để ngăn ngừa hiệu tượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng địa phương, vừa qua Đảng ủy, UBND xã Ngũ Hiệp đã tuyên truyền cho bà con nông dân không nên ham giá cao mà bán sầu riêng cho các công ty Trung Quốc vì khó xác định các doanh nghiệp này thật hay giả”. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã đăng ký thương hiệu sản phẩm sầu riêng Ngũ Hiệp đồng thời thành lập hợp tác xã chuyên trồng sầu riêng nhằm giúp củng cố mối liên kết 4 nhà, giúp loại cây trồng đặc sản này ngày một phát triển bền vững và căn cơ.
Dùng hóa chất thúc chín và bảo quản?
Theo các chủ vườn, sầu riêng non thì không thể ăn ngay được, có thể thương lái sẽ dùng hóa chất để thúc trái chín và bảo quản được lâu. Vì giá mua cao nên nhiều người đã chấp nhận bán non.
Trong năm 2013, cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện thương lái Trung Quốc thuê người ngâm hóa chất vào sầu riêng để xuất sang Trung Quốc tiêu thụ. Tác hại lâu dài là ảnh hưởng đến uy tín trái cây Việt Nam, chưa kể những sản phẩm này được nhập ngược lại vào nội địa để tiêu thụ.
Đã có nhiều bài học cho nông dân Việt Nam khi ham lợi trước mắt mà bán hàng cho thương lái như mua râu ngô non, chè vàng, chè bẩn, sừng trâu, thậm chí là… đỉa.
Sau “cơn sóng” chè bẩn hồi năm 2011 đến vụ thu mua đỉa làm đảo lộn nhiều vùng quê, đe dọa môi trường sinh thái, bây giờ vùng trồng dứa, khoai lang, sầu riêng ở nhiều vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đang sống dở chết dở vì sự “đỏng đảnh có chủ ý” của thương lái Trung Quốc.
Việc thương lái Trung Quốc vào tận vườn sầu riêng để thu mua trái non với giá cao để đóng thùng chở về nước. Tình trạng này có thể khiến giá sầu riêng giảm trong tương lai không xa và điều nguy hại hơn rất nhiều là chất lượng trái sầu riêng có thể giảm, vùng chuyên canh sẽ bị phá vỡ sau rất nhiều công gây dựng của nông dân với biết bao mồ hôi nước mắt.
Thương lái Trung Quốc cũng có hành động tương tự với vùng chuyên canh dứa (khóm) Tân Phước (Tiền Giang) và khoai lang ở Vĩnh Long. Chưa khi nào người dân bán khóm được dễ dàng với giá cao như thế, thậm chí thương lái còn đặt hẳn một cơ sở thu mua tại dốc cầu Kinh Xáng thuộc xã Long Định (Châu Thành).
Cũng như kiểu mua chè theo kiểu “vơ tuốt” trước kia, họ mua dứa loại có trọng lượng từ 1-2kg/trái trở lên, quả còn xanh tươi và tất nhiên, giá bao giờ cũng cao hơn thương lái nội địa từ 500-800 đồng/kg. Có ngày họ thu mua được 20-30 tấn. Trong khi đó, những người trồng khoai lang tím Nhật ở hai huyện Bình Minh, Bình Tân (Vĩnh Long) đang sống dở chết dở vì tự nhiên thương lái Trung Quốc không thu mua sản phẩm.
Chưa biết thương lái Trung Quốc mua sầu riêng non, dứa xanh với mục đích gì nhưng sự hoành hành của họ ở ngay vùng nguyên liệu dứa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long cũng đủ khiến các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn lao đao.
Việc thời gian qua thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom nông sản ở các vùng chuyên canh của Việt Nam là không bình thường. Đã đến lúc các cấp chính quyền, ngành chức năng cần vào cuộc, kiểm soát chặt chẽ những đối tượng này, yêu cầu họ làm ăn theo đúng pháp luật của Việt Nam; khuyến cáo nông dân không nên vì cái lợi trước mắt mà mở rộng quy mô sản xuất.
Theo: GDVN