Tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, ông Nguyễn Văn Giàu – Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Nhiều thách thức nghiêm trọng
Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2012 dù tăng 7% so với năm trước, nhưng chỉ bằng 28% GDP, thấp hơn so với Nghị quyết Quốc hội (33,5%), là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP thấp nhất trong những năm gần đây.
Tổng phương tiện thanh toán tăng 22, 4% trong khi dư nợ tín dụng cả năm chỉ tăng 8,91%, nối tiếp đã sụt giảm dư nợ tín dụng từ 31% năm 2010 xuống còn mức tăng 14,41% năm 2011; Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, tồn kho BĐS vẫn còn ở mức cao.
Khu vực doanh nghiệp có động lực chính tạo ra của cải vật chất, việc làm gặp nhiều khó khăn; Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản năm 2012 là 54.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011. Đến hết năm 2012, cả nước có 69% doanh nghiệp báo cáo lỗ, riêng TP Hà Nội có khoảng 46 nghìn doanh nghiệp trên tổng số 90 nghìn doanh nghiệp báo lỗ, với số tiền lỗ là 47 nghìn tỷ đồng. Tình hình này đã tác động tiêu cực đến lao động, việc làm, số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng.
Điều đó chưa hẳn là dấu hiệu tích cực hoàn toàn và chưa mang tính bền vững, mà phản ánh một phần thực trạng đáng lo ngại là năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế đang bị suy yếu, sản xuất thì vẫn chưa phục hồi”, ông Giàu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chính sách mua tạm trữ lúa, gạo còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong nông dân, triển khai mua tạm trữ còn chậm, thời hạn thực hiện ngắn, trong khi thời gian thu hoạch cao điểm ở các tỉnh chênh lệch nhau.
Mặt khác, sự trao đổi phối hợp giữa Hiệp hội lương thực Việt Nam với UBND các tỉnh, thành phố trong tổ chức thu mua còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp không có hệ thống thu mua trực tiếp, nông dân phải thông qua thương lái nên thường xảy ra tình trạng ép giá.
“Có ý kiến cho rằng, việc can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính trong một số thời điểm là cần thiết, trên thực tế đã phát huy tác dụng và mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cần cân nhắc không để kéo dài, nhất là khi kinh tế vĩ mô đạt mức độ ổn định nhất định, để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực”, ông Giàu nói.
7 giải pháp nhằm đạt tăng trưởng 5,5%
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu 7 giải pháp tháo gỡ để hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, nhằm đạt mức tăng trưởng 5,5% như kế hoạch đã đề ra tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13:
Một là triển khai nhanh đồng bộ các giải pháp theo nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, có phương án tháo gỡ khó khăn cụ thể đối với doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ ngành liên quan xây dựng phương án hoặc kế hoạch cụ thể về mục tiêu, chỉ tiêu, hạn định thời gian và các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm giảm hàng hóa tồn kho, giảm nợ xấu, các giải pháp cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý… nâng cao công các tình hình dự báo tình hình sản xuất và sản lượng lúa, để có quyết định khối lượng tạm trữ phù hợp, góp phần thúc đẩy lượng lúa gạo tại các địa phương, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi tối thiểu 30%.
Hai là rà soát tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra tổn thất lớn và mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của một số địa phương, đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để phát huy hiệu quả của các dự án đầu tư sau khi rà soát; Đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, đồng thời có phương án xử lý nhanh các khoản nợ đọng, đặc biệt là nợ đọng đối với doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản.
Ba là thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách nhà nước, tránh giảm thu quá lớn, đồng thời cần đánh giá lại cơ cấu thu ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… không ban hành chính sách mới làm tăng chi ngân sách, hạn chế tối đa việc ứng vốn đầu tư, các công trình, dự án vốn không hoàn trả trong năm thì phải được UBTVQH xem xét quyết định.
Bốn là tiếp tục hiện thực hóa những chủ trương, những mục tiêu đã được xác định trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới phân bổ lại nguồn lực hợp lý và bền vững hơn; Sớm ban hành đề án tái cơ cấu đầu tư công, gắn với cải cách thể chế đổi mới phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhằm thay đổi rõ rệt và phương thức phân bổ nguồn lực công, nâng cao hiệu quả đầu tư công… Hoàn thiện thể chế quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức cá nhân trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công bố công khai, minh bạch thông tin như trong quy định đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Năm là tiếp tục đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập người lao động, thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; Rà soát lại chính sách giảm nghèo hợp lý hơn, đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo một cách thực chất và bền vững.
Sáu là nâng cao khả năng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, đấu tranh phòng chống tham nhũng, các vấn đề gây bức xúc trong xã hội, nhất là khiếu nại tố cáo của công dân liên quan tới đất đai.
Bảy là tăng cường công tác phân tích dự báo tình hình, để có chủ trương đối sách phù hợp, đặc biệt là các vấn đề biên giới biển đảo, thực hiện các đề án, giải pháp đảm bảo an ninh trật tự tại các vùng chiến lược; Có chính sách hỗ trợ đối với ngư dân đánh bắt cá xa bờ ở vùng biển quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam… và tham gia có hiệu quả các hoạt động quốc tế trong khu vực và thế giới.
Theo: GDVN