Hai chữ “tiết kiệm” được sử dụng trong hoạt động gửi tiền vào ngân hàng là nói bản chất của đồng tiền mà khách hàng sở hữu. Đặc biệt trong hoàn cảnh nước ta, đồng tiết tiết kiệm là sự tích lũy, dành dụm của đa số người dân, có khi suốt cả một đời.
Vậy mà, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) kiến nghị đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ mức 500 triệu đồng trở lên với mục đích để người dân thay vì gửi tiết tiết kiệm vào ngân hàng thì đổ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Và nói trắng ra luôn, cách này xem như là giải pháp để cứu thị trường bất động sản.
Một kiến nghị quá tối tăm về mặt tư duy và rất thiếu tình người.
Tối tăm về tư duy bởi HOREA có nhiều chuyên gia kinh tế mà hổng kiến thức về kinh tế một cách đáng sợ. Chưa kể về khía cạnh quản lý, họ đưa ra một kiến nghị mà nếu áp dụng thì không quản lý được.
Về khía cạnh kinh tế, việc đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm là cách mau nhất để dân rút tiền khỏi ngân hàng. Nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu là tiền tiết kiệm từ trong dân, nếu như dân rút hết thì ngân hàng “hết máu”. Xin hỏi các chuyên gia kinh tế của HOREA, ngân hàng không có tiền thì vốn đâu để cho doanh nghiệp vay. Chết cả nút.
Dám xin hỏi các vị ở HOREA, 500 triệu đồng đầu tư được gì trong ngành bất động sản hiện nay? Chưa kể, mỗi cá nhân có quyền tự do trong việc sử dụng đồng vốn của họ. Không thể tạo áp lực bằng một chính sách để buộc người dân phải rút tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng. Còn sản xuất kinh doanh, xin thưa không phải ai cũng có năng lực kinh doanh hay sở thích đầu tư mà chỉ muốn có thu nhập ổn định, an toàn đồng vốn. Điều đơn giản như vậy mà các vị cũng không nghĩ ra.
Để kích thích sản xuất kinh doanh, vực dậy thị trường bất động sản cần có những chính sách quản lý vĩ mô phù hợp và hiệu quả, trong đó có chính sách đất đai, chính sách thuế, các gói hỗ trợ từ Chính phủ… không phải cái việc móc túi dân như HOREA đề xuất.
Về quản lý, nếu như người dân gửi 499.999.999 đồng thì sao? Nhà nước dù có quy định đánh thuế thu nhập với khoản tiền gửi tiết kiệm 500 triệu đồng trở lên cũng không thể đánh thuế được khoản tiền còn thiếu 1 đồng mới đủ 500 triệu đồng. Đã là quy định mang tính pháp lý thì không thể tùy tiện co kéo. Thứ hai, nếu chia ra nhiều gói, gửi ở các ngân hàng khác nhau thì không thể quản được. Thứ ba, người có số tiền tiết kiệm trên 500 triệu đồng thay vì đứng tên một mình thì chia ra cho vợ hoặc chồng, cha mẹ hoặc con cái thì cũng không quản được. Một quy định đưa ra mà khi áp dụng vào cuộc sống, có quá nhiều lỗ hổng về quản lý thì quy định đó quá tồi.
Về đạo lý, như đã phân tích trên, đa số người dân gửi tiền tiết kiệm là cán bộ, công chức nghỉ hưu, hoặc người có tích lũy sau nhiều năm lao động cật lực. Để có đồng tiền tiết kiệm đó, họ cũng đã phải nộp thuế thu nhập.
Muốn cho ngành mình phát triển, có lợi nhuận cao mà tính đến cách móc túi người khác là không có đạo lý.
Theo: Lê Chân Nhân (Dân Trí)