Sau những gói kích thích kinh tế mạnh mẽ, kinh tế Mỹ đã có sự phục hồi rõ rệt từ giữa năm 2013. Động lực này đã giúp kinh tế châu Âu và các nước phát triển từng bước thoát khỏi khó khăn. Do vậy, kinh tế thế giới năm 2014 được nhận định sẽ tăng trưởng 3,5%, tốt hơn năm 2013 (2,9%).
Cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam
Bộ phận Phân tích Thông tin Kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà Kinh tế của Anh nhận định nền kinh tế Nhật sẽ tiếp tục thoát khỏi giai đoạn trì trệ nhiều năm nhờ các chương trình cài cách của Thủ tướng Abe và dự báo GDP Nhật Bản năm 2014 sẽ tăng 1,7%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khá lạc quan với kinh tế Mỹ với mức dự báo tăng GDP là 3%, khá mạnh so với 2% của năm 2013. IMF cũng đánh giá tích cực về nền kinh tế Trung Quốc từ việc thay đổi cấu trúc tăng trưởng có tính bền vững, hài hoà giữa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Điều này sẽ giúp GDP Trung Quốc tăng 8,5% so với mức tăng 8,2% của năm 2013. Tóm lại kinh tế các nước phát triển tăng trưởng tốt đồng thời kinh tế Trung Quốc giảm xuất khẩu để phát triển tiêu thụ nội địa sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu tốt cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ gia tăng tốt ở khu vực xuất khẩu, có sự cải thiện trong khu vực sản xuất kinh doanh nội địa. Sự hồi phục rõ rệt của kinh tế Mỹ, khối EU, Nhật Bản và duy trì đà tăng truởng ổn định của Trung Quốc và kinh tế thế giới nói chung, sẽ trực tiếp và gián tiếp mang lại những thuận lợi về lòng tin thị trường, đầu tư và tiêu dùng chung cho tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là kỳ vọng cải thiện chung về xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hộ trợ phát triển chính thức (ODA), kiều hối, cũng như duy trì sự ổn định chung về giá cả lương thực, năng lượng, giá vàng và tỉ giá.
Bán lẻ sẽ khởi sắc trở lại
Ở trong nước, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ những thuận lợi đến từ những cơ hội gia tăng xuất khẩu và đón nhận dòng vốn từ nước ngoài gắn với xu hướng hồi phục kinh tế thế giới, cùng với sự cộng hưởng hiệu ứng tích cực của một loạt chính sách vĩ mô mà Việt Nam đã triển khai hay sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2014, nhất là từ chính sách giảm thuế, từ 25% xuống 22% kể từ 1-1-2014. Chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng và chính sách tài khoá được kích thích nhờ nâng trần bội chi (từ 4,3% GDP năm 2013 lên 5,2% năm 2014) đồng thời cam kết duy trì lạm phát tăng dưới 1 con số sẽ là những tín hiệu tích cực hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP năm 2014 của Việt Nam có thể tăng 5,5% và lạm phát tăng 7,2% so với năm 2013.
Các ngành sẽ phát triển tốt là những ngành phục vụ hoặc trực tiếp xuất khẩu vào các nước phát triển như thuỷ sản và dệt may. Điều này sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và thu nhập nông thôn được cải thiện. Do kinh tế vĩ mô ổn định và một số chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ cũng giúp các ngành sản xuất tiêu dùng nội địa có sự cải thiện hơn năm 2013. Do vậy ngành bán lẻ cũng được đánh giá nhiều khả năng khởi sắc trở lại sau một năm tăng trưởng thấp, chỉ đạt 12,6%, thấp nhất trong 4 năm gần đây. Dự báo trong năm 2014, nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt Nam sẽ tăng hơn so với năm 2013 do kinh tế vĩ mô có chiều hướng ổn định hơn. Lạm phát được dự báo tăng dưới 1 con số cũng là nhân tố quan trọng giúp ổn định sức mua của người dân.
Bất động sản chỉ “tan băng” cục bộ
Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy ngành Xây dựng – bất động sản vẫn chưa thể khởi sắc dù đã trải qua nhiều năm trì trệ. Muốn thị trường này hồi phục cần hội tụ 3 yếu tố. Một là việc làm cho nhóm trung cấp trở lên đã tăng khá rõ, hai là nguồn tiền trong nền kinh tế phải chạy điều hòa tạo ra dòng sản xuất – tiêu thụ khá tốt, ba là lãi suất cho vay BĐS khá dồi dào và ở mức 10% trở xuống. Ba điều kiện này lại phụ thuộc khá lớn từ chính sách và thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế của Chính Phủ. Dự báo năm 2014 các yếu tố này vẫn chưa hội tụ đầy đủ, do đó thị trường bất động sản chỉ có thể “tan băng” cục bộ và giá sẽ còn giảm tiếp.
Theo: NLĐ