Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtNhân vậtGặp gỡ gia đình nghệ nhân múa rối nước

Gặp gỡ gia đình nghệ nhân múa rối nước

Thứ tư, 19 Tháng 2 2014 02:39
Hình ảnh chú Tễu ngộ nghĩnh, đáng yêu từ lâu đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre nổi tiếng thế giới của Pháp. Nhưng ít ai biết được, người tạc nên bức tượng chú Tễu ấy lại là một nghệ nhân nổi tiếng của làng Rạch, xã Hồng Quang, Nam Trực Nam Định. Ông chính là cố nghệ nhân Phan Văn Ngải, người được mệnh danh là ''bàn tay vàng của nghệ thuật múa rối Việt''. Dù ông đã ra đi, nhưng những người con người cháu của ông vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy sự nghiệp vẻ vang của gia đình bảy đời theo nghề múa rối nước.

Bảy đời theo nghiệp múa rối nước

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân làng Rạch lại háo hức chờ đợi Lễ hội làng tưởng nhớ Thành Hoàng - người sinh ra nghề rối nước truyền thống của quê hương vào tháng Giêng âm lịch. Chương trình biểu diễn của các đoàn múa rối quê hương, mà chủ yếu là đoàn múa rối Quê Hương do anh Phan Văn Mẽ, con trai cả của cố nghệ nhân Phan Văn Ngải làm Trưởng đoàn và đoàn múa rối tư nhân Sông Quê của anh Phan Văn Mạnh, con trai thứ hai của ông làm Trưởng đoàn, dù đã khá quen thuộc, vẫn là tâm điểm của lễ hội thu hút hàng ngàn khán giả từ khắp các xã lân cận.

Những ngày đầu xuân, gặp lại gia đình cố nghệ nhân Phan Văn Ngải, những người con cháu của ông đều bồi hồi, xúc động khi nhắc đến người cha, người thầy đáng kính của mình. Nghệ nhân Phan Văn Mạnh, người con thứ hai của ông và là Trưởng đoàn múa rối tư nhân Sông Quê, Nam Trực, Nam Định vừa có một chuyến biểu diễn rối nước thành công tại đền Trần và Hội chợ Xuân Nam Định đầu Xuân 2014 tâm sự: "Tết Giáp Ngọ năm nay, gia đình tôi không có chuyến lưu diễn chung nào bởi cha tôi mới mất gần năm nay. Còn nhớ trong dịp Tết Quý Tị 2013, gia đình tôi nhận lời mời của Ban tổ chức Liên hoan nghệ thuật ở tỉnh Nam Ninh-Trung Quốc. Cha tôi đưa cả mấy anh em, con cháu chúng tôi sang tham gia biểu diễn múa rối nước tại Liên hoan này suốt từ ngày 1 đến ngày mùng 8 Tết âm lịch. Khi ấy ông vẫn còn biểu diễn hăng hái lắm. Khi trở về nước không được bao lâu thì tháng 3/2013, ông vĩnh viễn ra đi".

Sinh ra trong một gia đình bảy đời gắn bó với nghiệp múa rối nước, ngay từ nhỏ cố nghệ nhân Phan Văn Ngải đã thông thạo các thao tác, công đoạn và các tích trò rối nước. Cha ông là nghệ nhân Phan Văn Huyên, thợ sơn tượng và làm tượng có tiếng của đất Nam Trực. Từ năm 14 tuổi, ông đã được cha truyền cho nghề đục và trực tiếp tham gia biểu diễn múa rối nước, rồi 16 tuổi tham gia phường rối nước làng Rạch. Tiếp nối truyền thống cha ông, nghệ nhân Phan Văn Ngải là một trong số hiếm hoi nghệ nhân múa rối nước có khả năng thực hiện mọi công đoạn trong tạo hình con rối, lại vừa có thể đạo diễn, sáng tạo các tích trò, cũng như trực tiếp biểu diễn.

Từ những năm chiến tranh, những diễn viên Nhà hát Múa rối Trung ương đã về làng Rạch học hỏi thêm kinh nghiệm về cách thức biểu diễn rối nước. Nghệ nhân Phan Văn Ngải chính là một trong những người được cử ra giúp đỡ, hướng dẫn các nghệ nhân Nhà hát. Đến năm 1977, ông chính thức trở thành nghệ nhân của Nhà hát Múa rối nước Trung ương. Hơn 20 năm làm việc tại Nhà hát Múa rối nước Trung ương, ông đã đi biểu diễn tại hàng chục quốc gia châu Âu hay phục vụ các phái đoàn ngoại giao quốc tế tại Việt Nam. Ông nổi bật với cách tạo hình rối không giống ai, rất có hồn có vía mà lại nhanh nhẹn, linh hoạt, khiến nhiều nghệ sỹ đi học ở nước ngoài cả chục năm cũng phải nể phục.

Nhưng điều mà gia đình họ Phan tự hào nhất và nhớ về ông nhiều nhất chính là sân khấu thuỷ đình lưu động do ông thiết kế được hầu hết các đoàn nghệ thuật rối nước sử dụng. Ông còn là một trong những người đầu tiên đưa múa rối nước Việt Nam bước ra trường quốc tế. Đó là vào năm 1980, khi Hội nghị múa rối quốc tế được tổ chức tại Ba Lan, có tất cả 36 nước tham gia, nghệ nhân Phan Văn Ngải đã cùng đi với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin để giới thiệu về nghệ thuật múa rối Việt Nam.

10 nghe44-450

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh.

Lần đó, đoàn múa rối nước Việt Nam đã biểu diễn 3 tiết mục là Lân tranh cầu, Chọi trâu và Đánh cá với gần 20 con rối, thu hút sự quan tâm rất lớn của những người tham gia. Dù chỉ biểu diễn trong bốn ngày, nhưng đoàn múa rối nước Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả quốc tế. Họ thực sự bất ngờ trước bộ môn nghệ thuật đặc biệt và sự tài hoa của những nghệ nhân đất Việt.

Năm 1983, Pháp và các nước Đông Âu mời đoàn múa rối Trung ương sang biểu diễn, trong đó có nghệ nhân Phan Văn Ngải. Cũng trong năm ấy, chú Tễu, biểu tượng của nghệ thuật múa rối Việt Nam do ông tạo ra đã được trưng bày tại Bảo tàng Louvre nổi tiếng thế giới. Năm 1988, sau khi về hưu, nghệ nhân Phan Văn Ngải đã tự bỏ tiền thành lập nên đoàn nghệ thuật múa rối tư nhân đầu tiên của cả nước mang tên Sông Ngọc bao gồm 12 người, trong đó có 8 người là thành viên trong gia đình. Đoàn múa rối của gia đình ông đã đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài nước, trở thành đoàn nghệ thuật gia đình lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.

Nối nghiệp tiền bối bởi tình yêu với Rối

May mắn được sinh trong gia đình có truyền thống làm nghề tạo hình và múa rối nước, những người con của cố nghệ nhân Phan Văn Ngải đều sớm trở thành những nghệ nhân trẻ tài hoa như người ông, người cha của mình. Đó là nghệ nhân Phan Văn Mạnh, Phan Văn Mẽ, Phan Thanh Liêm và Phan Văn Dũng. Mỗi người một hướng đi, một đoàn múa rối riêng nhưng họ đều tâm huyết với nghề truyền thống mà ông cha để lại.

Riêng nghệ nhân Phan Thanh Liêm nổi tiếng hơn cả khi xây dựng hẳn một thuỷ đình mini trên tầng thượng tại nhà riêng ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Tầng một là xưởng làm rối. Tầng hai là không gian giới thiệu về lịch sử làm nghề rối của gia đình anh. Tầng ba là nơi dành cho không gian hoàn thiện, chế tác quân rối. Còn ở tầng bốn, anh bố trí một thủy đình mini để trình diễn các màn múa rối nước, phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Trước khi khám phá sân khấu nhỏ, khán giả sẽ được trực tiếp giới thiệu về lịch sử phát triển, nét đặc sắc... của nghệ thuật rối nước. Bên cạnh đó, khán giả được cùng làm việc với nghệ nhân, cùng đẽo, cùng sơn tượng... Ðây cũng là điều hấp dẫn khách du lịch nước ngoài.

Từ những năm 2000, anh đã công bố mô hình độc diễn rối nước, nhưng do nhà chật, không có chỗ diễn nên không thể phát triển được. Để buổi diễn không "cồng kềnh", anh Liêm đã cải tiến con rối với đế bằng cao su. Vì thế anh có thể dễ dàng điều khiển một lúc 2 con rối, thậm chí cả đội hình múa gồm 8 cô tiên. Với sáng tạo ấy, anh "tung hoành" trên sân khấu mini của riêng mình tại nhà và vi vu một mình lưu diễn trời Tây.

11 thuydinh44-450

Thuỷ đình mini của nghệ nhân Phan Thanh Liêm

Anh Phan Văn Mẽ từng theo cha đi biểu diễn từ khi tóc còn để chỏm, nay đã trở thành trụ cột trong phường rối làng Rạch. Anh là người trực tiếp điều khiển con trò, lại có thể tự làm con trò, hiểu biết tường tận các bí quyết nhà nghề về rối nước, vì vậy các con trò dưới bàn tay khéo léo của anh được sử dụng linh hoạt. Còn anh Phan Văn Mạnh tự thành lập một đoàn múa rối tư nhân mang tên Sông Quê, đem lời ca tiếng hát phục vụ bà con trên khắp mọi miền đất nước. Anh Phan Văn Dũng hiện là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, cũng là một nghệ nhân tạo hình con rối nổi tiếng của rối nước Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Phan Văn Mạnh tâm sự: "Từ khi cha tôi còn làm tại Nhà hát Múa rối Trung ương, tôi đã theo cha đi làm ngoài Hà Nội. Trước đây khi ông cụ còn sống, ông thường đưa anh em chúng tôi đi diễn cùng. Có khi đi lưu diễn ở nước ngoài hàng tháng trời. Đoàn múa rối Sông Quê của tôi mới thành lập được hơn hai năm nhưng cũng đã nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn ở khắp nơi, cả trong nước và nước ngoài".

Cũng theo nghệ nhân Phan Văn Mạnh, muốn diễn được rối hay cũng phải tôi luyện, phải làm nhiều thì tay mới quen. Vì phải diễn trên mặt nước nên không được lộ sào, lộ dây, rối càng diễn về đêm càng đẹp. Những tiết mục múa rối chủ yếu dựa theo những tích truyện dân gian và phải diễn làm sao sống động y như thật. Vì thế mà những yêu cầu về kỹ thuật để con rối mềm mại, trơn tru đều do một tay anh thiết kế. Khi nhạc nổi lên thì các nhịp của con rối phải thật khớp, không để  kẹt dây hoặc các con rối vướng vào nhau, nếu không tính hấp dẫn của các tiết mục sẽ giảm đi rất nhiều.

Hiện nay, các con anh dù không theo nghiệp rối nước của gia đình nhưng đều có năng khiếu bẩm sinh trong việc tạo hình con rối. Cô con gái thứ hai đang là giáo viên mỹ thuật ở Nam Trực, còn cậu con trai út đang học Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng đã nhận được giải đặc biệt về thiết kế robocon tài năng trẻ năm 2010, do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao tặng.

Bốn người con của cố nghệ nhân Phan Văn Ngải theo bốn con đường khác nhau, nhưng họ vẫn đang kế thừa và phát huy nghệ thuật múa rối truyền thống của gia đình, của quê hương. Mỗi lần có chuyến lưu diễn nước ngoài, cả bốn anh em họ lại đồng lòng, chung sức đưa rối nước Việt Nam quảng bá với bạn bè khắp năm châu thế giới, để đến một ngày nào đó, rối nước Việt Nam sẽ trở thành một trong những di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Theo CAND

 

 

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516