Chàng trai Chăm và chuyến đi định mệnh

Chế Linh sinh năm 1942 tại Paley Hamu Tanran, nay là làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Chế Linh là người dân tộc Chăm, tên thật là Chà Len, tên tiếng Việt là Lưu Văn Liên, sau này khi đi hát anh lấy nghệ danh là Chế Linh và viết nhạc với nghệ danh Tú Nhi.

Chế Linh sinh ra trong gia đình rất nghèo, anh là con giữa trong gia đình có 3 người con. Cha anh mất sớm khi anh mới được 4 tuổi, mẹ anh cũng qua đời vào năm 1979. Nhà nghèo, nhưng anh cũng được cho đi học hết bậc tiểu học ở trường làng, sau đó theo học tiếp bậc trung học tại trường Bồ Đề, Phan Rang. Tại đây anh được các linh mục  trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý, gợi lên trong anh niềm yêu thích âm nhạc, là duyên cớ để anh trở thành ca sĩ nổi tiếng sau này.

Năm 16 tuổi, Chế Linh quyết định bỏ gia đình, chia tay quê nghèo vào Sài Gòn tìm cơ hội đổi đời. Tại Sài Gòn, anh đã trải qua biết bao nhiêu cực khổ đi mưu kế sinh nhai, anh làm đủ thứ nghề, kể cả làm đầu bếp, giữ trẻ. Anh rất chịu khó, siêng năng trau dồi kiến thức cho bản thân của mình trong những hoàn cảnh vô cùng cực khổ trong đời.

Nhớ lại những ngày này, Chế Linh kể: “Gia đình tôi ở Ninh Thuận, nghèo lắm. 16 tuổi, tôi bỏ mẹ, bỏ gia đình vào Sài Gòn, như là đi ra nước ngoài vậy. Khi ấy tôi thậm chí chưa nói thạo tiếng Kinh. Đến Sài Gòn, ba ngày đầu, tôi chẳng có nơi ngủ, chẳng có gì ăn ngoài bánh tráng. Đến ngày thứ tư, một ông xíchlô tốt bụng đã chở tôi đến gặp gia đình người Hoa để trông con giúp họ. Ban ngày trông trẻ, buổi tối tôi tự học nhưng không dám thắp đèn của nhà chủ mà tự mua đèn dầu để học. Thấy tôi như vậy, họ sợ cháy nhà và thương tôi nên đã mua bàn, đèn neon cho tôi. Từ đó, họ coi tôi như con và còn cho tôi đi học...”.

Năm 1962, Chế Linh tình cờ gặp lại vị linh mục người Pháp đã dạy nhạc cho anh trước kia, khi ông từ Buôn Ma Thuột chuyển về Sài Gòn. Vị linh mục này tiếp tục giúp đỡ anh và khuyến khích anh theo học tiếp văn hóa và âm nhạc. Chế Linh vừa học nhạc vừa học nhảy lớp để bắt kịp tuổi.

Sau khi thi rớt tú tài ban văn  vào cuối năm 1962, anh không phải nhập ngũ vì chính sách thời đó miễn dịch cho người Chăm. May mắn đã đến khi anh tình cờ gặp được ban nhạc của những nhạc sĩ đã thành danh là Châu Kỳ, Trúc Phương, được các bậc đàn anh hướng dẫn thêm về nghề ca hát.

Rồi anh bắt đầu đi hát sau khi đã chuẩn bị cho mình hành trang khá vững vàng về chuyên môn, về âm nhạc. Sau đó, đoàn ca nhạc nơi anh đầu quân bị giải thể, nhưng lúc này Chế Linh đã bắt đầu có chút tiếng tăm, được một hãng đĩa ký hợp đồng thu đĩa, tiếng hát của Chế Linh nhờ đó mà lan xa. Bước ngoặt của cuộc đời anh là khi gặp được Duy Khánh, nhờ Duy Khánh hướng dẫn tận tình, giúp anh trở thành một ca sĩ có tên tuổi.

Sự nghiệp ca hát của Chế Linh càng được thăng hoa vào năm 1972, khi anh đoạt giải thưởng Kim Khánh - như là huy chương vàng đệ nhất hạng nam ca do một tờ báo có uy tín ở Sài Gòn tổ chức. Năm 1980, Chế Linh qua Malaysia và sau đó sang Canada định cư tại Totonto cho đến ngày nay.

 Chị cả, chị hai đều là vợ cả

Người hâm mộ, báo chí đã thêu dệt nên biết bao chuyện xung quanh cuộc sống tình ái của anh. Dù vậy, Chế Linh chỉ im lặng, không một lời phân bua, mãi đến gần đây anh mới chia sẻ: “Nếu vì khán giả thương mến bao nhiêu năm phải nghe những tin đồn thì nhân đây tôi cũng muốn một lần chia sẻ những bí mật đời mình, những điều tôi định sẽ viết trong cuốn sách đời tôi, nó chỉ được phát hành khi tôi không còn sống nữa”.

Và rồi câu chuyện “tình chị duyên em”, lấy cả chị lẫn em, một thời làm xôn xao Sài Gòn, giờ được chính Chế Linh thừa nhận: “Tôi và người vợ đầu trở thành vợ chồng năm tôi 21 tuổi, khi tôi đã có chút tiếng tăm trong nghề hát. Vợ tôi chia sẻ bằng việc nuôi con cũng như không làm phiền tôi trong con đường ca hát. Tôi sống với vợ cả hơn 4 năm, có với nhau 5 mặt con thì chia tay, các con lúc đó còn nhỏ lắm. Tôi nghĩ nếu nhắc lại những chuyện này thì sẽ làm đau lòng những người phụ nữ. Dù thực sự không muốn nhắc đến, nhưng tôi không có quyền khắt khe với khán giả khi họ dành cho mình quá nhiều tình thương mến, nên sẵn đây, tôi cũng chia sẻ rằng, người vợ thứ hai là em ruột của người vợ trước...”.

Đó là khi Chế Linh còn nghèo, phải sống chung với gia đình bên vợ cả. Hằng ngày ra vào, gặp gỡ cô em vợ xinh đẹp đang tuổi xuân thì trong khi vợ liên tục “nằm cữ”, nên tình cảm đã nảy sinh từ sự gần gũi ấy. Những khi vợ chồng xảy ra chuyện xích mích thường tình, cô em vợ thường là người thông cảm, chia sẻ với ông anh rể. Để rồi Chế Linh và “dì Út” yêu nhau lúc nào không hay.

Nhưng rồi cô em vợ xinh đẹp cũng không níu giữ được bước chân của “ông anh rể”, dù hai người sau đó đã lấy nhau. Họ chia tay sau hơn 4 năm chung sống, có 4 người con.

Giải thích về chuyện bỏ cả chị lẫn em, Chế Linh nói: “Chúng tôi chia tay nhau trong êm thấm và đến hôm nay họ vẫn yêu thương nhau. Việc này khiến tôi thấy mình đã hành động đúng, bởi nếu để sự việc tệ hơn mới chia tay, có thể cả ba bây giờ vẫn hận thù nhau hoặc sẽ không tôn trọng nhau. Tôi nghĩ rằng nếu sống với nhau không êm đẹp thì nên chia tay, bởi nếu cứ sống với nhau trong sự dằn vặt thì giá trị sống sẽ không còn. Nếu tôi không ra đi sớm, không chia tay sớm, chúng tôi bây giờ không thể nhìn nhau như những người bạn. Tôi từng mong khi chúng tôi chia tay nhau, tôi sẽ có vợ, các cô ấy sẽ có chồng. Rất buồn là tôi có vợ, nhưng hai chị em họ đều không chịu lấy chồng và đó chính là điều khiến tôi quý trọng họ”.

Người vợ thứ ba

Chia tay 2 người vợ đầu, Chế Linh đến với người vợ thứ ba tên Thúy Hằng, quê gốc Nam Định. Sau khi quen biết và yêu nhau một thời gian, Chế Linh đến gia đình Thúy Hằng xin cưới ba lần mà không được, cái lý lịch tình ái của Chế Linh làm gia đình Hằng thấy ngán. Được sự hậu thuẫn của người chú ruột Thúy Hằng, Chế Linh đã làm một chuyện tày đình là bắt cóc cô gái vị thành niên (17 tuổi).

Nhắc về chuyện “bắt cóc” này, Chế Linh kể: “Tôi nghĩ phải để gia đình Thúy Hằng biết mới có cớ để gỡ mối rối này nên sau 14 ngày gia đình không tin tức, tôi chở Hằng về, đi vòng vòng qua khu nhà cô ấy để người nhà biết Hằng đang đi với tôi. Gia đình Hằng khi biết chuyện đã tố cáo tôi dụ dỗ trẻ vị thành niên. Tôi và chú của Hằng phải lo làm giấy tờ cho Hằng mang về nhà thưa với ba mẹ rằng, tôi đưa Hằng đi để lo cho cô ấy đi làm ở một cơ sở chứ không phải bắt cóc...”.

Một người bác của Thúy Hằng khi đó đang giữ chức vụ rất lớn ở Sài Gòn đã dọa kiện Chế Linh ra tòa, nhưng khi Chế Linh đến gặp ông năn nỉ: “Cháu muốn cưới thực sự, nhưng gia đình không cho nên cháu phải bắt cóc thôi. Cái này cháu có lỗi thật, nhưng cháu muốn cưới”, thì người bác đã động lòng vì “đằng nào ván cũng đã đóng thuyền”, với lại Chế Linh cũng quá nổi tiếng, phụ nữ ai mà chẳng thích. Gia đình Thúy Hằng yêu cầu làm lễ cưới đàng hoàng cho nở mặt nở mày nhà gái, nhưng gia đình Chế Linh thì ở xa, không ai có điều kiện vào Sài Gòn, nên chàng ca sĩ da ngăm đen này đã nhờ bồi bàn, bồi bếp ở khách sạn đứng ra đại diện họ nhà trai. Họ nhà gái tới dự đám cưới biết chuyện đã rất tức giận, nhưng họ buộc phải đồng ý chứ không còn cách nào khác.

Cuộc đời tình ái của Chế Linh được tóm tắt như sau: Khi bắt đầu đi hát, Chế Linh cưới vợ cả, sống với nhau gần 5 năm, có 5 người con. Người vợ kế không cưới nhưng sống với nhau gần 4 năm và có 4 người con. Vợ thứ ba sống với nhau 3 năm và có 2 người con. Sau khi vợ ba chết, anh lấy người vợ thứ tư và sống với nhau đến nay, có với nhau thêm 3 người con. Anh có 4 đời vợ, tổng cộng 14 người con. Thế nhưng, đằng sau những đời vợ của anh là những scandal rùm beng một thời ở Sài Gòn.

Kỳ tiếp: Bí ẩn một vụ tự tử và chuyện Chế Linh mỗi năm có 1 con

 


Theo Laodong.com.vn