Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtNhịp cầuHơn 4 triệu trẻ em sẽ được giúp đỡ

Hơn 4 triệu trẻ em sẽ được giúp đỡ

Thứ tư, 17 Tháng 10 2012 01:35
4 triệu trẻ em gái ở Việt Nam sẽ được hỗ trợ về giáo dục, các kỹ năng cơ bản và giúp các em thay đổi cuộc sống của chính mình. Đó là mục tiêu của Chiến dịch năm năm “Vì em là con gái” sẽ được thực hiện ở Việt Nam bởi hỗ trợ của tổ chức Plan.

Ngày 11/10, tổ chức Plan đã phát động chiến dịch “Vì em là con gái”, đúng một năm sau ngày Liên Hợp Quốc công nhận ngày 11/10 là Ngày quốc tế trẻ em gái. Đây là ngày được vận động bởi Tổ chức Plan International với sự trợ giúp của chính phủ Canada, EU và các tổ chức khác – sẽ tập trung sự quan tâm của thế giới về tầm quan trọng của quyền lợi của các bé gái đồng thời tạo mọi nền tảng nhằm đảm bảo sự đầu tư và ghi nhận thích đáng đối với các trẻ em gái.

con gai1

Theo báo cáo của Plan, ở Việt Nam, hiện tượng các cô gái dân tộc thiểu số kết hôn sớm còn rất phổ biến. Đa số ở độ tuổi 14, 15 đã kết hôn hoặc trở thành nguồn lao động trong gia đình. Điều này là rất phổ biến, mặc dù hôn nhân ở tuổi vị thành niên không được cho phép theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thêm vào đó, tại Việt Nam, bạo hành tình dục khá phổ biến. Khoảng 58% phụ nữ đã từng bị lạm dụng ít nhất một lần…

Phát biểu tại buổi lễ phát động chiến dịch ông Glenn Gibney, Giám đốc quốc gia tổ chức Plan tại Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi đã và đang làm việc với các bé trai, các bé gái, cộng đồng, các thầy giáo, cô giáo, các nhà lãnh đạo, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân để cho phép các bé gái được tham gia vào việc đưa ra các quyết định và truyền cảm hứng cho họ cũng như thúc đẩy làm tăng tài trợ về giáo dục cho các bé gái”.

Hồ Thị Huệ (Đắc Krông, Quảng Trị) là một trong hai đại sứ của chương trình tâm sự, mẹ em tham gia Hội Phụ nữ và đã được vay vốn tiết kiệm để có thể trang trải cuộc sống. Bản thân Huệ có thể tiếp tục được đến trường nhờ sự hỗ trợ của tổ chức và các cơ quan, ban ngành.

con gai2

“Nhà em có 8 anh chị em, bố bị lao, mẹ làm nương rẫy. Hàng ngày em phải dậy từ 5h sáng để chở khách qua sông. Hai anh em em thay nhau chèo đò kiếm được 50.000 đồng mỗi ngày để có tiền mua thức ăn, gạo. Được tặng xe đạp, em sẽ có thêm động lực để đến trường”, Huệ nói.

Trong khi đó, Lò Thị Lía (xã Lũng Cù, huyện Mèo Vạc, Hà Giang), đại sứ thứ 2 của chương trình lại có những ước mơ riêng, mong cuộc sống của hai mẹ con đỡ vất vả. Tham dự lễ phát động chiến dịch, trên tay Lía lúc nào cũng ôm cậu con trai hơn 1 tuổi. Thỉnh thoảng con khóc, Lía phải rời khỏi hội trường để ra ngoài.

Lía không nhớ mình bao nhiêu tuổi nhưng khuôn mặt em còn rất trẻ. Kết hôn và có con ở tuổi vị thành niên, không may chồng mất khi con trai mới được 1 tháng tuổi. Vì gia cảnh nhà chồng khốn khó nên Lía cùng con về sống với bố mẹ đẻ. Hàng ngày Lía gửi con cho cha mẹ trông để đi làm nương. Nơi Lía sống chủ yếu là núi đá nên không có ruộng để cấy lúa. Ngô là thực phẩm chính của gia đình Lía. Tuy nhiên năm nào nhà Lía cũng thiếu ăn. 4 - 5 mỗi năm gia đình Lía chỉ ăn rau.

Tham gia vào dự án “Vì em là con gái”, Lía được sinh hoạt trong nhóm cha mẹ do Plan tổ chức để học hỏi các kỹ năng chăm sóc con cái. Dự án vệ sinh nước sạch môi trường và y tế thôn bản góp phần giúp Lía và gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường sống và sức khỏe.

Bà Nguyễn Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, chúng tôi nhận thức đầu đủ về sự thiệt thòi của trẻ em gái. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều hoạt động tạo điều kiện thúc đẩy bình đẳng giới giữa trẻ em trai và trẻ em gái như tham gia xây dựng luật bình đẳng giới, sắp tới xây dựng luật hôn nhân và gia đình, đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt…

“Nhân sự kiện này, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trân trọng đề nghị các cơ quan, tổ chức đoàn thể, các bậc cha mẹ góp sức tham gia hỗ trợ giúp trẻ em gái để trẻ em gái bình đẳng. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và hội phụ nữ các cấp cam kết hưởng ứng chiến dịch Vì em là con gái để trẻ em gái được bình đẳng như trẻ em trai”, bà Hòa nói.

 

H.Phương

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516