Với sự bùng nổ của viễn thông công nghệ thông tin, con người có thể kết nối với nhau qua tích tắc dù cách xa nhau ngàn vạn cây số cũng như nắm bắt thông tin nhanh nhất để trở thành người tiêu dùng thông minh, dễ dàng tiếp cận với sản phẩm, dịch vụ của mình mong muốn.
Nắm bắt được xu thế này, những năm gần đây, nhiều người đã sử dụng mạng viễn thông như một phương thức quảng cáo rẻ và hiệu quả trong việc đưa sản phẩm tới người tiêu dùng. Và, trong bối cảnh ấy, tin rác ra đời tạo nên cơn bức xúc cho người dùng viễn thông di động.
Ở lúc cao điểm, mỗi một sim di động trong 24 giờ có thể nhận tới cả chục tin nhắn rác quảng cáo dịch vụ bất động sản, sim số đẹp, chăn ga gối đệm, du lịch…với nguồn phát tán đa phần là các sim rác, sim 11 số và người gọi sẽ không liên lạc được với số điện thoại nguồn phát tán gửi tin nhắn tới điện thoại của mình. Một thống kê của Bkav chỉ ra rằng, mỗi trong năm 2015, mỗi ngày có tới hàng triệu tin nhắn rác được phát tán. Cũng trong năm này, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các mạng di động đã chặn được 964.432 thuê bao do phát tán tin nhắn rác, tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 361 đầu số, cắt dịch vụ đối với 52 đầu số.
Thực tế, trong số những tin nhắn rác, có những tin đã tìm được đến đúng với người cần sản phẩm, dịch vụ và coi đó như một kênh tiếp nhận. Tuy nhiên, phần lớn cảm thấy phiền toái bởi có thể ngay cả trong giấc ngủ, cuộc họp, điện thoại của mình bị kêu bởi tin nhắn rác không mong muốn. Chẳng thế mà cách đây khoảng 1 năm, các nhà mạng vẫn gặp khó khi chưa có tiêu chí thống nhất để xác định thế nào là tin nhắn rác để xác định thuê bao phát tán tin rác để ngăn chặn.
Đại diện của một nhà mạng cho hay, việc chặn tin nhắn rác theo từ khóa hay tần suất gặp khó bởi có nhiều trường hợp được khách hàng đăng ký nhận từ nguồn phát khi có chương trình khuyến mại, giảm giá…
Có nhiều quan điểm đưa ra về tin nhắn rác. Việc định nghĩa thế nào là “rác” khá nhạy cảm, tùy thuộc vào tâm lý của từng cá nhân khách hàng tại thời điểm nhận tin. Nếu thông tin về khuyến mại, giảm giá một sản phẩm dịch vụ được người dùng quan tâm thì không bị coi là “rác”, nhưng vẫn thông tin đó đến với người không có nhu cầu thì trở thành yếu tố phiền nhiễu.
Trong một lần trao đổi với báo chí, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT - ông Lê Nam Thắng - cho rằng, bản chất của tin nhắn rác chính là tin nhắn quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nhưng không tuân thủ theo quy định của pháp luật và gửi đến người dùng một cách tùy tiện, bất chấp họ có đồng ý hay không.
Đây có thể xem là một khái niệm rõ nghĩa nhất về tin nhắn rác cho tới thời điểm hiện tại. Theo đó, cần nhìn nhận rằng những tin nhắn xác định chính xác nguồn gửi (ví dụ từ tổng đài dịch vụ nhà mạng, ngân hàng, siêu thị…) cho phép khách hàng soạn tin miễn phí tới nguồn phát từ chối nhận tin cần được nhìn nhận hợp lý. Bởi, đây là những tin nhắn tới các thuê bao đã chấp nhận cũng như đón đợi thông tin dịch vụ để ra quyết định nhanh chóng. Trong khi đó, những tin nhắn rác “một đi không trở lại”, ép người dùng di động phải nhận và không có cú pháp từ chối thì liệt vào tin nhắn rác và cần xử lý triệt để.
Đồng tình với quan điểm này, chị Quỳnh Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đề nghị các nhà mạng cần triệt để xử lý những tin nhắn rác từ số điện thoại lạ, và không cho phép từ chối dịch vụ. Thậm chí, cơ quan quản lý cần dò tìm tới các số điện thoại liên lạc để lại trong tin nhắn rác để xử lý triệt để.
Vị khách hàng này cũng tỏ ra hài lòng khi vừa qua, mạng Viettel đã triển khai hệ thống Viettel- Antispam giúp loại bỏ hầu hết tin nhắn từ các số điện thoại rác. Hệ thống này của nhà mạng có khả năng phân tích hàng triệu mẫu dữ liệu tin nhắn rác đã được lưu trữ để đối chiếu, phát hiện quy luật của tin nhắn rác và chặn. Chị Quỳnh Hương cũng là người chuyển tiếp một số tin nhắn rác qua tổng đài miễn phí 9198 của nhà mạng, giúp Viettel-Antispam có thêm mẫu tin để chặn nguồn phát tán./.
Được triển khai từ tháng 6/2015, tới nay, mỗi ngày Viettel-Antispam chặn được gần 1 triệu tin nhắn rác, giảm tới hơn 90% tin nhắn rác quấy rầy người dùng thuộc mạng này. Sự khác biệt của Viettel-Antispam chính là việc hệ thống có thể chặn hành vi phát tán tin rác trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố, chứ không đơn thuần dựa theo từ khóa và tần suất như các phương pháp cũ. Theo đó, Viettel-Antispam có cơ chế vận hành tương tự như hoạt động tư duy của não người khi tự động phân tích hàng triệu mẫu dữ liệu tin nhắn rác đã có để đối chiếu, từ đó phát hiện các quy luật, đánh giá từng tin nhắn được gửi tới. Đặc biệt, đây là hệ thống chặn tin nhắn rác thông minh đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, toàn bộ do các kỹ sư của Viettel nghiên cứu xây dựng và triển khai. |
Nguyễn Hoàng