Thầy Thích Thiện Hạnh chụp hình lưu niệm cùng các nhà hảo tâm đến tặng quà cho các em nhỏ tại Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa.
Điểm tựa những mảnh đời…
Thương cảm trước tình cảnh éo le của những em nhỏ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, không người thân, không nơi nương tựa. Năm 1995, Hòa thượng Thích Viên Giác (Viện chủ chùa Long Hoa, chùa Giác Huệ, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) đã thành lập nên ngôi trường nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa này, để cưu mang những số phận bé nhỏ bất hạnh, giúp đời vơi bớt khổ đau.
Hiện trường nuôi dạy gần 100 em nam, 40 em từ 5 đến 14 tuổi, còn lại là từ 14 tuổi trở lên. Theo Thầy Thích Thiện Hạnh, Chánh văn phòng Trường Mồ côi Long Hoa thì mỗi con người ở đây gắn liền với một câu chuyện – mồ côi cha, mồ côi mẹ, thậm chí là bị bỏ rơi, cũng có trường hợp vì gia đình quá khó khăn nên các em được gởi vào trường nhờ nuôi dưỡng.
Bên cạnh ngôi chùa cổ Long Hoa được giữ nguyên trạng, khu vực nuôi dạy trẻ mồ côi gồm 4 tòa nhà xây dựng khá kiên cố, một hội trường lớn để sinh hoạt chung. Ngoài ra, tại đây còn có một thư viện do Singapore tài trợ để phục vụ cho việc học tập của các em. Mục tiêu chính là giáo dục văn hóa và đạo đức; giáo dục nghề nghiệp; chăm lo đời sống và chăm sóc sức khỏe.
Trường có các cô (các em ở đây gọi thân thương là má) tự nguyện chăm sóc từ việc nấu ăn, giặt giũ đến tắm rửa. Các chi phí sinh hoạt phần lớn là đóng góp của các Phật tử, nhà hảo tâm và một phần kinh phí từ nguồn thu bán nước đóng chai của cơ sở sản xuất nước uống đóng chai thương hiệu Long Hoa, nằm trong khuôn viên chùa Long Hoa, hiện chưa có nguồn tài trợ chính thức.
Còn cha, có mẹ nhưng vẫn là trẻ mồ côi
Em Nguyễn Trường Giang - đang là HS cấp 3 (quê Đồng Tháp) do ba mẹ khó khăn nên em được gửi vào trường. Để đáp lại tình yêu thương của các sư thầy, má và các anh, Giang luôn là HS giỏi ở trường qua nhiều năm học.
Trường hợp của em Võ Thành Đức, vào chùa lúc tám tuổi, em không quen ai lại rất nhút nhát. Ba chạy xe ôm, mẹ bán ve chai, móc bọc, vì vậy không đủ điều kiện và tiền cho em ăn học nên được gửi vào chùa nhờ các sư thầy nuôi dưỡng. Hàng tháng ba mẹ đến thăm Đức; những phút giây được ở cạnh ba mẹ Đức rất vui và hạnh phúc. Bây giờ đã thay đổi thành một cậu bé năng động, hoạt bát, đặc biệt Đức rất ham học, có quyết tâm cho tương lai tốt đẹp sau này của mình. Em muốn trở thành một bác sĩ thực sự.
Những “cây đời” đã đơm hoa, kết trái
Trong câu chuyện thú vị với chúng tôi, Thầy Thích Thiện Hạnh còn ân cần mời chúng tôi tham quan một vòng toàn bộ khu vực ăn ở, học tập và sinh hoạt của trẻ. Có bước vào trong mới thấy cách dạy trẻ của nhà chùa bài bản không khác trường học ngoài đời. Tất cả sách vở, chăn gối, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt, vệ sinh cá nhân đều được các em nhỏ sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng, đúng vị trí.
Thời gian lặng lẽ trôi, gần 20 năm, những “cây đời” mà Hòa thượng Thích Viên Giác cùng các thành viên ban quản lý trường mồ côi Long Hoa tận tâm vun trồng đã đơm hoa, kết trái. Hàng chục em khôn lớn, trưởng thành bước vào đời đều có công ăn việc làm ổn định.
Trong số gần 100 em còn đang nương tựa tại mái nhà Long Hoa, có 8 em hiện đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng trong thành phố. Chia tay Mái nhà mồ côi Long Hoa trong tiếng kinh kệ hòa nhịp với tiếng chuông, mõ trầm hùng, Thầy Thích Thiện Hạnh bày tỏ: “Tâm nguyện lớn nhất của tôi là mong các con lớn lên khỏe mạnh, đỗ đạt, sống nên người”.
Hải Đăng