Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhBi hài… “chạy chức” cho con

Bi hài… “chạy chức” cho con

Thứ hai, 16 Tháng 9 2013 01:50
Câu chuyện trẻ em khi đi học muốn làm lớp trưởng tưởng như không có gì đáng nói. Thế nhưng, từ tình huống sư phạm này lại đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ trong giáo dục, cùng những cách làm mới cần vận dụng cho giáo viên trong công tác chủ nhiệm lớp nói riêng, của nhà trường nói chung khi hướng tới giáo dục toàn diện.  

Quá tả, quá hữu

chay chuc1

Học sinh cần hiểu đúng ý nghĩa của công việc cán bộ lớp. Ảnh Lê Văn

Chị Hương, một phụ huynh năm nay có con vào lớp 1 kể: Trước khi vào năm học mới con chị nói rằng bé thích làm lớp trưởng, phải làm lớp trưởng thì bé mới đi học. Sở dĩ bé đòi hỏi như vậy bởi ở mẫu giáo, với tính cách nhanh nhẹn, tiếp thu tốt, hình dáng cao lớn... bé đã được chuyên trách nhiệm vụ quản lớp. Bé thường xuyên được ngồi trên quản các bạn trong lớp xem ai hay nói chuyện; ai chưa ngoan, ai chạy ra khỏi lớp, ai ăn chậm... rồi thưa lại các cô. Chị Hương đã phải phân tích với con rất nhiều xung quanh vấn đề làm lớp trưởng, Thế nhưng cô bé vẫn tỏ ra buồn bã. 

Câu chuyện của anh Dũng cũng không kém phần bi hài. Trước khi vào năm học mới một tháng, anh được vợ giao cho một nhiệm vụ phải xin bằng được cho cu Dũng Anh con anh chức lớp trưởng ở năm học lớp 2 này. Theo suy nghĩ của vợ anh, bố làm trưởng ban phụ huynh thì xin có gì khó, hơn nữa làm lớp trưởng sẽ giúp con tự tin, học tốt, có sự phấn đấu... Đối với anh Dũng đây là nhiệm vụ vô cùng khó bởi chức lớp trưởng ở mỗi lớp chỉ có một mà hầu như lại được các cô giáo chủ nhiệm lớp chọn lựa từ trước. Ngay cả khi anh là trưởng ban phụ huynh thì cũng đâu dễ đề cập vấn đề này. Nói ra nếu được thì bản thân anh cũng ngại, mà không được thì cô giáo chủ nhiệm cũng khó xử. 

Câu chuyện “chạy chức” cho con đầu năm học tưởng như tế nhị khó nói..., Thế nhưng khi lên một số diễn đàn mạng đọc lại thấy được bàn tán khá sôi nổi, thẳng thắn. Một mẹ tên N.H kể câu chuyện của mình: Chị cũng định xin cô cho con được làm lớp trưởng vì cô giáo chủ nhiệm là bạn học cũ. Thế nhưng vừa đề cập bạn đã nói luôn: Chức lớp trưởng, lớp phó đã được hiệu trưởng, hiệu phó hay giáo viên trong trường đặt hàng rồi. “Trên” đưa xuống, chủ nhiệm làm sao có thể làm khác...

Thế nên cô chỉ có thể sắp xếp để con được đảm nhiệm chức vụ nhẹ nhàng hơn trong lớp như quản ca, hay tổ trưởng. Nhiều bố, mẹ khác lại chia sẻ quan điểm: Chọn trường, chọn lớp và xin được cả chức lớp trưởng thì mới gọi là trọn gói; Rồi, chức tước trong lớp học luôn thuộc về các bé có cha mẹ là mạnh thường quân chuyên tài trợ, ủng hộ cho các hoạt động của trường lớp; Chức thì ít mà học sinh thì nhiều, lắm mối quan hệ... thế nên bác nào nghĩ rằng chức lớp trưởng đến với học sinh một cách tự nhiên thì quá lạc hậu. Hầu hết đã có sự sắp đặt. Các bác nếu không có thân quen, nhờ vả thì... “Con sãi ở chùa lại quét lá đa” thôi ạ...

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lại nhìn vấn đề một cách quả tả khi cho rằng: Chẳng nên cho con làm bất cứ một chức gì trong lớp. Các bé cần được phát triển tự nhiên. Mặt khác, không làm gì càng đỡ mất thời gian cho những việc vô bổ chẳng giúp gì cho việc học của bé. Việc trao quyền lực cho trẻ ở lứa tuổi nhỏ quá sẽ không tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Các bé chỉ thích lãnh đạo, quát tháo, phán xét, sai bảo bạn cùng tuổi. Nhiều bậc phụ huynh cũng cho rằng họ không muốn con cái già trước tuổi khi phải đảm nhiệm những chức danh trên lớp. 

Cơ hội giúp trẻ hoàn thiện

chay chuc2

Luân phiên làm cán bộ lớp thúc đẩy học sinh chủ động, sáng tạp trong học tập. Ảnh: Lê Văn

Việc sử dụng học sinh vào những nhiệm vụ cán bộ lớp đối với học sinh nước ngoài từ lâu đã được giải quyết khá khoa học và hợp lý. Những học sinh được chọn đảm nhiệm chức vụ A, B, C không nhất thiết cứ  phải là học sinh giỏi. Tùy vào yêu cầu cụ thể của công việc mà giáo viên chủ nhiệm có kế hoạch, phương pháp phù hợp để triển khai. Điều này cũng  dễ hiểu bởi dưới góc độ tâm lý, các em học sinh tiểu học hoàn toàn có thể đảm nhiệm được các cương vị khác nhau. 

Tại các trường học của ta, vấn đề sử dụng trẻ làm cán bộ lớp dường như vẫn ở tình trạng quá tả quá hữu. Hoặc phải thân quen nhờ vả, hoặc phải học rất giỏi mới được đảm trách nhiệm vụ này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ các bậc phụ huynh khi được hỏi đã cho rằng cần có mô hình luân phiên cán bộ lớp với các học sinh và trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, các em sẽ được đảm trách, trải nghiệm qua nhiều vai trò khác nhau. Với những học sinh giỏi các em càng thêm trưởng thành, với học sinh học khá, trung bình... các em thêm cố gắng, tiến bộ để xứng đáng hơn với cương vị mình đảm nhiệm. Không nên cứ bó buộc chức danh nào đó cho một học sinh trong nhiều năm, còn những học sinh khác lại không có cơ hội thể hiện mình. 

Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm không nên coi đây là một vấn đề không đáng quan tâm và đổi mới. Hiện nay, đã có một số trường học xây dựng mô hình cán bộ lớp luân phiên. Sau quá trình triển khai đã thu được kết quả tốt hơn trong giáo dục toàn diện, góp phần xây dựng xây dựng phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực. Mô hình được triển khai đã giúp các học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trong trường ít nhất một lần được làm cán bộ lớp và điều này góp phần cải thiện hành vi, giáo dục kỹ năng sống, giao tiếp cho các em ngay từ cấp tiểu học. Nhiều học sinh bướng bỉnh, chưa ngoan cũng đã trở nên ngoan ngoãn và học giỏi hơn.

Bên cạnh đó, khi được phân công luân phiên nhau điều hành lớp học trong vòng một tháng cũng góp phần thúc đẩy khả năng sáng tạo quản lý, trách nhiệm của học sinh đối với bản thân và tập thể. Nhiều học sinh phấn khởi vui học vì được đảm trách làm cán bộ lớp. 

Câu chuyện cán bộ lớp đã và đang là tình huống sư phạm đòi hỏi các giáo viên chủ nhiệm suy ngẫm và có cách giải quyết hợp lý, khéo léo, khoa học. Xử lý tốt tình huống này không những góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh được giáo dục một cách toàn diện... mà còn giải quyết được những tác động tiêu cực của xã hội qua một vấn đề tưởng như nhỏ mà không nhỏ.

Cô Nguyễn Phương Chi – Giáo viên THCS nhận xét: Khi học sinh được luân phiên làm cán bộ lớp sẽ khích lệ sự tự tin và chủ động sáng tạo trong học tập và sinh hoạt hơn nhiều. Không những thế, trong một lớp học các học sinh sẽ khác nhau về khả năng đọc viết, tính cách nhút nhát hay mạnh mẽ... khi thực hiện việc luân phiên làm cán bộ lớp thúc đẩy các em chăm học và có kết quả tốt hơn, đòi hỏi các em có tinh thần trách nhiệm cũng giúp xoá đi khoảng cách giữa các HS.

Theo: GDTĐ

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516