Qua tìm hiểu nhiều em học sinh tâm sự: “Em chưa biết mình sẽ chọn ngành nào cho phù hợp”. Thậm chí có em chia sẻ: “Đến giờ em vẫn chưa biết mục đích của em là gì. Làm sao biết năng lực học của mình đến đâu để chọn ngành học”. Điều này rất nguy hiểm vì hiện nay có quá nhiều thông tin nên các em khó có sự lựa chọn phù hợp. Vì vậy, việc định hướng ngành nghề để học sinh có thể chọn được trường, ngành phù hợp với năng lực và sở thích là điều rất quan trọng. Bên cạnh việc tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp, các em cần phải tự tìm hiểu, khám phá bản thân, sở thích là gì, muốn làm gì và quan trọng xác định năng lực học đến đâu, để từ đó có thể chọn cho mình nghề phù hợp và có hướng đầu tư rõ ràng.
Chọn ngành để thi vào đại học, cao đẳng hay trung cấp thực chất là chọn một nghề cho tương lai của các em sau 12 năm miệt mài đèn sách. Việc lựa chọn này cần có sự định hướng nghề nghiệp, ngay chính bản thân học sinh phải tự lượng sức học của mình để quyết định thi vào đại học, cao đẳng hay trường nghề… Bên cạnh đó, các em còn cần tìm hiểu về nhu cầu việc làm sau khi ra trường. Nếu chọn ngành, nghề theo số đông hay sở thích nhất thời mà bỏ qua các yếu tố như lực học, nhu cầu việc làm của xã hội… thì rất khó dẫn đến thành công. Thực tế đã chứng minh, có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp rất khó có cơ hội tiếp cận việc làm do “thiếu việc nhưng thừa người”, gây lãng phí không nhỏ cho cả gia đình và xã hội…
Để giúp học sinh thật sự tự tin khi chọn ngành, chọn trường tránh trường hợp lúng túng dẫn đến việc “chọn nhầm” sau khi đã làm hồ sơ đăng ký. Vấn đề đặt ra là nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp cần quan tâm, tư vấn cho học sinh bởi lẽ hơn ai hết chính giáo viên chủ nhiệm mới nắm bắt rõ nhất học lực của từng em. Gia đình cũng cần quan tâm và cùng với con em để hướng nghiệp cho tương lai. Đặc biệt, các em học sinh phải bình tĩnh, cân nhắc tìm hiểu kỹ thông tin… trước khi quyết định chọn ngành, trường phù hợp cũng đồng nghĩa với mở hướng cho tương lai của mình. Nhiệm vụ trước mắt và quan trọng hàng đầu bây giờ là các em cần tập trung ôn tập “quyết liệt” các môn học để vừa hoàn thành tốt kiểm tra học kỳ II, chuẩn bị kiến thức đầy đủ để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và tạo đà để tự tin dự thi đại học.
LÊ THỊ THÚY MONG
Giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương