Liên quan tới các vấn đề hậu kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 29 việc kết hợp đánh giá cả quá trình học và kết quả thi đã được áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Cụ thể, ngoài việc công nhận tốt nghiệp THPT qua 4 môn thi thì có tính tới việc xét quá trình rèn luyện của các em lớp 12.
Đây là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự đổi mới, thay vì 6 môn thi như mọi năm các thí sinh chỉ thi 4 môn, trong đó được chủ động lựa chọn các môn thi phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Luận cho rằng đổi mới lần này thay vì bộ chọn các môn thi như năm trước thì học sinh được tự chọn. Bậc học này (THPT) cần chú trọng phát triển năng lực toàn diện và định hướng được nghề nghiệp, do đó học sinh nào yêu sử thì đăng ký thi sử, tương tự các môn khác như vậy…
“Cách làm như vậy vừa chú trọng giáo dục toàn diện, phát huy được năng lực, sở trường để từng bước vào đời”, Bộ trưởng Luận nói.
Cũng theo Bộ trưởng Luận, lần đầu tiên trong một kỳ thi có hội đồng chỉ có một thí sinh, vấn đề này xét toàn diện Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc. Tuy nhiên, theo ông Luận đây là biểu hiện của quá trình dạy và học đã thay đổi, từ chỗ chú trọng dạy số đông sang chú ý phát triển cho từng học sinh để hình thành năng lực phẩm chất.
“Qua những tác động của kỳ thi vừa rồi, các yếu tố sẽ chuyển động hơn, kỳ thi thay đổi phù hợp, không tạo bất ngờ gây sốc, lo lắng của xã hội” Bộ trưởng Luận khẳng định.
Thông tin từ người đứng đầu ngành giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua nằm trong lộ trình thiết kế để tiến tới một kỳ thi quốc gia, trong đó sẽ đánh giá tốt nghiệp THPT và tuyển học sinh vào đại học, cao đẳng. Vấn đề này đã có tính toán, trao đổi và báo cáo Chính phủ.
Theo: GDVN