Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhHành trang cho bước chuyển tiếp

Hành trang cho bước chuyển tiếp

Thứ bảy, 03 Tháng 8 2013 02:52
Vào lớp 1 - ngưỡng cửa đầu đời quan trọng của trẻ  Ảnh: Lê Văn Vào lớp 1 - ngưỡng cửa đầu đời quan trọng của trẻ Ảnh: Lê Văn
Bước vào đầu cấp học mới là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng đối với mỗi học sinh. Môi trường học tập, sinh hoạt mới đòi hỏi các em phải được giáo dục những kỹ năng sống tương thích để hòa nhập.

Kỹ năng sống: Tối quan trọng!

Thực tế, những học sinh được sự quan tâm, chăm sóc quá chu đáo của phụ huynh vì gia đình ít con, hoàn cảnh kinh tế ổn định; hoặc những học sinh sống trong gia đình có nhiều lo toan trong việc mưu sinh, phụ huynh lơ là với con cái... thì đều thiếu kỹ năng sống. Chính vì vậy, bước vào giai đoạn chuyển cấp, không chỉ bản thân các em học sinh phải vật lộn trong khoảng thời gian dài để có thể hoà đồng với môi trường học tập mới mà gia đình cũng vất vả không kém khi trẻ thiếu đi những kỹ năng lẽ ra phải được dạy từ trước đó.

Chị Thanh Bình (Khu tập thể Đại học Thủy Lợi, Hà Nội) bắt đầu câu chuyện về cậu con trai năm nay vào lớp 3 bằng câu nói giá như dạy kỹ năng sống sớm hơn cho con thì đã không khổ đến thế. Vì gia đình chị chỉ có một con, thế nên từ ông bà nội đến bố mẹ đều chiều cậu ấm. Mọi việc trong sinh hoạt cá nhân của con trai chị đều được gia đình giúp đỡ và phục vụ nên khi bước vào lớp 1, ngay cả việc tự xúc cơm ăn đến vệ sinh cá nhân con chị chưa thể tự làm. Mặc dù đã ý thức được khó khăn con sẽ phải đối diện khi bước vào lớp 1 nếu thiếu những kỹ năng cơ bản nhất để tự phục vụ mình, thế nhưng cứ nghĩ con sẽ tự học và quen dần khi sinh hoạt cùng các bạn trong lớp nên gia đình lơ là không đưa bé vào nề nếp. Và điều đó đã không xảy ra.

Hơn nửa năm lớp 1 con chị vẫn ỷ lại, không thể tự làm nhiều việc cá nhân đơn giản như tự xúc ăn, sắp xếp sách vở ngay ngắn... thậm chí không thể tự làm sạch khi đi vệ sinh “nặng” tại trường. Cũng chính vì không thể tự phục vụ bản thân mình nên trường có tổ chức bán trú thì gia đình chị Bình cũng không thể đăng ký cho con theo lớp. Chị vẫn phải ngày 4 lần đưa đón con các buổi sáng, trưa, chiều để giúp con hoàn thành cơ bản việc ăn uống, vệ sinh hàng ngày. Hết năm lớp 1, nghỉ hè lên lớp 2, gia đình chị phải ráo riết dạy con những kỹ năng cơ bản nhất để bước vào lớp 2 cháu có thể độc lập và gia đình không phải quá vất vả.

Anh Nam, một phụ huynh có con học ở trường T. Tự (Hà Nội) cũng chia sẻ: Bé Quỳnh Anh con gái anh khi học mẫu giáo khá ngoan, năng động và không có biểu hiện tâm lý bất thường nên gia đình cứ nghĩ việc chuyển từ mẫu giáo lên lớp 1 cũng bình thường. Ngoài việc cho con làm quen với đọc viết, tính toán sơ qua, gia đình hoàn toàn không áp dụng biện pháp tâm lý nào với con.

Do đó, chỉ 1 - 2 buổi đầu bé háo hức học trong ngôi trường mới, còn sau đó bé luôn khóc và xin bố mẹ không đi học. Sau nhiều cố gắng hỏi han con, gia đình anh Nam mới té ngửa khi bé nói chưa quen với cách học lớp 1, bé không thích phải học đọc, viết nhiều mà chỉ muốn được học hát múa, vẽ như ở trường mẫu giáo cũ. Bé cũng nói rằng, không quen với cô giáo và các bạn mới nên hầu như ở lớp chỉ thu mình vào một góc... Gia đình anh đã phải mất một thời gian dài kết hợp cùng cô giáo chủ nhiệm giải thích, làm biện pháp tâm lý thì bé mới hiểu và thích nghi dần.

Hành trang cho trẻ

Chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng gì khi bước vào giai đoạn chuyển cấp là điều không hẳn phụ huynh nào cũng nắm được.

ở các nước phương Tây, khi gia đình có bé chuẩn bị vào lớp 1, cả gia đình sẽ luôn nhắc đến sự kiện đi học của bé với sự phấn khởi thậm chí tỏ ra thán phục. Bố mẹ cũng cùng con chuẩn bị đồ dụng học tập đầy đủ, hướng dẫn con cách xếp gọn gàng ngăn nắp đồ cá nhân, cùng con bọc sách vở... Còn ở Việt Nam, các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, khi trường học chưa có lớp học bước đệm để trẻ làm quen với môi trường học đường thì phụ huynh cần phải có những bước chuẩn bị cần thiết về tâm lý, những kỹ năng tự phục vụ bản thân như ăn ngủ, vệ sinh cho trẻ... Đừng nghĩ những điều đó là nhỏ, bởi nếu những kỹ năng cơ bản ấy không thành thạo thì thời gian học tại trường của trẻ sẽ trở nên bị động, lo lắng không yên.

Cha mẹ cũng phải đặc biệt chú ý chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho con. Việc chuẩn bị sức khỏe không đơn thuần là phát triển chiều cao, trọng lượng mà còn phải tạo cho con sự bền bỉ, dẻo dai và khả năng chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp. Đồng thời, cần giúp con có được độ khéo léo của đôi bàn tay, tinh nhạy của các giác quan để bé thích nghi với môi trường học tập mới, giúp con có thói quen ăn ngủ nghỉ đúng giờ giấc, giờ nào việc nấy và tăng khả năng tập trung lúc ngồi học... Có như vậy thì việc học bán trú của bé mới không vất vả và thực hiện được tốt nhất.

Hãy dành thời gian để dẫn con đến thăm ngôi trường, lớp học con sẽ học, các phòng chức năng của trường, và đặc biệt là phòng vệ sinh. Hãy đặt ra những tình huống khó khăn đòi hỏi con phải xử lý bằng kỹ năng. Khi nắm được những kỹ năng xử lý những tình huống sẽ xảy ra trên lớp học, chắc chắn bé sẽ an tâm, tự tin khi đến trường, lớp.

Đối với lứa tuổi bước vào THCS, THPT, các chuyên gia tâm lý giáo dục cũng cảnh báo, đây là lứa tuổi phức tạp, thích thể hiện cái tôi, bộc lộ khả năng, luôn cho mình là đúng... Trẻ cũng rất nhạy cảm và dễ phản ứng với những lời nói xúc phạm của người lớn... Vì vậy, để giáo dục một vấn đề nào đó phải nhẹ nhàng, thông qua những câu chuyện về tình bạn, tình yêu đã xảy ra trong thực tế. Hãy trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tâm sinh lý của lứa tuổi. Né tránh giáo dục những vấn đề nhạy cảm ở lứa tuổi teen là tạo ra khoảng trống kiến thức nguy hiểm khi các em phải đối diện. Cha mẹ là những người có thể nắm bắt, chia sẻ với trẻ những vấn đề tế nhị, khó nói ở lứa tuổi này một cách dễ dàng nhất.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cũng cho rằng, yêu con thôi chưa đủ. Để giáo dục con, cha mẹ cần có kỹ năng, phương pháp giáo dục nhân bản. Một trong những kỹ năng đó là biết làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh những lời lăng mạ, xúc phạm đến lòng tự ái của con trẻ.

Cha mẹ tuyệt nhiên không được ép con phải luyện chữ, làm toán hay đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 vì điều này có thể tạo áp lực cho trẻ, khiến trẻ chán học và sợ đi học. Điều quan trọng trong bước chuyển tiếp của trẻ là trang bị cho trẻ những kỹ năng sống, tạo niềm vui, hứng thú học tập...

Theo: Linh Hà/ gdtd.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516