Họp “lẩu thập cẩm”
Ý nghĩa của họp phụ huynh là chăm lo và đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu
Chị Thanh Hà kể, sau những báo cáo của cô giáo, thì đến màn phụ huynh góp ý kiến. Thông thường, đầu năm học chỉ có “nóng” ở phần thu tiền thôi. Nhưng phụ huynh lớp của con chị được cái “nhiệt tình”, vấn đề gì cũng đóng góp tích cực, từ to đến nhỏ, không sót việc gì, “tự do ngôn luận”, phụ huynh được quyền tha hồ nêu ý kiến, từ việc thu chi đến việc chăm sóc nuôi dạy con, thế rồi thành căng thẳng lúc nào không hay. Một người ý kiến, ngay sau đó là 20 người “comment” đúng phong cách facebook của các cha mẹ thời @!
Trong không khí tranh luận rôm rả, một mẹ nêu ý kiến về tiền giấy photo bài cho con cả năm học. Chị cần cô giáo cho biết con học những gì mà cần đến mấy chục nghìn để mua giấy photo. Tiện thể chị thắc mắc chuyện năm trước con về quê chưa kịp ra lớp buổi học đầu tiên trong năm mới mà không nhận được phong bao 10.000 đồng lì xì từ quỹ hội phụ huynh…
Phụ huynh khác thì đề nghị đổi mẫu đồng phục (chuyện đại sự rồi đây), vì con chị chân bé, mà mặc váy đồng phục như hiện tại không… đẹp. Lại ồn ào lên một hồi…
Đang đầu năm, bố của một cháu lại lo xa, nghĩ đến việc lo cô giáo cho con vào lớp sau. Cần phải đóng góp đỡ đầu thế nào, chạy “cô chuẩn” ra sao… Không ít người lén nhìn lên bàn cô giáo. Ý kiến này không có phản hồi, chắc bởi mọi người thấy “quá chối tai”.
Tưởng đã lặng, ông của một cháu khác đứng bật dậy tiếp lời, lằng nhằng mào đầu, thân bài, kết luận lại là: “Tôi đã từng kinh nghiệm sinh hoạt tổ dân phố. Nên tôi muốn là trưởng ban phụ huynh”!!!
Rồi mỗi người thêm mỗi ý, đến phần nộp tiền cho ban phụ huynh thì mới gọi là vỡ chợ. Lúc này cô giáo đã tế nhị (hoặc không chịu nổi tiếng ong ve trong cuộc họp) đi ra ngoài. Bác kinh nghiệm sinh hoạt tổ dân phố đưa một con số tiền đóng góp. Ý kiến khác đòi nâng lên, rồi nâng lên nữa, nâng cao nữa. Người ú ớ không kịp theo dõi quay sang hỏi nhau là sao phải nâng, cũng chẳng biết nữa, vì chẳng có dự trù gì. Rồi chưa thông tỏ chủ trương đã ào ào lên tập trung vừa đóng tiền vừa gào lên: Bao nhiêu, bao nhiêu… Các con ở ngoài nhìn bố mẹ mà mắt chữ A mồm chữ O, chẳng hiểu ông bà bố mẹ đang làm gì trong lớp.
Chị Thanh Hà đến tận lúc về nhà vẫn ngạc nhiên vì cuộc họp “lẩu thập cẩm” mà mình vừa tham dự.
Cuộc họp không phản hồi
Cuộc họp phụ hunh cần được tổ chức dân chủ để ghi nhận các ý kiến phản hồi từ các bậc phụ huynh HS
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cuộc họp phụ huynh diễn ra trong trật tự và yên ắng. Cô nói gì kệ cô, tất cả cứ “một màu chủ đạo” là gật đầu. Đến mức giáo viên đề nghị đóng góp ý kiến thì hỏi đến ai cũng “tôi không có ý kiến gì”. Có những phụ huynh chỉ ngồi “ngáp ruồi” từ đầu đến cuối rồi ra về.
Có nhiều giáo viên tâm sự, cuộc họp đầu năm muốn nghe phụ huynh chia sẻ về các con để nắm bắt tình hình và thêm vài câu gửi gắm cô giáo mà cũng không được nghe. Khi chuẩn bị cho cuộc họp cũng đặt ra các tình huống và phương án ứng phó nhưng vẫn chưa một lần phải sử dụng đến.
Tuy nhiên, các giáo viên đều đồng tình rằng, để lựa chọn thì cái tẻ nhạt của cuộc họp phụ huynh còn quý hơn là những “lùm xùm” xảy đến bất ngờ từ những chuyện rất không đâu và nhỏ nhặt, tạo nên những ấn tượng không mấy tốt đẹp ngay ở màn chào hỏi giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm lớp.
Khi giáo viên “đăng đàn”, tránh mọi khả năng “tạo sóng”
Học sinh cần môi trường an toàn trong nhà trường hơn là các cuộc bầu bán của hội phụ huynh
Có lẽ với các giáo viên chủ nhiệm, cuộc họp phụ huynh là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong những tuần đầu của năm học mới. Và việc chuẩn bị chương trình, tâm thế chủ trì, nội dung từng chủ đề, điều khiển cuộc họp, thậm chí gọi điện thoại trao đổi trước với một vài phụ huynh… cũng được các giáo viên truyền kinh nghiệm cho nhau để có một cuộc họp hiệu quả mà vẫn tình cảm.
Họp đầu năm, đương nhiên có phần đóng góp tiền nong và đây cũng là nội dung được phần đông giáo viên đánh giá là dễ “tạo sóng”!
Vấn đề làm nảy sinh căng thẳng thường xuất phát từ các khoản thu: Tiền điều hòa, máy chiếu, tiền photo, tiền bảo vệ, tiền trông trưa… Là người chủ trì cuộc họp, nếu giáo viên chủ nhiệm thiếu kinh nghiệm sẽ dễ dẫn đến tình trạng cuộc họp phụ huynh trở thành diễn đàn tranh luận và sẽ không khỏi chóng mặt với việc thu thập và xử lý các ý kiến trái chiều.
Hãy xem bí quyết của các cô giáo chủ nhiệm trước khi “đăng đàn” họp phụ huynh đầu năm như thế nào:
Cô Hoàng Phương - Giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An: “Tôi đặt mình vào vị trí của phụ huynh có con đi học. Mình mong muốn điều gì cho con thì hãy chia sẻ mong muốn đó với họ. Như thế chắc chắn sẽ tìm thấy sự đồng cảm, đồng thuận và hóa giải mọi căng thẳng”.
Cô Tố Vân - Giáo viên Trường THCS Nhật Tân (Hà Nội) - 19 năm kinh nghiệm làm giáo viên chủ nhiệm lớp: Tôi thường tách bạch khoản thu theo quy định của ngành, khoản thu hộ (bảo hiểm, các quỹ…) và các khoản thu của trường, lớp. Với mỗi khoản sẽ kèm theo giải thích chi tiết. Và chính những tìm hiểu và trao đổi với các bậc phụ huynh có thể làm cho khoản chi của một số gia đình khó khăn được giảm bớt. Và gần 20 năm làm giáo viên chủ nhiệm, tôi chưa từng gặp căng thẳng nào trong các cuộc họp phụ huynh liên quan đến vấn đề kinh tế.
Để thấy rằng cuộc họp phụ huynh thành công hay không phụ thuộc chính vào giáo viên chủ nhiệm. Và mọi căng thẳng của cuộc họp sẽ không xảy ra nếu ngay từ đầu giáo viên và nhà trường đã xác định rõ những quyết định của cuộc họp sẽ phục vụ cho ai và tiến hành từng bước cụ thể như thế nào.
“Không riêng gì họp phụ huynh, trong bất cứ một công việc gì, cứ có tình có lý sẽ chẳng bao giờ có căng thẳng. Kinh nghiệm cho thấy, nguyên tắc để tránh “lùm xùm” là thu đúng – thu đủ và công khai minh bạch. Có lẽ phụ huynh chỉ quan tâm có thế. Họ quan tâm xem con họ sẽ được hưởng gì từ sự đầu tư của cha mẹ.
Bên cạnh đó, trước khi đưa ra một khoản thu, Ban giám hiệu nhà trường phải luôn đặt yếu tố tiết kiệm, vì lợi ích của học sinh lên hàng đầu thì chắc hẳn mọi chuyện đều êm. Cô Nguyễn Thị Thúy Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An |
Theo: gdtd.vn