Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhHợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp: Rào cản đến từ cả hai phía!

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp: Rào cản đến từ cả hai phía!

Thứ năm, 16 Tháng 5 2013 01:25
Vừa qua, Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu các trường ĐH, CĐ rà soát, đánh giá và bổ sung nội dung chuẩn đầu ra các ngành đào tạo... Trong quá trình này, các trường có thể mời các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cùng tham gia xây dựng, hoàn thiện nội dung chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo cho mình. Thực tế thì nhiều trường đã bắt tay với doanh nghiệp ngay từ rất sớm. Tuy nhiên, doanh nghiệp và nhà trường là 2 thể chế khác biệt, có những mục tiêu khác nhau, cho nên không thể nào có sự hài lòng đạt được một cách dễ dàng và đơn giản.

NHỮNG CUỘC “TRƯNG CẦU… DOANH Ý”

Xác định mối liên hệ với các doanh nghiệp, các công ty là yếu tố sống còn, nhiều trường ngay từ khi thành lập, đi vào hoạt động đã có sự gắn kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo của mình. Tuy nhiên để trở thành một hội nghị mang tính quy mô thì phải kể đến “hội nghị khách hàng” của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức vào tháng 10.2007. Với thông điệp “Chúng tôi muốn lắng nghe phản hồi từ khách hàng”, PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng nhà trường đã làm hội nghị khách hàng, trở thành một cuộc “trưng cầu… doanh ý” sôi nổi, hấp dẫn với nhiều hành trang để nhà đào tạo làm một chuyến rà soát lại thành trì vững chắc của mình là chương trình đào tạo. Đây cũng là trường ĐH đầu tiên của nước ta tổ chức hội nghị khách hàng như thế này.

Với hơn 30 doanh nghiệp tham gia, hội nghị đã đưa ra một thực tế khác mà các doanh nghiệp có mặt đồng tình là các SV thiếu tự tin khi đối diện với doanh nghiệp. Cụ thể như khi trả lời xong câu phỏng vấn, chỉ cần nhà tuyển dụng hỏi lại “Bạn có chắc không?”, phần lớn SV đều tỏ ra lúng túng, nghi ngờ chính câu trả lời được rút ra từ mớ kiến thức của mình… Không mất nhiều thời gian để ca ngợi lẫn nhau, trong suốt thời gian hội nghị, các doanh nghiệp tha hồ bình phẩm sản phẩm mà mình đã và định sử dụng vì đó là yêu cầu của… “nhà sản xuất”. Tuy nhiên, khác với các cuộc hội thảo bàn về đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội trước đây, người trực tiếp sử dụng lao động đã đưa ra được những yêu cầu cụ thể, những phương án cụ thể để hỗ trợ nhà trường bít những lỗ hổng trong đào tạo của mình.

Tại một hội thảo về vai trò của doanh nghiệp đối với quá trình đào tạo nguồn nhân lực do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức, đa số các ý kiến đều cho rằng nhà trường cần thường xuyên chủ động liên hệ với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu cũng như tiếp cận những công nghệ mới để đào tạo tốt hơn. Anh Nguyễn Đức Điền - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM cho rằng, vai trò của doanh nghiệp đối với việc đào tạo nguồn nhân lực là rất lớn. Các công ty có tổ chức làm việc chuyên nghiệp, dây chuyền sản xuất hiện đại do đó khi SV đến thực tập có điều kiện tiếp cận hệ thống quản lý hiện đại. Khi thực tập, SV có thể học được những kỹ năng mà nhà trường không dạy. Bên cạnh đó, SV hãy tham gia vào các hoạt động của Đoàn thanh niên như công tác xã hội, mùa hè xanh... để phát triển kỹ năng làm việc theo nhóm, sáng tạo trong cách giải quyết công việc và khả năng nói chuyện trước đám đông... Những yếu tố đó là ưu thế khi đi xin việc.

Ngay từ khi thành lập, ĐH Hoa Sen (TP.HCM) đã có bộ phận Sinh viên vụ (bộ phận mà hơn hàng chục năm sau nhiều trường khác mới có), vừa phụ trách công tác sinh viên vừa phụ trách công tác quan hệ doanh nghiệp với nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm chỗ thực tập cho sinh viên. TS. Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm rằng doanh nghiệp phải có mặt và đồng hành cùng nhà trường trong suốt cả quá trình đào tạo. Ngay từ khi dự định thành lập 1 ngành học mới, trường phải tìm hiểu nhu cầu xã hội có hay không và nhu cầu đó là gì, đến đâu, đặc biệt là khi thành lập 1 ngành học chưa từng có hoặc hiếm có ở Việt Nam (VD: ngành thư ký Y khoa, Quản trị nguồn nhân lực, Du lịch Khách sạn nhà hàng…) thì phải mở cuộc điều tra sâu, sau đó so chương trình lấy được từ quốc tế với nhu cầu tại chỗ để tự thích nghi chương trình thêm bớt môn gì và sau khi hoàn thiện chương trình thì mời người có chuyên môn về thẩm định…”.

Một cách đồng hành nữa, theo TS. Bùi Trân Phượng là trong lực lượng giảng viên của nhà trường bao giờ cũng có 1 bộ phận là giảng viên đến từ doanh nghiệp (có văn bằng, chuyên môn phù hợp). Doanh nghiệp tham gia đánh giá báo cáo thực tập của SV, đánh giá kỳ thực tập của SV. Điều này sẽ giúp nhà trường lắng nghe được phản hồi về sinh viên từ doanh nghiệp.

DOANH NGHIỆP CÙNG THAM GIA ĐÀO TẠO

Nhìn từ góc độ tổng thể thì mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp là một loại quan hệ hỗ tương, cộng sinh. Nhà trường là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, doanh nghiệp là nơi phản ánh chất lượng đào tạo (đầu ra của nhà trường).

Theo ThS. Đàng Quang Vắng - Phó trưởng khoa Kinh tế, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: Chuẩn đầu ra của các trường cần phải xây dựng và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu xã hội (doanh nghiệp, tổ chức kinh tế- xã hội...) theo thời gian. Từ đó, nhà trường xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo, môn học, đề cương chi tiết nhằm đáp ứng với chuẩn đầu ra.

Ngay từ khi thành lập, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã sớm tạo sợi dây liên kết với các đơn vị sử dụng lao động thông qua việc mời doanh nghiệp tham gia các diễn đàn của SV, tạo điều kiện cho SV kiến tập… Cách đây 3 năm, bên cạnh việc mời đại diện các doanh nghiệp có trình độ thạc sỹ trở lên tham gia giảng dạy các môn liên quan thì nhà trường đã áp dụng việc thi kỹ năng thực hành đối với SV trước khi ra trường. SV phải trải qua một đợt thi kỹ năng thực hành, điểm thi kỹ năng thực hành cộng với điểm đi thực tập chia đôi và điểm này gọi là điểm thực tập. Bộ ngân hàng đề kỹ năng thực hành là do các doanh nghiệp thuộc các ngành học liên quan xây dựng cho tất cả các ngành học của trường. Các doanh nghiệp đặt ra các câu hỏi về các tình huống để SV xử lý liên quan đến những vị trí trong ngành học của mình… ThS. Trịnh Minh Huyền – Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Theo quan điểm của nhà trường, chỉ khi nào SV giải quyết xử lý được các tình huống do doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đó đưa ra thì khoảng cách giữa đào tạo với doanh nghiệp (việc làm) mới thật sự được rút ngắn. Bộ đề được các doanh nghiệp đầu tư rất công phu, doanh nghiệp làm sau đó được hội đồng khoa học của khoa thẩm định rồi đưa vào áp dụng. Thông qua các đợt chấm thi như thế, chính giảng viên của trường cũng được trau dồi về kiến thức thực tế...”.

NHỮNG RÀO CẢN TRONG HỢP TÁC

Tuy nhiên, doanh nghiệp và nhà trường là 2 thể chế khác biệt, có những mục tiêu khác nhau, cho nên không thể nào có sự hài lòng đạt được một cách dễ dàng và đơn giản. Số đông doanh nghiệp ở VN, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đều coi đào tạo là nhiệm vụ của nhà trường, phần lớn chỉ quan tâm đến việc sử dụng nhân lực, chỉ có những doanh nghiệp rất lớn là những người có kinh nghiệm lâu dài tích lũy, có tầm nhìn xa, có tiềm lực kinh tế lớn thì họ mới quan tâm ít nhiều đến đào tạo nhân lực. TS. Bùi Trân Phượng, nhấn mạnh: “Bản thân doanh nghiệp phải thấy rằng cùng tham gia với nhà trường là đáp ứng lợi ích của chính họ thì họ mới tham gia một cách lâu dài và vững chắc được. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, SV ngoài năng lực thì cần phải hiểu tâm lý doanh nghiệp và hiểu mình cần làm gì để thích nghi và chính doanh nghiệp cũng phải tạo điều kiện cho SV thích nghi. Có thể kiến thức, hiểu biết của SV rộng hơn kỹ năng hẹp mà doanh nghiệp cần nhưng nó sẽ giúp cho chính doanh nghiệp đi xa hơn nếu biết sử dụng phù hợp. Cho nên vấn đề là cần sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau từ 3 phía: SV – nhà trường – doanh nghiệp…”.

Khi đã thật sự quan tâm đến chất lượng thì chính các trường sẽ tìm ra lời giải: đào tạo ra nếu đáp ứng đúng nhu cầu xã hội thì SV mới có việc làm và mới có doanh nghiệp đồng hành cùng mình và như vậy thì ngành đó mới sống được lâu dài.

Việc hao tốn thời gian và công sức cho việc thẩm định để mở một ngành học mới là điều tất yếu. Tuy nhiên, vấn đề đôi khi không phải là thời gian mà là có chọn đại diện doanh nghiệp trúng hay không. Chọn trúng thì nhà trường được những ý kiến tư vấn xác đáng và thực tế. Một lãnh đạo Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), chia sẻ: muốn chọn trúng thì trong nội bộ giảng viên phải có người chủ nhiệm chương trình. Những chương trình thành công và bền vững nhất là những chương trình mà ngay từ đầu người chủ nhiệm chương trình được chọn trúng và người đó tham gia khai sinh ra chương trình mới, là người ngay từ đầu chia sẻ ý tưởng cần thiết phải có ngành học đó và tham gia vào quá trình lắng nghe doanh nghiệp… Một khi người chủ nhiệm chương trình biết thiết lập mối quan hệ với những đối tác phù hợp trong doanh nghiệp thì ngành đó sẽ phát triển lâu dài và thậm chí là rất thành công

Những khó khăn trong hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

TS. Bùi Trân Phượng (ĐH Hoa Sen): Khó khăn là vô số. Các bên không hiểu nhau, các bên theo đuổi mục tiêu của mình quá hẹp hòi, quá thiển cận… thì khó hợp tác. Tốt hơn nên nhờ các kinh nghiệm thành công đến từ các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia. Họ có tầm nhìn xa, đồng thời họ cũng có những nhu cầu lớn tức là họ tuyển dụng số lượng lớn thành ra họ mới có thể tự cho phép mình thiết kế cùng với nhà trường những chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng đúng nghĩa.

Theo: GD&TĐ

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516