Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhLý giải việc học sinh Việt Nam thắng lớn trên bảng xếp hạng thế giới

Lý giải việc học sinh Việt Nam thắng lớn trên bảng xếp hạng thế giới

Thứ năm, 05 Tháng 12 2013 04:55
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) vừa công bố khảo sát tại 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 510.000 học sinh trong độ tuổi 15 tham gia về năng lực học sinh. Theo đó, học sinh Việt Nam được đánh giá khá cao, thể hiện qua bảng xếp hạng chung cuộc Việt Nam xếp thứ 17/65 quốc gia, vượt qua cả các nước có nên giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Pháp…
Xung quanh kết quả này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp, một chuyên gia cao cấp trong việc đánh giá chất lượng giáo dục. 
PV: Thưa GS, ông có thể cho biết sau khi biết được kết quả đánh giá, Việt Nam lần đầu tiên được xếp hạng cao như vậy ông có bất ngờ không?
GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp: Thực ra tôi cũng đã nghe ngóng từ lâu về chương trình này, họ nói Việt Nam nghe có vẻ cũng khá lắm, biết thế nhưng chưa dám nói, giờ họ công bố chính thức rồi. Tôi cũng hơi bất ngờ, tôi chỉ nghĩ Việt Nam chỉ ở tầm trung trung chứ không phải ở vị trí thấp, nhưng khi công bố thì Việt Nam trên trung bình một chút, thậm chí trên trung bình của các nước phát triển, mà trên cũng cao là một điều đáng ngạc nhiên.
Tôi tin tưởng tố chất của học sinh Việt Nam mình, một là các em thông minh, hai là chịu khó. Hơn nữa nền giáo dục mình cũng có đóng góp nhất định, nhưng đóng góp được nhiều thì tôi chưa tin lắm, mình phải cố gắng hơn nữa. Nếu nền giáo dục của mình đóng góp được nhiều thì có thể xếp hạng này còn nâng lên như Hàn Quốc và Nhật Bản.
 
Theo GS, chương trình đánh giá này có thực sự khách quan và công bằng hay không, có đáng tin cậy không?
GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp: Đây là  một đánh giá rất khoa học, rất nghiêm túc, nó là thước đo rất tin cậy. Vì, người ta dùng những người thiết kế, người làm có chuyên môn cao về đo lường và đánh giá trong giáo dục, họ thiết kế rất khoa học.
Ví dụ, họ không đánh giá chương trình đào tạo mà đánh giá bản thân học sinh ở độ tuổi 15 (độ tuổi sắp bước vào đời), đánh giá này do không gắn với chương trình nên họ không dựa vào một chương trình của một lớp nào cả, họ thấy những người ở độ  tuổi đó được đào tạo ở đâu, được tích lũy trong cuộc sống để có một năng lực như thế nào đó để chuẩn bị bước vào đời.
Chương trình được xây dựng theo dạng đề kiểm tra như vậy, nên không căn cứ hoàn toàn vào một chương trình nào. Chương trình làm thế nào để tất cả các nước đều làm được. Cho nên khi xây dựng chương trình này và dịch ra tiếng các nước cũng rất công phu, ví dụ như tiếng Anh, tiếng Pháp. Gửi cho Việt Nam họ gửi kèm bản tiếng Anh, tiếng Pháp và buộc mình phải dịch hai thứ tiếng đó sang tiếng Việt cho thật chính xác, những người dịch phải có trình độ cao mới chính xác được.
Nhiều người cũng nói rằng, Việt Nam thường đi thi thì chọn những học sinh giỏi đi thi để lấy thành tích, nhưng chương trình này không được phép. Họ chọn theo mẫu học sinh, chọn theo một quy trình nghiêm khắc gọi là chọn mẫu phân tầng ngẫu nhiên (chọn các trường có học sinh ở độ tuổi 15, không phải chọn những trường giỏi, bình đẳng vùng miền, trong trường chọn ngẫu nhiên lớp, trong lớp chọn ngẫu nhiên không có chuyện học sinh giỏi), và họ tự chọn lấy chứ không để cho Việt Nam chọn, đánh giá này khách quan ở chỗ đó.
Tôi mừng ở chỗ, Việt Nam mình là đánh giá cả nước. Không như Trung Quốc họ chỉ đưa một thành phố Thượng Hải đem đi đánh giá, nên kết quả của Thượng Hải là cao nhất thế giới nhưng dù sao đó chỉ là một thành phố phát triển nhất Trung Quốc, còn mình là đánh giá chung cả nước. Hai kết quả đó nếu so sánh với nhau là không nên. 
Do vậy đánh giá học sinh Việt Nam lần này là chính xác, nhưng Thượng Hải cũng chính xác nhưng chỉ là  một thành phố chứ không phải là Trung Quốc.
Ngoài chương trình đánh giá này thì trên thế giới còn tổ chức nào đánh giá học sinh phổ thông không thưa GS?
GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp: Có nhiều, nhưng Việt Nam chưa tham gia hết, như chương trình TIM chủ yếu đánh giá ở môn Toán, nhưng chương trình PISA này đánh giá toàn diện học sinh 15 tuổi. 
Đây là năm đầu tiên Việt Nam tham gia xếp hạng PISA nhưng đã có thứ hạng rất cao, thậm chí cao hơn nhiều nước có nền giáo dục phát triển. GS kỳ vọng gì ở chất lượng học sinh sau khi đổi mới giáo dục?
GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp: Tôi thấy Bộ GD&ĐT quyết định tham gia đánh giá này là một quyết định sáng suốt, vì quyết định như thế mình có thước đo khách quan để hòa nhập học sinh mình.
Nền giáo dục mình hiện nay có nhiều vấn đề về chất lượng, nên nhiều người đánh giá rất thấp, nhưng nhiều người rất bi quan, ai cũng nói theo cảm tính, do vậy đây là một thước đo khách quan. 
Lần đầu tiên tham gia mà kết quả như thế tôi nghĩ kết quả này khách quan. Nếu hệ thống giáo dục đổi mới tốt hơn nữa tôi nghĩ kết quả còn đi lên hơn, ví dụ như một số nước trong khu vực (trừ Singapore) không có nước nào có vị trí cao hơn mình. Chứng tỏ học sinh mình có năng lực cao, năng lực học sinh thì có năng lực tự thân của nó, có năng lực của nền giáo dục góp vào. Nhưng nền giáo dục ta còn nhiều khiếm khuyết cho nên đó không phải là phần quyết định, phần quyết định là của cả hai.
Học sinh nước mình cũng như một số nước châu Á, có một số báo cáo cũng đánh giá ở một số môn thi, họ cũng có bảng hỏi về điều kiện của gia đình, nhà trường…, qua tất cả đó, qua điểm thì họ rút ra những học sinh mà trong điều kiện khó khăn, khó khăn về kinh tế vẫn có thể vượt lên mà đứng thứ hạng cao, gồm 4 nước: Thượng Hải, Hồng Kong, Ma Cao, Việt Nam, Singapore. Họ nói học sinh mình thông minh, và cố gắng vượt khó. 
Nhiều người vẫn còn băn khoăn nhỏ, nếu nói về nền kinh tế và nền giáo dục Việt Nam chắc chắn thua nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh,Pháp…, nhưng tại sao năng lực học sinh Việt Nam lại hơn những nước này?
GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp: Nói là ngược hoàn toàn cũng không phải ngược. Nó vẫn có một sự tương quan giữa nền kinh tế và trình độ, họ có tính tương quan này. 
Nói chung, nền kinh tế cao, phát triển thì trình độ học sinh sẽ cao, nhưng có những trường hợp nằm ngoài như đặc điểm về xã hội, về văn hóa để học sinh vượt lên trên khó khăn kinh tế để đạt thứ hạng cao. Ở Việt Nam thì tỉ lệ học sinh vượt khó cao nên nâng điểm trung bình xếp hạng lên phù hợp với trình độ kinh tế của mình.
Một số nước nhiêu khi rất giàu nhưng học sinh không có tố chất chịu khó, cố gắng nên điểm trung bình của họ cũng thấp. Giàu là yếu tố quyết định nhưng có những yếu tố khác chi phối.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Theo: GDVN

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516