Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhĐi học cũng dở, ở nhà không yên tâm

Đi học cũng dở, ở nhà không yên tâm

Thứ tư, 24 Tháng 4 2013 03:03
Dạy chữ sớm cho trẻ không phải biện pháp hay mà cha mẹ dành cho trẻ Dạy chữ sớm cho trẻ không phải biện pháp hay mà cha mẹ dành cho trẻ
Tâm lý sợ con vào lớp 1 không biết chữ sẽ không theo kịp các bạn, nhiều phụ huynh  cho con luyện chữ, học thêm từ lúc còn ở lứa tuổi mầm non. Từ nhu cầu của phụ huynh, những “lò luyện” chữ ở bậc mầm non xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí có phụ huynh chỉ cho con đi học mẫu giáo ở lớp mầm, lớp chồi đến lớp lá thì cho nghỉ vì cho con tập trung luyện chữ ở các lớp dạy thêm.

“Con trai sắp vào lớp 1, mình đang phân vân không biết có nên cho con đi học thêm trước không? Không học thì sợ vào không theo kịp bạn bè rồi cô giáo lại mắng, còn cho học thì cu cậu biết trước lại đâm ra không còn hứng thú nữa cũng mệt. Chọn cách nào đây ta?”. Đó là tâm sự của chị Tuyền ở quận 2 (TPHCM) và đây cũng có lẽ cũng là tâm sự chung của nhiều bậc cha mẹ khi có con đang trước ngưỡng cửa chuẩn bị vào lớp 1.

Mặc dù băn khoăn nhưng phần lớn phụ huynh đều chọn giải pháp cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1. Gần 5 tháng chở con đi luyện chữ ở một địa chỉ gần nhà, chị T.Th, mẹ bé Hà kể những ngày đầu phải đến lớp luyện chữ, bé phản ứng rất dữ, khóc không chịu viết, phải mất mấy buổi làm quen. “Đến giờ thì cháu nó viết được chữ rồi, đọc chữ cái rất trôi. Sắp tới, cháu sẽ được học thêm môn Toán. Có vậy mình mới yên tâm cho cháu vào lớp 1”.

Còn chị Nga ở quận 8 thì đã hối hận vì không cho con đi luyện chữ trước khi vào lớp 1. “Mình cũng nghĩ cho con từ từ rồi học, vì vậy vô lớp 1 cu cậu bơi không kịp các bạn”.

Một số cô giáo nhận thấy việc dạy chữ cho trẻ ở lứa tuổi mầm non là không đúng nên đã tư vấn cho phụ huynh. Tuy nhiên, một thời gian sau các cô lại bị phụ huynh quay lại trách móc. Cô Phương ở trường mẫu giáo Tuổi Xanh 16 (quận 4, TPHCM) chia sẻ: “Tôi đã bị nhiều phụ huynh quay trở lại mắng vốn. Lý do là con họ khi vào lớp 1 học không theo kịp chương trình và không bằng các bạn trong lớp…”.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn TPHCM cũng bắt đầu nở rộ các trung tâm dạy cho trẻ các kỹ năng tư duy, làm toán… theo độ tuổi từ  4 đến 12 tuổi. Tâm sự trên wesite của Trung tâm Toán Mathnasium, bà Phạm Ngọc Hạ Uyên - Phụ huynh của bé Mai Bảo Kha (5 tuổi) - bày tỏ: “Bé thích đi học, tự tin hơn vì đạt nhiều điểm A+, được cô khen thưởng và động viên. Khả năng về toán có tiến bộ hay áp dụng những kiến thức mới trên lớp vào thực tế ở nhà khi chơi trò chơi (tính nhẩm, chia phần). Chương trình học phù hợp với độ tuổi của bé, không quá nặng…”.

Việc cha mẹ đua nhau cho con đi luyện chữ, học thêm các chương trình đào tạo khác để được an tâm khi con vào lớp 1 đã gây lo lắng cho ngành Giáo dục nói chung và tính khoa học của vấn đề cũng là chuyện các bậc phụ huynh cần suy nghĩ. Gần 20 năm dạy cấp 1, cô B.V ở Trường TH Kim Đồng (Q.6, TPHCM), cho biết: “Nhiều học sinh lớp 1 do đã được học chữ với cô giáo dạy mẫu giáo từ rất sớm (trước khi vào lớp 1) nhưng do học không đúng cách đánh vần, phát âm và phần lớn đều không biết cách cầm bút, tư thế ngồi viết..., viết chữ sai về qui tắc, kích thước... nên khi vào lớp 1 sửa rất khó. Có em viết chữ số 8 bằng cách hai chữ O ghép lại. Chưa kể một số em còn ỷ lại “biết hết rồi” không chịu nghe giảng nữa”.

Chia sẻ gần đây trên một số phương tiện truyền thông, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, thực tế có một số phụ huynh chỉ cho con học lớp mầm, lớp chồi, còn sang lớp lá là cho nghỉ vì “bận” học thêm. Hoặc nhiều trẻ 5 tuổi chỉ đến lớp lá và kỳ 1, còn sang kỳ 2 lại nghỉ ở nhà học chữ để chuẩn bị vào lớp 1. Điều này rất phản khoa học vì lớp lá là một giai đoạn tạo nền tảng về nhân cách, sức khỏe, kỹ năng rất quan trọng cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Hiện nay, chương trình giáo dục mầm non mới trẻ được làm quen với chữ viết, con số... nhưng đúng chương trình, mức độ phù hợp với độ tuổi. Và theo chỉ đạo của Sở, GV lớp 1 phải dạy trên nền tảng ban đầu trẻ học chữ. GV không được "đốt cháy" giai đoạn.

Theo các nhà nghiên cứu lứa tuổi mầm non thì: “Trẻ học sớm rất dễ bị bệnh cận thị, cong vẹo cột sống, chán học (do các cơ tay còn vụng về, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa mắt và tay dẫn đến mệt mỏi). Tâm sinh lý, thể lực, trí lực của trẻ em 4-5 tuổi chỉ có thể học chương trình mẫu giáo”.

Một cán bộ Phòng Giáo dục quận 8 (TPHCM) cho biết: “Tâm lý cho con học chữ trước khi vào lớp 1 đã hình thành nhiều năm nay trong phụ huynh, cùng một lúc rất khó thay đổi. Các trường mầm non, tiểu học cần có các hoạt động tuyên truyền giúp phụ huynh thay đổi nhận thức…”.

Điều cần thiết giai đoạn này là sự chuẩn bị toàn diện cho các em về sức khỏe, tâm lý, nhận thức… để các em có hứng thú và đảm bảo được việc học. Hãy tạo điều kiện tối đa để các em phát triển cơ tay nhỏ như để trẻ tự mặc và cởi được áo, có kỹ năng cắt, nặn, dán, xé và sử dụng được bút thành thạo. Đồng thời, giúp trẻ nhận thức bản thân, tự tin vào khả năng của mình để vững vàng khi rời bố mẹ.

Cô Thanh Phương – Hiệu phó trường mẫu giáo Tuổi Xanh 16 (Q.4, TPHCM):

 

Theo: GD&TĐ

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516