Cách đây 2,5 năm, vào tháng 11/2012, anh Vũ Phan Điền (sinh năm 1986, ở xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình) đang tham gia giao thông thì bị Công an thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình kiểm tra hành chính, dẫn giải về đồn rồi bất ngờ “phát hiện có 8 gói heroin trong xe máy?”.
Điền bị cuốn vào vòng xoáy tố tụng, phải nằm trong trại tạm giam gần hai năm và 6 lần đứng trước vành móng ngựa. Trong ba lần xét xử sơ thẩm, thì cả ba lần TAND thị xã Tam Điệp đều tuyên Vũ Phan Điền phạm tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” với mức án 33 tháng và 24 tháng tù giam. Ngược lại, TAND tỉnh Ninh Bình ba lần phúc thẩm, thì hai lần tuyên vô tội và một lần hủy án điều tra lại.
Một vụ án oan mà nhiều người dự phiên tòa cùng khóc là chuyện bình thường, nhưng đến cả người nhân danh nhà nước để “cầm cân nảy mực” như ông Chánh án cũng khóc, thì đó là một hiện tượng đáng suy ngẫm.
Có thể ông khóc do cùng tâm trạng “mừng mừng tủi tủi” với người thân bị cáo. Nhưng có lẽ còn vì một lý do sâu thẳm mà ông chưa nói được bằng lời và không thể giải thích trong bản án. Đó là thực trạng pháp luật của nước ta hiện nay còn không ít điều vô lý đang bị lạm dụng gây ảnh hưởng tiêu cực đến thân phận pháp lý một con người.
Ông khóc vì cấp dưới của mình đã dũng cảm vượt qua rất nhiều áp lực, với 3 lần phúc thẩm giữ nguyên quan điểm, dành thời gian tới 3 tuần nghị án để ra một quyết định thật khách quan nhằm bảo vệ sự thật, bảo vệ người vô tội và cả danh dự những thẩm phán chân chính.
Trong thực tiễn xét xử, chuyện tòa phúc thẩm và sơ thẩm nhận định, phán quyết khác nhau là bình thường. Nhưng sự khác nhau lạ thường giữa ba lần sơ thẩm và ba lần phúc thẩm trong vụ án này thì dư luận thật dễ dàng đặt dấu hỏi về một áp lực nào đó đã đè nặng lên các vị thẩm phán ở cấp sơ thẩm. Có lẽ, ông Chánh án khóc vì cả hai lý do: Áp lực trước một vụ án oan sai và bản lĩnh thẩm phán trước sự lựa chọn “còn” - “mất”!
Chính đồng nghiệp ông cũng đã từng “bị oan” khi tuyên Vũ Phan Điền vô tội tới hai lần, mà cấp trên vẫn ra quyết định giám đốc thẩm, hủy án. Bởi nếu thiếu dũng khí và đảm bảo “an toàn” cho những người tiến hành tố tụng ở địa phương, họ có thể “y án sơ thẩm” buộc bị cáo phải chịu mức án 24 tháng tù giam, vì đằng nào cũng đã tạm giam ngần ấy thời gian. Nhưng, với vụ án này lương tâm mách bảo họ không được phép làm như vậy.
Thật may mắn khi gần 300 lá đơn của người cha Vũ Phan Điền gửi đi các nơi suốt mấy năm qua đề nghị minh oan cho con và những lời kêu cứu của bị cáo từ trại tạm giam cũng như khi đứng trước vành móng ngựa đã thấu đến người có quyền phán quyết ở cấp phúc thẩm. Hãy thử hình dung, nếu Điền bị tuyên phạm tội tàng trữ ma túy thì tương lai của Điền và niềm tin của người dân vào công lý sẽ ra sao?
Lâu nay, dư luận vẫn bất bình về những “bản án bỏ túi”, tỉ lệ oan sai và đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa giảm là bao.
Người ta vẫn lo lắng nếu cơ quan bảo vệ pháp luật cấp trên thiên vị cấp dưới mỗi khi cấp dưới có dấu hiệu sai luật trong điều tra, truy tố, xét xử. Và trong bộ máy vẫn chưa hết những cán bộ thiếu lương tâm, trách nhiệm, chạy theo thành tích, mặc nhiên coi người bị tạm bắt giam là có tội và tìm mọi cách buộc tội họ để tránh bồi thường oan sai.
Cách làm việc như vậy sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm, khiến bất cứ người dân nào rơi vào vòng xoáy tố tụng cũng có thể trở thành tội phạm ngay cả khi bằng chứng buộc tội họ còn rất lơ mơ - mà vụ án Vũ Phan Điền là một ví dụ.
Vậy nên, rất mong những người có quyền phán quyết không chỉ biết khóc mà hãy bằng mọi giá giữ được niềm tin của nhân dân vào công lý.
Theo ĐSPL