Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luậtCƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI TẠI SINGAPORE VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI TẠI SINGAPORE VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

Thứ ba, 19 Tháng 12 2023 03:50

BÙI VŨ NGHĨA

Công ty TNHH Carat Diamond

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

Nhận bài ngày 29/11/2023. Sửa chữa xong 04/12/2023. Duyệt đăng 09/12/2023.

Tóm tắt: Tại Việt Nam, hoạt động thương mại ngày càng phát triển, do đó chất lượng hệ thống quy định pháp luật và năng lực các thiết chế tài phán cần phải đáp ứng yêu cầu nhất định nhằm phục vụ việc giải quyết tranh chấp thương mại đạt hiệu quả tốt nhất. Bài viết sẽ tập trung phân tích cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại theo pháp luật Singapore. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm, hoàn thiện pháp luật Việt Nam, nâng cao chất lượng giải quyết và những định hướng đối với việc gia nhập Công ước Singapore trong thời gian sắp tới.

Từ khoá: Tranh chấp thương mại; Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại; Công ước Singapore; Pháp luật Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc giải quyết tranh chấp thương mại (TCTM) một cách hiệu quả là yếu tố then chốt đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Singapore, với vai trò là một trung tâm tài chính và thương mại quốc tế, đã phát triển được một hệ thống pháp luật và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại linh hoạt, hiệu quả và được công nhận rộng rãi. Sự thành công này không chỉ đến từ hệ thống pháp luật minh bạch, mà còn từ cách thức áp dụng và thực thi pháp luật một cách sáng tạo và linh hoạt.

Bài viết này nhằm mục đích phân tích và so sánh cơ chế giải quyết TCTM của Singapore dưới góc nhìn của quy định pháp luật và thực tiễn, đồng thời đặt chúng trong bối cảnh của Việt Nam. Qua đó, tác giả sẽ nêu bật những bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ mô hình Singapore, với hy vọng góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải thiện chất lượng giải quyết TCTM tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang xem xét gia nhập Công ước Singapore về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, việc nghiên cứu và học hỏi từ kinh nghiệm của Singapore trở nên càng quan trọng và thiết thực.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Khái niệm, đặc điểm tranh chấp thương mại

Tranh chấp (tiếng Anh: dispute) “là sự bất đồng quan điểm, trái ngược nhau”[1]. Theo từ điển Luật học, tranh chấp “là sự mâu thuẫn hoặc bất đồng về các yêu cầu hay quyền lợi, sự đòi hỏi về yêu cầu hay quyền lợi từ một bên được đáp lại bởi một yêu cầu hay lập luận trái ngược từ bên kia”[2]. Nhìn chung, tranh chấp là thuật ngữ dùng để chỉ sự bất đồng hay mâu thuẫn về quyền lợi giữa các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, TCTM mang bản chất của tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể trong xã hội nói chung. Điều 3 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Do đó, TCTM được hiểu là những bất đồng (xung đột) về quyền, nghĩa vụ và lợi ích giữa các chủ thể trong quá trình tổ chức quản lý và thực hiện hoạt động thương mại. Thực chất, TCTM là tranh chấp hợp đồng; là các tranh chấp tài sản phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng và luôn thuộc quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp. Trên thực tế, dễ dàng để nhận diện loại tranh chấp trên qua những đặc điểm pháp lý cơ bản như:

Thứ nhất, căn cứ phát sinh TCTM là hành vi vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp, TCTM phát sinh do các bên giả định có vi phạm hợp đồng và xâm hại lợi ích hợp pháp của các bên.

Thứ hai, chủ thể TCTM là các thương nhân. Quan hệ thương mại được thiết lập giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với bên không phải là thương nhân. Một tranh chấp được coi là TCTM khi có ít nhất một bên là thương nhân. Ngoài ra, Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về một loại tranh chấp không diễn ra giữa các thương nhân với nhau, đó là tranh chấp giữa các công ty và thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

Thứ ba, nội dung TCTM là những mâu thuẫn, bất đồng hay xung đột về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hoạt động thương mại. Lợi ích vật chất đó được xem xét dưới góc độ là giá trị của TCTM. Nếu so với các tranh chấp khác trong xã hội thì TCTM thường là loại tranh chấp có giá trị lớn.

2.2. Pháp luật giải quyết tranh chấp thương mại tại Singapore

2.2.1. Luật hoà giải Singapore

Luật Hòa giải (Mediation Act) Singapore sửa đổi năm 2021 được coi là một trong những đạo luật hiện đại trên thế giới. Điều 3 Luật này quy định “Hòa giải là quá trình gồm một hay nhiều phiên họp trong đó một hoặc nhiều hòa giải viên hỗ trợ các bên trong tranh chấp thực hiện toàn bộ hoặc bất kỳ hoạt động nào sau đây để hỗ trợ giải quyết toàn bộ hoặc một phần tranh chấp: a) Xác định các vấn đề trong tranh chấp; b) Tìm kiếm và tổng hợp các lựa chọn; c) Trao đổi với bên còn lại; d) Tự nguyện đi đến thỏa thuận”. Như vậy, khái niệm hòa giải trên đã thể hiện theo nghĩa rộng, chứ không chỉ trong hòa giải thương mại. Về cơ bản, khái niệm đã làm rõ những đặc trưng trong cơ chế hòa giải về chủ thể (hòa giải viên), về một số hoạt động cơ bản và đặc biệt, khái niệm này đã thể hiện rõ nét tính “tự nguyện” - một trong những ưu điểm nổi bật của hòa giải.

Cũng theo quy định trên, thì thỏa thuận hòa giải là thỏa thuận bởi hai hay nhiều người về việc đưa toàn bộ hoặc một phần tranh chấp phát sinh, hoặc có thể phát sinh giữa các bên để giải quyết bằng hòa giải. Thỏa thuận hòa giải được thể hiện dưới dạng một điều khoản của hợp đồng hoặc dưới dạng một thỏa thuận riêng biệt[3]. Về hình thức, thỏa thuận hòa giải phải được xác lập bằng văn bản. Tuy nhiên, Luật Hòa giải của Singapore cũng quy định được coi là xác lập bằng văn bản nếu “nội dung của nó được ghi nhận bằng một hình thức nhất định, dù bản thân thỏa thuận hòa giải đã được ký kết bằng miệng hay không, căn cứ vào một ứng xử hoặc bất kỳ cách thức nào khác”[4]. Như vậy, trường hợp các bên thỏa thuận bằng lời nói về việc đưa tranh chấp ra trọng tài và họ “thể hiện bằng văn bản” thỏa thuận đã thông qua một bản ghi âm nói trên thì thỏa thuận này vẫn được coi là hợp pháp. Quy định trên thể hiện tính linh hoạt và sự tiến bộ của nhà làm luật Singapore, đặc biệt trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin như hiện nay.

Về kết quả hoà giải thành, một tranh chấp được coi là giải quyết thành công nếu các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Trước đây, việc thi hành thỏa thuận hòa giải thành vẫn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, từ sau khi Luật Hòa giải Singapore năm 2017 có hiệu lực, thỏa thuận sẽ có cơ chế hỗ trợ bắt buộc thi hành từ phía tòa án. Cụ thể, khi một thỏa thuận hòa giải được đưa ra với sự đồng ý của tất cả các bên khác mà không có thêm bất kỳ thủ tục tố tụng nào được tiến hành tại tòa án thì một bên tranh chấp có thể nộp đơn đến tòa án để yêu cầu công nhận thỏa thuận hòa giải thành như một lệnh hay phán quyết của tòa. Ngoài ra, để được tòa án công nhận, thỏa thuận hòa giải thành phải đáp ứng các điều kiện như: được lập thành văn bản, có chữ ký của tất cả các bên tranh chấp; đơn yêu cầu công nhận phải được gửi đến tòa án trong vòng 08 tuần kể từ ngày hòa giải thành; việc hòa giải đã được thực hiện bởi một trung tâm hòa giải hoặc một hòa giải viên đã được chứng nhận theo quy định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Song song với các quy định về công nhận kết quả hòa giải thành bởi tòa án thì Luật Hòa giải Singapore năm 2017 cũng có các quy định về việc không công nhận kết quả hòa giải. Khoản 4, Điều 12 quy định Tòa án có thể từ chối công nhận thỏa thuận hòa giải thành dưới dạng một lệnh của Tòa nếu: “Thỏa thuận vô hiệu do có một bên không đủ năng lực, do gian lận, thông tin sai, ép buộc, nhầm lẫn hoặc bất kỳ lý do nào khác dẫn đến hợp đồng vô hiệu; Vấn đề của thỏa thuận không có khả năng giải quyết; Bất kỳ điều khoản nào của thỏa thuận không có khả năng thực thi như lệnh của Tòa án; Khi vấn đề tranh chấp liên quan đến quyền lợi của trẻ em hoặc quyền nuôi con, một hoặc nhiều điều khoản của thỏa thuận không vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ; Việc công nhận thỏa thuận hòa giải thành dưới dạng lệnh của Tòa án là trái với chính sách công”.

Tiếp đó, về vấn đề bảo mật. Khoản 1, Điều 9 Luật Hòa giải Singapore quy định: “Ngoại trừ khoản 2 và khoản 3 Điều này, một người sẽ không được tiết lộ bất cứ thông tin trao đổi gì liên quan đến hòa giải với bên thứ ba”. Theo đó, khoản 2 và khoản 3 quy định rất chi tiết về các trường hợp mà hòa giải viên cũng như các bên được tiết lộ thông tin với một bên thứ ba. Cụ thể, một người có thể tiết lộ thông tin hòa giải cho bên thứ ba trong một số trường hợp:

- Việc tiết lộ tất cả các bên tham gia hòa giải đồng ý và thông tin hòa giải được tiết lộ là thông tin được thực hiện bởi một người không phải là một bên tham gia hòa giải hay một người thực hiện thông tin hòa giải;

- Có cơ sở hợp lý để tin rằng việc tiết lộ là cần thiết để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ bị thương cho bất kỳ người nào; hoặc để ngăn ngừa sự lạm dụng, bóc lột trẻ em hoặc thanh thiếu niên (theo quy định của Chương 38 Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên);

- Việc tiết lộ được thực hiện cho mục đích nghiên cứu, đánh giá hoặc giáo dục mà không làm lộ (dù trực tiếp hay gián tiếp) danh tính của người thực hiện thông tin hòa giải hoặc bất kỳ người nào mà thông tin hòa giải có liên quan; hoặc việc tiết lộ được thực hiện với mục đích tìm kiếm lời khuyên pháp lý;

- Người tiết lộ thông tin hòa giải là một trọng tài viên đóng vai trò là người hòa giải theo quy định của Luật Trọng tài và Luật Trọng tài quốc tế Singapore[5] và việc tiết lộ được thực hiện theo đúng như các quy định của luật này[6]. Vàviệc tiết lộ được yêu cầu theo lệnh của Tòa án; được yêu cầu/cho phép theo bất kỳ luật thành văn nào…

2.2.2. Công ước Singapore về hoà giải tranh chấp thương mại

Công ước Liên Hợp Quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải (gọi tắt là Công ước Singapore) được ký kết ngày 07/8/2019 tại Singapore. Tại thời điểm ký kết, đã có 46 nước đã ký kết Công ước, bao gồm hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc, ba trên bốn nền kinh tế lớn nhất châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc) và 05 nước ASEAN (Brunei, Malaysia, Lào, Philippines và Singapore) - đều là những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Mục đích của Công ước này là đưa ra một quy chế quốc tế để thực thi các thỏa thuận đạt được thông qua con đường hòa giải, gần giống với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài của Liên Hợp Quốc (Công ước New York) và nhằm đảm bảo rằng thỏa thuận được các bên thông qua này đều mang tính ràng buộc và có thể thực thi theo một thủ tục đơn giản và hợp lý [4].

Về nội dung, Công ước Singapore khá ngắn gọn, với chỉ 16 điều khoản. Phạm vi Công ước chỉ đề cập đến TCTM quốc tế, với các thuật ngữ “quốc tế” và “thương mại” được định nghĩa cụ thể trong Điều 1. Để một tranh chấp là “quốc tế”, phải đáp ứng một trong hai tiêu chí: (i) Ít nhất hai bên trong thỏa thuận giải quyết phải có địa điểm kinh doanh tại các nước khác nhau; (ii) Nước mà các bên có địa điểm kinh doanh khác hoặc là nước mà phần cơ bản của nghĩa vụ theo thỏa thuận giải quyết được thực hiện hoặc nước mà đối tượng của thỏa thuận giải quyết có kết nối gần gũi nhất. Ý nghĩa của “thương mại” được giải thích bằng cách loại trừ. Điều 1 rõ ràng loại bỏ khỏi phạm vi của Công ước thỏa thuận giải quyết liên quan đến các giao dịch cá nhân, vì mục đích gia đình hay hộ gia đình, hoặc liên quan đến luật gia đình, thừa kế hay lao động.

Ngoài việc bảo đảm tính “thương mại” và tính “quốc tế” thì một thỏa thuận hòa giải thành để được công nhận theo Công ước Singapore cũng phải thỏa mãn các tiêu chí như: thỏa thuận giải quyết đạt được giữa các bên phải có kết quả từ hòa giải; thỏa thuận giải quyết phải được ký kết bằng văn bản… Nhằm thúc đẩy thi hành Công ước Singapore, Singapore đã ban hành Luật về Công ước Singapore về hòa giải (Singapore Convention on Mediation Act) năm 2020. Luật này được áp dụng đối với các thỏa thuận hòa giải thành trong thương mại quốc tế, bao gồm các điều luật hỗ trợ cho việc công nhận thỏa thuận hòa giải này. Đơn yêu cầu công nhận thỏa thuận hòa giải thành sẽ được gửi đến Tòa án cấp cao (High Court). Sau khi xem xét, Tòa án nếu nhận thấy thỏa thuận hòa giải thành đáp ứng cả về mặt hình thức và nội dung thì sẽ công nhận thỏa thuận này. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực và được thi hành như lệnh hay phán quyết của Tòa án sau khi được công nhận. Tuy nhiên, Luật này cũng đặt ra một số trường hợp mà thỏa thuận hòa giải thành không được công nhận như trường hợp một bên tham gia hòa giải không đủ năng lực, hay có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có dấu hiệu của sự thiếu công bằng, gian dối, hoặc việc công nhận là trái với chính sách công, đối tượng của tranh chấp không thể giải quyết bằng hòa giải.

2.2.3. Pháp luật về trọng tài thương mại ở Singapore

Singapore hiện có hai luật điều chỉnh về vấn đề trọng tài thương mại (TTTM), gồm Luật trọng tài quốc tế Singapore năm 1994 áp dụng với TTTM quốc tế được giải quyết trên lãnh thổ Singapore và Luật trọng tài Singapore năm 1953 áp dụng với trọng tài nội địa. Cả hai đạo luật này đều “tiệm cận” rất gần với Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế năm 1985 của Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (gọi tắt là Luật mẫu của UNCITRAL). Nội dung pháp luật về TTTM ở Singapore được thể hiện rõ qua những nội dung cơ bản:

Thứ nhất, quy định về thẩm quyền GQTC bằng trọng tài. Mọi tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại đều có thể giải quyết bằng trọng tài nếu được các bên thỏa thuận, trừ trường hợp thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài được cho là trái với chính sách công. Bên cạnh đó, nếu luật thành văn quy định thẩm quyền tài phán với một vấn đề cho bất cứ tòa án nào, mà không đề cập đến thẩm quyền của trọng tài, thì quy định này cũng không làm mất đi quyền giải quyết bằng trọng tài.

Thứ hai, quy định về thoả thuận trọng tài ở Singapore. Cả Luật trọng tài quốc tế năm 1994 và Luật trọng tài năm 1953 của Singapore đều yêu cầu thỏa thuận trọng tài phải được thể hiện dưới dạng văn bản và cụ thể: “Thỏa thuận trọng tài được lập bằng văn bản nếu nội dung của nó được ghi nhận bằng một hình thức nhất định, dù bản thân thỏa thuận hoặc hợp đồng đã được ký kết bằng miệng hay không, căn cứ vào một ứng xử hoặc bất kỳ cách thức nào khác”. Như vậy, theo pháp luật Singapore, trong trường hợp các bên thỏa thuận bằng lời nói về việc đưa tranh chấp ra trọng tài và “thể hiện bằng văn bản” thỏa thuận đó bằng một bản ghi âm thì thỏa thuận này vẫn được coi là hợp pháp.

Thứ ba, quy định về Trọng tài viên và Hội đồng trọng tài Singapore. Bao gồm:

Về số lượng Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài (HĐTT), Luật Trọng tài của Singapore quy định do các bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được, thì theo luật của Singapore, HĐTT sẽ chỉ có một thành viên, không kể là trọng tài trong nước hay quốc tế. Một điểm nổi bật nữa trong Luật trọng tài quốc tế của Singapore đó là quy định về trọng tài khẩn cấp. Trên thực tế, đôi khi sẽ có những trường hợp mà một bên cần áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời và không thể chờ đợi phán quyết của HĐTT hay việc thành lập HĐTT (vì có thể mất 01, 02 tháng hoặc thậm chí lâu hơn). Do đó, Điều 2.a, Luật trọng tài quốc tế năm 1994 của Singapore đã được sửa đổi để bao gồm trường hợp Trọng tài viên khẩn cấp trong khái niệm “Hội đồng trọng tài”. Sửa đổi này nhằm cung cấp cho Trọng tài viên khẩn cấp một địa vị pháp lý và quyền hạn giống như của bất kỳ Trọng tài viên trong HĐTT thông thường khác, cũng đảm bảo rằng các quyết định do Trọng tài viên khẩn cấp đưa ra có hiệu lực thi hành như các quyết định được ban hành bởi HĐTT khác.

Thứ tư, quy định liên quan đến phán quyết trọng tài.

- Luật áp dụng để ban hành phán quyết trọng tài: Luật áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp thương mại nội địa và quốc tế ở Singapore đều có thể do các bên thỏa thuận, lựa chọn và quy định trong thỏa thuận trọng tài.

- Quy định về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Việc huỷ phán quyết trọng tài theo pháp luật Singapore có hai điểm đáng chú ý sau:

Một là, luật của Singapore quy định phán quyết có thể bị huỷ trong trường hợp tòa án cho rằng phán quyết của trọng tài đó là trái với chính sách công của Singapore. Quy định này tương thích với luật mẫu của UNCITRAL[7] và không gây nhiều tranh cãi. Điều này khác biệt cơ bản đối với pháp luật trọng tài Việt Nam, bởi tại Việt Nam, một trong những căn cứ để toà hủy phán quyết là: “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Quy định này đã gây nhiều tranh cãi và bất cập trên thực tiễn thi hành vì sự mơ hồ, không rõ ràng, dẫn đến việc phán quyết trọng tài có thể bị huỷ một cách tùy tiện.

Hai là, về nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Ở Singapore, nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp này là của tòa án. Bởi vì, tại Singapore, vụ TCTM sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài trong trường hợp thoả thuận trọng tài trái với chính sách công, và việc chứng minh “trái với chính sách công” chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Ngoài ra, phán quyết trọng tài nội địa ở Singapore còn có thể bị kháng cáo, tuy nhiên điều này sẽ vô cùng hạn chế. Việc kháng cáo chỉ có thể thực hiện trong một số trường hợp liên quan tới những vướng mắc về pháp luật phát sinh từ phán quyết; kháng cáo phải được thông báo với bên còn lại và HĐTT, phải có sự đồng ý của các bên tranh chấp và được sự cho phép của tòa án tối cao. Với kháng cáo được Tòa án tối cao giải quyết, tòa có thể đưa ra một trong các quyết định: Giữ nguyên phán quyết, thay đổi phán quyết, chuyển phán quyết cho HĐTT xét lại một phần hoặc toàn bộ, huỷ một phần hoặc toàn bộ phán quyết.

            2.3. Một số kiến nghị cho Việt Nam từ kinh nghiệm của Singapore trong việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại

Trên cơ sở học tập những kinh nghiệm, điểm nổi bật của pháp luật Singapore về hệ thống cơ chế giải quyết TCTM, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giải quyết TCTM tại Việt Nam, bao gồm:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung khái niệm hòa giải tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết TCTM do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ GQTC theo quy định của Nghị định này”. Tuy nhiên, nếu so sánh với pháp luật Singapore, quy định này chưa thể hiện rõ nét được tính “tự nguyện” - một đặc trưng của hòa giải. Do vậy, khái niệm về hòa giải trong pháp luật Việt Nam có thể được chỉnh sửa như sau: “Hòa giải thương mại là một quá trình tự nguyện với sự tham gia của một bên trung gian là hòa giải viên nhằm hỗ trợ các bên tranh chấp đi đến một thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này”.

Thứ hai, về hình thức của thỏa thuận hòa giải, có thể nghiên cứu việc mở rộng các quy định về hình thức thỏa thuận hòa giải theo hướng: kể cả trong trường hợp các bên có thỏa thuận bằng lời nói về sử dụng hòa giải để giải quyết tranh chấp và thỏa thuận này đã được ghi âm, thể hiện lại bằng hình thức văn bản thì thỏa thuận này cũng có thể có hiệu lực. Quy định này sẽ tạo thêm tính linh hoạt trong việc quy định cũng như áp dụng các quy định của thỏa thuận hòa giải trong việc giải quyết TCTM trên thực tế.

Thứ ba, quy định về công nhận thỏa thuận hòa giải thành, pháp luật Việt Nam có quy định tương tự pháp luật Singapore, theo đó, để thỏa thuận hòa giải thành được tòa án cũng như cơ quan thi hành án thi hành thì thỏa thuận này phải được tòa án công nhận. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án, bao gồm 4 trường hợp cụ thể[8]. Tuy nhiên, điều kiện “không vi phạm điều cấm của luật” là khá chung chung, chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng lạm dụng quy định của luật để không công nhận kết quả hòa giải thành. Do vậy, cần giới hạn phạm vi của căn cứ này bằng việc quy định cụ thể những điều cấm được đưa ra là thuộc Bộ luật Dân sự hay luật nào khác, điều cấm này có làm thay đổi nội dung, bản chất của tranh chấp hoặc việc hòa giải hay không. Điều này sẽ khắc phục được sự không rõ ràng trong quy định pháp luật như hiện nay.

Thứ tư, xây dựng cơ sở pháp luật và điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực thương mại và thương mại quốc tế. Cơ sở dữ liệu này sẽ được các doanh nghiệp khai thác và sử dụng, nhằm mục đích ngăn chặn các tranh chấp thương mại bất lợi có thể xảy ra hoặc sẽ được các luật sư và các cán bộ pháp luật và tư pháp sử dụng trong việc giải quyết TCTM. Bên cạnh đó, việc xây dựng các dữ liệu về pháp luật thương mại và thương mại quốc tế cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cũng như các điều ước quốc tế về thương mại.

Thứ năm, cần tiếp tục nghiên cứu và tham gia Công ước Singapore. Bởi, việc tham gia Công ước trong bối cảnh những tranh chấp thương mại diễn ra thường xuyên và phạm vi xuyên quốc gia càng diễn ra phổ biến sẽ là cơ chế hiệu quả để giải quyết những tranh chấp này và đưa pháp luật Việt Nam tiệm cận với pháp luật quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ sáu, triển khai có hiệu quả Luật Trọng tài thương mại năm 2010 gắn với việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế và những chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng của Đảng về cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước đưa hoạt động trọng tài của Việt Nam tiệm cận với thông lệ trọng tài thương mại quốc tế.

Thứ bảy, Cần tăng cường công tác phổ biến về cơ chế này đối với các doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ và áp dụng cơ chế một cách hiệu quả. Ngoài ra, cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia chuyên ngành trong các lĩnh vực thương mại, thương mại quốc tế, đầu tư, hàng hải... những người có thể được sử dụng là các trung gian giúp các doanh nghiệp GQTC một khi tranh chấp xảy ra.

Thứ tám, Bên cạnh việc nâng cao năng lực xét xử của trọng tài viên thông qua việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và các kiến thức chuyên môn về pháp luật trong nước và quốc tế, nhất là các kiến thức pháp luật chuyên ngành về giải quyết TCTM, cũng cần quan tâm và củng cố mặt tổ chức, hoạt động của các trung tâm trọng tài; cần tăng cường mối liên hệ giữa tòa án và hội đồng trọng tài trong quá trình tiến hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc nghiên cứu rút gọn về thủ tục xem xét hủy quyết định trọng tài, trong trường hợp căn cứ hủy quyết định không phù hợp với Pháp lệnh Trọng tài, nhằm bảo đảm thời gian thi hành quyết định giữa các bên được tiến hành nhanh; tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và vai trò, lợi ích của việc GQTC bằng phương thức trọng tài cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Cần lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng đối tượng; duy trì và phát triển các trang mạng để giới doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận, chia sẻ thông tin về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thị trường dịch vụ trọng tài, kết hợp vai trò GQTC bằng trọng tài với phương thức giải quyết thông qua hòa giải thương mại của tổ chức trọng tài thương mại. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ trọng tài

3. Kết luận

Qua bài viết, tác giả đã phân tích làm rõ các nội dung về tranh chấp thương mại, tổng quan cơ chế giải quyết TCTM ở Việt Nam, đặt trong sự đối sánh với quy định pháp luật Singapore – một quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong việc xây dựng và phát triển các phương thức GQTC. Từ đó, tác giả đánh giá quy định pháp luật và thực tiễn việc vận dụng pháp luật về cơ chế GQTC trong giải quyết vụ việc trên thực tế nhằm đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về cơ chế giải quyết TCTM tại Việt Nam và những định hướng đối với việc gia nhập Công ước Singapore trong thời gian sắp tới.

Tài liệu tham khảo


[1] Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (2001), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Văn hoá – Thông tin, năm 2001.

[2] Định nghĩa tranh chấp theo từ điển Luật học Black Law Dictionary do West Pub Co, xuất bản năm 2006.

[3] Khoản 1,2 Điều 4 Luật Hoà giải Singapore năm 2017, sửa đổi năm 2021.

[4] Khoản 4, Điều 4 Luật Hoà giải Singapore năm 2017, sửa đổi năm 2021.

[5] Xem: Khoản 1, Điều 63 Đạo luật Trọng tài (Chương 10); Khoản 1, Điều 17 Đạo luật Trọng tài quốc tế (Chương 143A).

[6] Khoản 2; 3 Điều 63 Đạo luật Trọng tài (Chương 10); Khoản 2; 3 Điều 17 Đạo luật Trọng tài quốc tế (Chương 143A).

[7] Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế năm 1985 của Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (gọi tắt là Luật mẫu của UNCITRAL).

[8] Xem thêm: Điều 417, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516