Theo quan sát của chúng tôi thì hiện nay buổi tối không thấy lực lượng công an, dân phòng đi kiểm tra rầm rộ như những ngày trước khi vụ việc của cháu Phúc xảy ra. Ở thị trấn Phú Giáo chúng tôi nghe người dân buôn bán quanh chợ cho biết, ngày trước mỗi lần lực lượng công an, dân phòng, bảo vệ khu phố đi qua họ làm “dữ” lắm. Hàng hóa, xe máy những người đi chợ để sai quy định là họ quăng lên xe không thương tiếc, từ khi cháu Phúc bị đuổi và qua đời thì lực lượng này rất hiền lành.
Chúng tôi ghé thăm gia đình cháu Phúc. Qua trao đổi với ông Phạm Văn Thu - ông nội của Phúc, được biết: “ từ ngày cháu Phúc (là cháu đích tôn) chết rất thương tâm thì ông bỏ bê hết mọi việc. Hàng ngày ông đi khắp nơi để đòi lại công bằng cho cháu. Bố mẹ cháu Phúc bỏ bê hết mọi công việc. Khi còn sống, hàng ngày cháu Phúc ngoài giờ đi học về đều phụ bố đi cưa cây cho người khác, Anh Chính ( bố cháu Phúc) tâm sự: “Dù còn nhỏ tuổi nhưng nó cũng phụ tôi một số việc nhỏ, với lại có hai bố con đi làm chung cảm thấy rất vui, bây giờ tôi gác máy cưa vì mỗi lần cầm máy lên lại thấy hình ảnh của con mà không cầm lòng được”. Mẹ của Phúc bán cà phê tại nhà nhưng từ khi cháu mất cũng để bàn ghế bám bụi, ngổn ngang…
Trong thời gian tác nghiệp tại Phú Giáo chúng tôi nhận được thêm những phản ảnh về việc lạm dụng quyền của lực lượng bảo vệ khu phố họ là dân phòng thị trấn Phước Vĩnh. Cụ thể, đã có hai trường hợp dân quân, bảo vệ tổ dân phố đuổi người sang địa bàn xã Vĩnh Hòa, trong hai trường hợp này làm cho một học sinh gẫy chân khâu 13 mũi và hiện vẩn còn 03 đinh vít nẹp giữ xương chưa tháo ra và gây ra cái chết cho cháu Phúc. Khi những sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân đều không nhận được một sự quan tâm nào của cơ quan chức năng. Chúng tôi đem những câu hỏi này để trao đổi với Chủ tịch UBND thị trấn Phú Giáo, người trực tiếp quản lý lực lượng này và sẽ có những thông tin đến bạn đọc sau.
Về nguyên nhân cái chết của cháu Phúc theo Kết luận Pháp y tại Biên bản Giám định số: 1259/DĐPY – PC 54 ngày 18/9/2012 của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Bình Dương là cháu Phúc chết do: đa chấn thương, dập phổi, dập gan, tim xuất huyết nhưng chưa kết luận do tác động nào gây nên và CSĐT Công an huyện Phú Giáo đang tiến hành khẩn trương điều tra xác minh.
Nói đến việc điều tra xác minh chúng tôi nhận được thông tin của người nhà và người dân xung quanh hiện trường xảy ra cái chết của cháu Phúc cho biết: Ngày 06/11/2012, vào lúc 14 giờ Công an huyện Phúc Giáo lặng lẽ xuống làm lại hiện trường và không thông báo cho gia đình biết… trong khi theo CV số 06 ngày 15/11/2012 trả lời, sau khi xảy ra vụ việc, Cơ quan CSĐT huyện Phú Giáo đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác minh lời khai và đã có Kết luận của Giám định Pháp y của tỉnh ngày 18/9/2012. Tuy nhiên, theo ông nội của cháu Phúc, gia đình gửi đơn từ ngày 02/10 đến ngày 15/11/2012 mới có văn bản trả lời chung chung như vậy !?
Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng ở huyện Phú Giáo và tỉnh Bình Dương sớm làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của những người có liên quan đến cái chết của cháu Phạm Hữu Phúc vào tối ngày 15/9 2012 để người dân địa phương và công luận được rõ./.
BOX: Ngày 1/8/2007, Liên Bộ công an, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư Liên tịch số 02/2007/TTLT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo vệ dân phố; trong đó có nội dung quy định. 1. Bảo vệ dân phố có nhiệm vụ tham gia công tác giữ gìn TTCC, TTATGT; tổ chức lực lượng quần chúng tham gia giữ gìn TTCC và TTATGT; nhắc nhở các trường hợp lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè và các vi phạm khác nhằm bảo đảm TTATGT, thông suốt trên các tuyến đường, lối đi trong địa bàn; phối hợp với các lực lượng xử lý các vi phạm theo quy định. Khi có hiện tượng ùn tắc giao thông, tụ tập gây rối TTCC, tụ tập đua xe trái phép cần có biện pháp chủ động hoặc phối hợp với lực lượng Công an có biện pháp giải quyết ùn tắc, giải tán đám đông, ngăn chặn hành vi quá khích, không để xảy ra hậu quả xấu
2. Về quyền hạn, khi phát hiện hành vi vi phạm về TTATGT, TTCC thì được yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, Công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện quyền hạn này, bảo vệ dân phố phải có sự phối hợp của các lực lượng chức năng như CSGT, CSTT, cảnh sát khu vực, TTGT. Trường hợp không có các lực lượng trên thì bảo vệ dân phố có quyền nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. |