Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luậtRa văn bản tùy tiện, khổ dân!

Ra văn bản tùy tiện, khổ dân!

Thứ hai, 10 Tháng 12 2012 07:27
Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng việc nhiều nơi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tùy tiện mà không có ai “tuýt còi” là rất nguy hiểm

* Phóng viên: Từ những bức xúc của người dân về CMND mẫu mới có ghi tên cha mẹ, phạt xe không chính chủ..., ông nhìn nhận ra sao về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay?

 

- Ông Đỗ Văn Đương:  Một trong những việc quản lý quyền lực của Nhà nước phải thông qua việc kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ, giờ có cho phép độc quyền về vàng bạc không, rồi việc thành lập các công ty, việc ra các quyết định hành chính về đất đai như thế nào?...

Rất nhiều nơi tôi đi giám sát về đất đai, phát hiện việc giao hạn mức sử dụng đất cho các gia đình là không đúng. Dân khiếu kiện nhiều vì có tới hơn 60% các quyết định hành chính về đất đai trái pháp luật. Đấy là nguồn gốc của việc khiếu kiện đông người về đất đai, trong đó có nguyên nhân do tổ chức thực hiện không đúng.

 

 

 

Nhưng có cái là do một số chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành văn bản có tính pháp quy thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư… không đúng.

 

* Đó là hệ quả của việc thiếu một cơ chế giám sát?

 

- Nhiều nơi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tùy tiện mà không có ai “tuýt còi” thì rất nguy hiểm. Có quá nhiều vi phạm và xã hội cần thiết giám sát việc này. Thông qua giám sát văn bản mà thấy có vấn đề thì kiến nghị, yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý thì mới giải quyết triệt để các tiêu cực xã hội.Việc kiểm soát văn bản là rất quan trọng trong Nhà nước pháp quyền, tác động rất nhiều đối tượng, thông qua các văn bản sẽ xuất hiện những quy phạm điều chỉnh xâm phạm tới lợi ích và ảnh hưởng tới nhiều người.

ra van ban2

 

Chính phủ vừa yêu cầu tạm dừng xử phạt xe không chính chủ

 

đến khi Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 71.

 

Trong ảnh: CSGT xử phạt xe vi phạm trên đường 3 Tháng 2, quận 10 - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

 

Trước năm 2003, ngành kiểm sát đã làm việc này rất tốt trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, đất đai, xuất nhập khẩu, phát hiện rất nhiều vi phạm rồi sai phạm của các cấp chính quyền. Hiện nay, Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp chỉ làm ở góc độ hành chính tại một số cơ quan chứ không có chiều sâu, không có bộ máy để làm toàn diện.

 

* Ý ông là cùng với Bộ Tư pháp, cần có thêm VKSND tham gia “gác cửa” việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

 

- Việc giám sát này nên giao thêm cho VKSND Tối cao vì VKS là bộ máy độc lập do QH tổ chức ra, độc lập với bên hành pháp. Bộ máy VKS độc lập theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Chính vì có sự độc lập nên sẽ khách quan hơn. Ngành kiểm sát có hệ thống, có nguồn nhân lực và có 50 năm kinh nghiệm về tổ chức hoạt động này rồi. Vậy tại sao không sử dụng mà lại nghĩ ra một cơ chế khác làm gì.

 

Theo tôi, phải đưa lại về cho ngành kiểm sát chức năng kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật. Ngành kiểm sát sẽ kiến nghị, yêu cầu bãi bỏ hoặc đình chỉ văn bản đó. Như vậy, vừa đồng thời chấn chỉnh sai sót vừa ngăn ngừa nguy cơ lợi ích nhóm, ngăn ngừa những sai phạm tiêu cực khác. Hai là, phải giao cho kiểm sát xử lý các vi phạm hành chính, kiểm soát những vi phạm hành chính. Chính lĩnh vực này rất có nguy cơ bỏ lọt tội phạm song lại hầu như bỏ trống. 

 

* Ông có thể nêu trường hợp điển hình?

 

- Như Nghị định 71 vừa qua chưa đúng quy định pháp luật. Vì cơ quan xây dựng đồng nhất quyền dân sự của người dân với vi phạm luật lệ giao thông. Hơn nữa, một văn bản ban hành ra phải có thời kỳ quá độ. Giống như một cỗ máy, một người đang chạy không tự nhiên dừng được.

 

 

 

Nó phải có một thời hạn để chuyển đổi. Bên cạnh đó, việc tính thuế trước bạ mà tính trên đầu xe là không đúng, phải tính trên giá trị xe hiện hành. Có chiếc xe trị giá chỉ 1- 2 triệu đồng mà đóng thuế như xe trị giá vài chục triệu đồng là không đúng. Chính vì thế dân mới bức xúc, cần phải xem lại.

 

Việc sở hữu xe chính chủ còn là quyền dân sự. Một nhà, chồng đi xe của vợ, con đi xe của bố là rất tốt, hơn là việc trong gia đình mỗi người một cái xe cùng lúc ra đường. Việc này làm phức tạp thêm cuộc sống.

 

Không ủng hộ ghi tên cha mẹ lên CMND

Việc ghi tên cha mẹ lên CMND mẫu mới có một tác dụng nhất định về quản lý Nhà nước, đặc biệt là vấn đề an ninh trật tự, nhưng nó có ảnh hưởng tới nhân quyền. Ví dụ, khi con phạm tội, cha mẹ có làm gì đâu mà cứ bị đưa vào hồ sơ? Vấn đề là phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Cha mẹ, con cái là mặt huyết thống nhưng về mặt xã hội lại là chuyện khác. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo quy định pháp luật.

Không nên thấy cái lợi của Nhà nước mà đẩy phần khó cho người dân. Cái quan trọng nhất là Nhà nước phải tạo ra hành lang pháp lý trong khuôn khổ pháp luật, công dân được quyền làm tất cả những điều pháp luật không cấm.

 

Theo NLĐ

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516