Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2011), Phóng viên Tạp chí Giáo dục & Xã hội đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ảnh), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) về công tác chăm sóc sức khỏe, nhiệm vụ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam của VAVA.
Phóng viên (PV): - Thưa Thượng tướng, Thượng tướng có thể cho biết trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe đối với nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) đã được VAVA hỗ trợ, giúp đỡ như thế nào?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: - Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít hóa chất độc, 61% trong số đó là chất da cam chứa 366 kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam, gây hậu quả rất nghiêm trọng cho môi trường, sinh thái nước ta và sức khỏe con người Việt Nam. Đã có 4,8 triệu người bị phơi nhiễmCĐDC, 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ con, cháu… Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Với liều lượng 1 picogram (ppt, phần nghìn tỷ gram), dioxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản; vài chục nanogram (ng, phần tỷ gram) có thể lập tức gây chết người.
Theo danh mục của Bộ Y tế VN ban hành năm 2008, có tới 17 căn bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, đều là những bệnh khó chữa hoặc không chữa được.
Từ năm 2001 đến nay, đã có hơn 30 đề tài khoa học cấp Nhà nước trong Chương trình Quốc gia khắc phục hậu quả CĐDC được triển khai, phục vụ thiết thực cho việc tẩy độc môi trường, chăm sóc sức khỏe nạn nhân. VAVA đã phối hợp với Học viện Quân y, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Trung ương Huế… tiến hành điều tra, thống kê, lập hàng nghìn hồ sơ nạn nhân CĐDC thuộc nhiều đối tượng, nhiều thế hệ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học; tham gia soạn thảo Tiêu chí nạn nhân CĐDC; soạn thảo Đề cương Lượng giá thiệt hại đối với sức khỏe con người do hậu quả hóa học/dioxin…Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân. Tính đến tháng 12/2010, đã thu được gần 199 tỷ đồng để xây dựng 1.532 căn nhà tình nghĩa, 12 cơ sở bán trú, 3 trung tâm phục hồi chức năng (ở Thái Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu), hàng chục nghìn nạn nhân được khám, chữa bệnh miễn phí…
PV: - Đến nay công tác chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân CĐDC còn gặp những khó khăn nào?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: - Khó khăn nhất là nguồn kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động các trung tâm phục hồi chức năng cho nạn nhân. Một thống kê gần đây cho biết: 70% số gia đình nạn nhân CĐDC thuộc diện hộ đói và nghèo, 22% số gia đình có từ 3 nạn nhân trở lên, 30% nạn nhân sức khỏe kém hơn trước, 90% không có chuyên môn nghề nghiệp… Giải quyết những khó khăn đó cho nạn nhân phải cần đến sự quan tâm của cả xã hội, của mọi người dân. Ngoài ra, còn phải chú ý đến những điều kiện về phong tục, tập quán, về đặc điểm tâm lý, tình cảm của nạn nhân khi tham gia phục hồi sức khỏe ở cộng đồng hoặc ngay tại gia đình…
PV: -Thượng tướng có thể cho biết những kết quả bước đầu trong công cuộc đấu tranh đòi công lý đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: -Ngày 30/01/2004, VAVA và một số nguyên đơn Việt Nam gửi tới Tòa án sơ thẩm quận Brooklyn bang New York-Hoa Kỳ đơn kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Sau hơn 5 năm, qua 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và Tòa án tối cao liên bang, vụ kiện mới chỉ dừng ở giai đoạn tiền xét xử. Các cấp tòa án Mỹ đã từ chối, không thụ lý vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam, cho rằng đặc trưng của chất da cam là chất diệt cỏ, không thừa nhận chất da cam là chất độc hại đối với con người (!?).
Vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam tuy bị tòa án Mỹ từ chối thụ lý, nhưng đã giành được thắng lợi quan trọng về mặt xã hội, nhân văn. Vụ kiện đã vạch trần trước dư luận thế giới âm mưu che đậy tội ác của Mỹ trong việc tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở VN; làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở VN; thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, dư luận quốc tế và dư luận Mỹ, hình thành phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân VN.
PV: - Thời gian tới VAVA sẽ có những hành động gì để sớm đòi lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: - Vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ vẫn chưa thể chấm dứt vì nhiều căn cứ: thời hiệu khởi kiện không bị triệt tiêu; tư cách pháp lý của nguyên đơn Việt Nam đã được tòa án Mỹ thừa nhận… Đây là những tiền lệ tư pháp giúp các nguyên đơn VN có thể tiếp tục đấu tranh pháp lý đến cùng tại Mỹ để đòi công lý. Mặt khác, chúng ta cần tiếp tục vận động dư luận quốc tế, vận động không chỉ nhân dân mà trong cả chính giới Mỹ đồng tình, ủng hộ chúng ta trong cuộc đấu tranh đòi công lý này.
PV: - Thượng tướng đánh giá thế nào về chất lượng Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Vì nạn nhân chất độc da cam” vừa qua?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: - Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Vì nạn nhân chất độc da cam” vừa qua đã thu được kết quả hơn mong đợi cả về số lượng và chất lượng. Chỉ trong vòng 5 tháng, Ban tổ chức đã nhận được 172 tác phẩm của các nhạc sĩ, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế, làm cho Cuộc vận động có tính quần chúng rộng rãi, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Phần lớn tác phẩm được viết theo thể loại tình ca với cảm xúc sâu lắng, thiết tha, sẻ chia với nỗi đau không dễ nói thành lời. Một số tác phẩm mang tính hành khúc, thúc giục và kêu gọi cộng đồng hãy cùng nạn nhân CĐDC đấu tranh đòi công lý. Có tác phẩm được xây dựng rất công phu như một bản hợp xướng; có tác phẩm theo phong cách nhạc trẻ. Hầu hết tác phẩm đều mang đậm bản sắc âm nhạc dân tộc, phần nào tiếp cận với âm nhạc khu vực và quốc tế. Cuộc vận động đã kết thúc, nhưng sáng tác về vấn đề da cam không bao giờ dừng lại. Chúng tôi đã có kế hoạch phổ cập các tác phẩm hay trong Cuộc vận động vừa qua, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, “nâng con người lên, làm cho con người cao quý hơn” như mong muốn của các tác giả.
Xin cảm ơn Thượng tướng!
Lê Hữu Tiến ( thực hiện)