Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luậtVụ khởi tố vì chậm đăng ký kinh doanh: Cần đình chỉ ngay vụ án

Vụ khởi tố vì chậm đăng ký kinh doanh: Cần đình chỉ ngay vụ án

Thứ năm, 21 Tháng 4 2016 02:00
"Không có lý do gì một chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ muốn được tự do kinh doanh cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, điều này là quá vô lý. Việc hình sự hóa một hành vi hành chính là trái với quy định của pháp luật. Do đó, cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh cần phải đình chỉ ngay vụ án này”, LS Nguyễn Văn Hậu nhận định.

Liên quan vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán ăn “Xin chào” bị cơ quan điều tra huyện Bình Chánh khởi tố và truy tố tội “Kinh doanh trái phép” do chậm đăng ký kinh doanh. UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Công an TP.HCM và Viện KSND cùng cấp khẩn trương kiểm tra vụ việc và báo cáo trước ngày 30.4.

Có dấu hiệu lạm quyền

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, thốt lên: “Tôi quả thật bất ngờ khi đọc thông tin này. Theo tôi, có vẻ như cơ quan điều tra huyện Bình Chánh có dấu hiệu lạm quyền từ cách ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) cho đến việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hành vi kinh doanh hàng ăn, cà phê, nước giải khát, nhưng không xin giấy phép của ông Tấn”.

1461198419-khoi-to-vi-cham-dang-ky-kinh-doanh2-copy

Ông Nguyễn Văn Tấn (người đứng) trao đổi với báo chí

Theo vị luật sư, căn cứ điều 159 Bộ luật hình sự (BLHS) 1999 về tội “Kinh doanh trái phép”, hành vi kinh doanh “hàng ăn, cà phê, nước giải khát” nhưng chưa xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (CNĐKKD) của ông Tấn chưa đủ yếu tố cấu thành về mặt khách quan của tội phạm này, bởi ông Tấn chỉ bị xử phạt VPHC về hành vi này mới một lần duy nhất. Sau khi bị xử phạt, ông Tấn đã nhanh chóng xin giấy CNĐKKD và đã được cấp giấy thì không thể coi là tái phạm đối với hành vi này.

“Biên bản lần 2 chỉ xác định 2 lỗi mới là: sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại; sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm. Cơ quan điều tra không thể sử dụng biên bản này để cho rằng đây hành vi tái phạm của ông Tấn, rõ ràng đây là 2 vi phạm hoàn toàn khác nhau, không nên đánh đồng. Hơn thế, việc củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án còn quá nhiều khuất tất từ việc lập biên bản VPHC lần 1 rồi đến lần 2 như tại thời điểm lập biên bản vi phạm không có chữ ký của người làm chứng, nhưng trong hồ sơ lại có…”, luật sư Hậu phân tích.

1461198320-khoi-to-vi-cham-dang-ky-kinh-doanh

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM.

Cũng theo vị luật sư, Hiến pháp 2013 và Luật doanh nghiệp 2014 quy định rất rõ mọi cá nhân, tổ chức được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. “Vậy không có lý do gì một chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ muốn được tự do kinh doanh cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, điều này là quá vô lý. Việc hình sự hóa một hành vi hành chính là trái với quy định của pháp luật. Do đó, cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh cần phải đình chỉ ngay vụ án này”, luật sư Hậu đề nghị.

Biên bản lập không đúng thì quyết định phạt vô nghĩa

Về vấn đề không có mặt khi kiểm tra, nhưng trong biên bản vẫn có chữ ký sẽ bị xử lý thế nào? Luật sư Nguyễn Văn Hậu, giải thích: “Một trong các nguyên tắc lập biên bản xử lý VPHC là phải thực hiện kịp thời, cùng thời điểm, có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan. Tại thời điểm lập biên bản không có chữ ký người làm chứng, nhưng sau đó lại có thì cần phải xem lại giá trị pháp lý của biên bản vi phạm. Nếu biên bản được thực hiện không đúng quy định, thì quyết định xử phạt VPHC không có giá trị pháp lý. Những người tự ý ký vào biên bản mà không chứng kiến thì cần xem xét có dấu hiệu của hành vi vu khống hay không để xử lý theo đúng quy định pháp luật”.

“Khi kiểm tra chỉ có công an nhưng biên bản vẫn ghi phối hợp các đơn vị, điều này cho thấy đã có dấu hiệu làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu. Hành vi này tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, hoặc nếu có dấu hiệu hình sự thì có thể bị khởi tố về tội “Giả mạo trong công tác” theo điều 284 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009”, luật sư Hậu khẳng định.

Còn đối với căn cứ để khởi tố hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, luật sự Hậu cho biết tại khoản 2 điều 109 BLTTHS 2003 về “Quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc khởi tố vụ án hình sự” quy định: “Trong trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự (VAHS) của cơ quan điều tra, bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của CAND, QĐND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra…, không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố đó. Nếu quyết định không khởi tố VAHS của các cơ quan đó không có căn cứ, thì Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án”.

“Như phân tích ở trên, nếu cơ quan điều tra huyện Bình Chánh đã không có căn cứ để khởi tố hành vi không đăng ký kinh doanh của ông Tấn, thì Viện kiểm sát cùng cấp hoàn toàn có đủ thẩm quyền để hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án”, luật sư Hậu nói.

Theo Danviet.vn

 

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516