Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luậtÁn oan của 'nhân vật huyền thoại' Tạ Đình Đề

Án oan của 'nhân vật huyền thoại' Tạ Đình Đề

Thứ sáu, 29 Tháng 11 2013 02:05
Dù đã nghỉ hưu được 3 năm nhưng TS Dương Thanh Biểu, nguyên phó Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (viện KSNDTC) vẫn quan tâm đến những hoạt động của ngành.

35 năm gắn bó trong ngành, từng thụ lý những vụ án oan mà ông phải mất cả năm trời để chứng minh trái - phải. Ông bảo: "Qua mỗi vụ án, tôi luôn tự răn mình rằng, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải làm đúng lương tâm và trách nhiệm cao nhất, bởi vì đằng sau những trang hồ sơ vụ án, không chỉ là tội phạm mà còn là số phận của mỗi con người...”. Trong ký ức của ông, vụ án Tạ Đình Đề, một con người huyền thoại bị truy tố trước pháp luật khiến ông từng mất ăn, mất ngủ để giải oan.

Sự đổi vai kỳ diệu

Trò chuyện với chúng tôi TS. Dương Thanh Biểu vẫn rưng rưng cảm xúc khi kể về con người huyền thoại ấy. Thời đó, từ người già cho đến trẻ con, không ai là không biết Tạ Đình Đề, con người cả cuộc đời như một thiên tiểu thuyết.

Sở dĩ người ta gọi Tạ Đình Đề là con người huyền thoại bởi cuộc đời ông đã gắn với câu chuyện Tạ Đình Đề được kẻ địch cử đi ám sát Bác Hồ, nhưng được Bác cảm hóa rồi trở thành cận vệ cho Bác.

oan1

TS. Dương Thanh Biểu tâm sự: "Vui nhất là khi Tạ Đình Đề được thả tự do, người dân đã rất hoan hô, ủng hộ".

Chuyện kể rằng hôm ấy, Bác đã ngồi vào bàn ăn cơm nhưng chưa dùng vội mà quay sang nói với đồng chí bảo vệ thật to rằng cho Bác xin thêm đôi đũa và cái bát vì hôm nay Bác có khách. Dù ngạc nhiên nhưng đồng chí bảo vệ vẫn mang bát đũa ra đặt lên bàn và hỏi: "Thưa Bác, sao khách vẫn chưa đến à?". Bác điềm nhiên trả lời: "Vị khách đã đến lâu rồi nhưng các chú không biết để tiếp đón đấy thôi". Rồi Bác hướng mắt về phía buồng ngủ nói to: "Xin mời chú Tạ Đình Đề xuống xơi cơm với Bác!"...

Bỗng nhanh như chớp, một người từ tầng hai nhảy xuống đất, lách nhanh vào phòng ăn và đứng ngay trước mặt Bác. Các chiến sĩ bảo vệ thủ thế, sẵn sàng đối phó để bảo vệ Bác nhưng Bác khoát tay rồi mỉm cười thân thiện với vị khách đặc biệt: "Trông chú dạo này già dặn hơn trước nhiều, song có phần gầy và đen hơn lúc mới ra trường. Chắc chú vất vả lắm?"... Nhìn ánh mắt nhân từ, bao dung của Bác, vị khách lễ phép đáp: "Thưa Bác, trước hết cháu xin bày tỏ lòng khâm phục của cháu đối với Bác... Cháu xin hứa chấm dứt công việc của địch giao cho và xin phục tùng dưới sự điều hành, sai bảo của Bác". Cũng từ đó, Tạ Đình Đề trở thành người cận vệ trung thành của Bác - một trường hợp đổi vai kỳ diệu trong lịch sử nước ta.

Xin nói thêm, ở thời điểm xét xử vụ án Tạ Đình Đề, vụ Kiểm sát điều tra án an ninh (2C) vừa được tách ra từ Vụ 2B. Thời gian này, Vụ 2C được giao nhiệm vụ thụ lý kiểm sát điều tra vụ án Tạ Đình Đề phạm tội về tội an ninh. Ngày 15/9/1985, Tạ Đình Đề bị bắt giam, sau hơn 1 năm, cơ quan điều tra đề nghị viện KSNDTC gia hạn giam đặc biệt.

Lục lại tập hồ sơ đã cũ được TS. Dương Thanh Biểu lưu giữ cẩn thận, ông kể: Ngày 4/7/1975 Tạ Đình Đề đã từng bị bắt giam, truy tố, xét xử về tội Cố ý làm trái chế độ, tham ô và hối lộ. Tuy nhiên, khi xét xử, chủ tọa phiên tòa lúc đó là bà Phùng Lệ Trân đã phân tích sâu sắc và lần lượt bác bỏ thẳng thừng các lập luận của cáo trạng đã quy kết cho bị cáo. Khi Hội đồng xét xử quyết định Tạ Đình Đề không phạm tội và tuyên bố tha bổng ông tại phiên tòa thì hàng nghìn người dự khán đã vỗ tay nhiệt liệt.

Hôm đó, người thanh niên trẻ Dương Thanh Biểu cũng đến tham dự nhằm để bổ sung thêm kinh nghiệm cho mình. "Khi tòa tuyên án Tạ Đình Đề, một cảnh tượng xúc động hiện ra mà tôi chưa gặp lần nào trong đời: Rất nhiều người ào ào vào công kênh Tạ Đình Đề lên vai. Rất nhiều bó hoa tươi thắm tặng cho con người huyền thoại ấy. Những chiến sĩ công an trước đây khóa tay dẫn giải ông thì giờ mở còng và dẫn đầu mở lối cho ông ra với nhân dân, đồng đội, bạn bè và người thân... Tất cả như hòa trộn vào nhau như bản hòa ca chân thực chứa đựng nhiều cung bậc và âm hưởng của tình người...", ông bồi hồi nhớ lại.

Nhớ lại lúc cầm trong tay bộ hồ sơ Tạ Đình Đề bị truy tố về một tội an ninh, ông kể, khi ôm tập hồ sơ trên tay mà đồng chí Phan Xuân Bá, phó vụ trưởng giao nghiên cứu hồ sơ và đề xuất phê chuẩn theo đề nghị gia hạn giam đặc biệt của cơ quan an ninh điều tra, lòng ông trĩu nặng. Bởi vụ án gần 10 năm về trước, trong ông còn hiện hữu: "Lúc ấy, tôi không hiểu vì sao một vụ án nghiêm trọng, được huy động lực lượng điều tra và kiểm tra hùng hậu, các ngành chuẩn bị khá công phu, chu đáo nhưng rốt cuộc bản cáo trạng của VKSNDTC lại bị TAND thành phố Hà Nội bác bỏ một cách thẳng thừng như vậy? Sự bác bỏ đó nghe ra đầy thuyết phục, được dư luận nhân dân tham dự tại phiên tòa nhiệt liệt hoan nghênh".

Và sự băn khoăn trên đã giúp ông thấm thía một điều mà sau này khi đã trở thành cán bộ cao cấp của ngành cũng luôn luôn tâm niệm: Công tác điều tra, truy tố, xét xử một con người, nhất là người đó lại có ảnh hưởng trong xã hội phải hết sức thận trọng, khách quan và toàn diện.

oan2

Tạ Đình Đề, một nhân vật được ví như huyền thoại.

Bác bỏ "lệnh tạm giam đặc biệt"

Trở lại vụ án, khi nghiên cứu mấy tập hồ sơ vụ án Tạ Đình Đề dày cộm, có quá nhiều tài liệu khiến ông băn khoăn. Đặc biệt là những công văn báo cáo cấp trên hoặc trao đổi thông tin xoay quanh việc bắt Tạ Đình Đề, việc gia hạn tạm giam đặc biệt. "Không ít lần tôi tự nhủ, hãy cứng cỏi trong tư cách, bản lĩnh của cán bộ bảo vệ công lý". Ông nhớ lại cảm xúc đan xen về sự lựa chọn của người bảo vệ công lý và tình cảm con người trong quyết định báo cáo của mình.

Với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ông thấy hành vi lượm lặt ca dao hò vè có tính chất châm biếm của Tạ Đình Đề xuất phát từ động cơ bất mãn chứ không có ý thức chống đối chế độ, Nhà nước. Và theo bộ luật hình sự thì hành vi đó không phạm tội. Ông bảo, mặc dù đã được cấp trên yêu cầu "nghiên cứu thế nào, báo cáo như vậy" nhưng ông cảm thấy lo lắng khi báo cáo quan điểm vụ án này vì trong hồ sơ có những vị quyền cao, chức trọng đã khẳng định chắc nịch phải xử Tạ Đình Đề về tội chống đối chế độ. Do vậy, ông cũng không vội vàng gì và tiếp tục nghiên cứu hồ sơ.

Trải qua một thời gian nghiên cứu hồ sơ và chỉnh sửa chi tiết bản báo cáo, phân tích đúng sai về hành vi của Tạ Đình Đề, ngày 8/1/1987, Viện trưởng VKSNDTC lúc đó là ông Trần Lê đã có công văn trả lời bộ Công an về việc không cần thiết giam cũng như đưa Tạ Đình Đề ra truy tố, xét xử. Sau đó là hàng loạt báo cáo của VKSNDTC được gửi đi cũng như tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành, bởi quan điểm vẫn chưa thống nhất. Sau một thời gian dài, với những lập luận đầy cơ sở, ngày 7/12/1987, VKSNDTC đã quyết định trả tự do cho Tạ Đình Đề.

Sau 9 năm ngày mất của Tạ Đình Đề, (ông mất ngày 29/2/1998), căn cứ vào thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp và xây dựng đất nước của ông, ngày 11/5/2007 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng Tạ Đình Đề Huân chương Độc lập Hạng Ba. Tuy muộn nhưng cũng là một kết quả có hậu cho Tạ Đình Đề.

TS. Dương Thanh Biểu nói thêm: "Ông mất đi nhưng những huyền thoại về Tạ Đình Đề thì không bao giờ mất. Như trong điếu văn về ông mà thiếu tướng Văn Phác, nguyên chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Tây Tiến có đoạn: ...Anh Tạ Đình Đề ơi! Xin anh hãy yên nghỉ cùng với những chuyện như huyền thoại đẹp về anh...". 

Cái tâm giúp vượt qua mọi trở ngại

Tuy nhiên, ông vẫn giữ vững quan điểm ban đầu nhưng nghĩ đến việc báo cáo ông đã hơi run rồi. "Nếu lãnh đạo không đồng ý với mình thì không những sẽ kéo thêm những ngày tháng đau khổ cho Tạ Đình Đề mà mình còn bị đánh giá là hữu khuynh, không kiên quyết đấu tranh chống tội phạm. Nhiều lúc mệt mỏi quá, tôi chặc lưỡi hay cứ báo cáo đề xuất đề nghị của cơ quan điều tra, có khi lại hay cho mình. Nhưng cuối cùng, cái tâm con người giúp tôi vượt qua mọi trở ngại, tôi mạnh dạn đề xuất không cần thiết phải tiếp tục tạm giam bị can thêm nữa", ông nói.

Những ý kiến phân tích về vụ án của ông sau đó được phó vụ trưởng Phan Xuân Bá gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến quy kết cho ông có  tư tưởng hữu khuynh, không kiên quyết đấu tranh chống tội phạm...

Theo: Cao Tuân/ nguoiduatin.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516