Có những quy định xử phạt mà mới nghe qua đã thấy… “trời ơi”. Ví như quy định vợ chồng nếu mắng chửi nhau có thể bị phạt tới 1 triệu đồng trong Nghị định 167 vừa có hiệu lực từ ngày 28-12. Nghị định này còn nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính khác như ném đất đá vào nhà, không khơi thông cống rãnh, thả rông chó mèo... Nghị định 167 so với dự thảo đưa ra lấy ý kiến đã bỏ đi nhiều quy định còn “trên trời” hơn như vợ kiểm soát tiền chồng hay dọa ma trẻ con.
Trong lĩnh vực y tế có 2 nghị định xử phạt vi phạm hành chính cùng có hiệu lực từ ngày 31-12 cũng khiến dư luận phải băn khoăn rồi đây chúng sẽ “sống” ra sao trong thực tiễn. Điển hình là việc xử phạt hàng rong, bán thực phẩm ôi thiu… trong Nghị định 178. Cũng thuộc lĩnh vực y tế, Nghị định 176 lại thấy nhắc tới việc phạt nặng hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Nghị định này còn có quy định nghe rất “sướng tai” là nhận, môi giới hối lộ trong khám chữa bệnh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng. Song, vấn đề là quá khó để xác định đâu là “cảm ơn”, đâu là hành vi hối lộ bác sĩ.
Nhìn vào những quy định vừa mới và sắp có hiệu lực, người ta lại thêm một lần nữa ngán ngẩm nhớ lại những quy định thiếu tính khả thi, từng bị dư luận phản đối, buộc phải loại bỏ như xử phạt đến 5 triệu đồng đối với hành vi nghe điện thoại ở cây xăng, xử phạt xe không “chính chủ”, bán thịt trong vòng 8 giờ, số vòng hoa trong tang lễ cán bộ công chức…
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết để điều chỉnh những hành vi, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống nhằm giúp xã hội và cuộc sống tốt đẹp, chuẩn mực hơn. Song, để đạt được mục đích đó, những quy định này phải xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn cuộc sống và quan trọng nhất là phải có tính khả thi để một khi ban hành ra là người dân, xã hội tuyệt đối tuân theo, thực thi.
Việc ban hành những quy định không khả thi dẫn tới những hệ lụy khôn lường. Trong đó, nghiêm trọng nhất là khiến người dân, xã hội xem thường quy định của pháp luật. Lờn một cách phổ biến những quy định không nghiêm trọng dần dần có thể làm người dân không coi trọng, không biết “sợ” cả những quy định nghiêm trọng. Một khi pháp luật không còn thượng tôn, cho dù với những hành vi hay lỗi nhẹ, thì điều gì sẽ xảy ra với một nhà nước pháp quyền?
Muốn người dân không lờn luật thì trước hết cần buộc những cá nhân và cơ quan hữu trách không “lờn” trong việc soạn ra những văn bản pháp luật thiếu khả thi. Nói cách khác, phải chỉ rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tất cả những ai ra quy định “trời ơi” thì mới chặn được từ gốc mối nguy lờn quy định của luật pháp.
Theo: NLĐ