Đầu tư đường dài
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) có 180 chỉ tiêu dành cho các lớp không chuyên, nếu chưa tính 608 hồ sơ của TS các tỉnh gửi lên mà chỉ tính số hồ sơ dự tuyển trên địa bàn TPHCM thì tỉ lệ chọi đã là 1 chọi 19, cao hơn so với niên học trước. Năm nay tỉ lệ chọi của Trường Trần Đại Nghĩa lên đến 1 chọi 26,6. Ngoài ra, với tổng số 485 chỉ tiêu đào tạo 14 lớp chuyên, tỉ lệ chọi của Trường Lê Hồng Phong cũng ở mức 1 chọi 6,8, còn với Trường Trần Đại Nghĩa, tỉ lệ vào 8 lớp chuyên là 1 chọi 6.
Giữa tháng 5 vừa qua, Sở GDĐT Hà Nội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của hai trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và THPT chuyên Nguyễn Huệ. Theo đó, hai trường này sẽ tuyển 2 lớp chuyên ở các môn toán, vật lý, hóa học, tiếng Anh. Các môn còn lại sẽ tuyển 1 lớp chuyên. Theo kế hoạch, hai trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và chuyên Nguyễn Huệ sẽ tuyển 1.192 HS, nay được điều chỉnh còn 1.120 HS, chia ra 32 lớp, mỗi lớp có 35 HS theo đúng điều lệ trường. Trong đó, Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam tuyển mới 595 HS, Trường chuyên Nguyễn Huệ tuyển mới 525 HS. Với việc giảm chỉ tiêu, cuộc đua vào hai trường chuyên này dự kiến là sẽ thêm căng thẳng.
Từ nửa tháng qua, các lớp luyện thi của trường Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa đều hoạt động hết công suất. Chị Ngọc Hương – một phụ huynh đang có con tham gia học luyện thi tại trung tâm của Trường Lê Hồng Phong chia sẻ: “Gia đình tôi ở Bình Dương, nhưng phải thu xếp đưa đón con đi học luyện thi vào trường chuyên tại TPHCM vì chúng tôi muốn đầu tư theo “đường dài”. Cho con vào học ở những trường chuyên ngay từ lớp 10 để cháu có đà học tốt ngay từ đầu, sau ba năm học ở cấp THPT đến khi thi đại học sẽ nhẹ nhàng và an toàn hơn. Việc học chia ra đều ở 3 năm sẽ khiến con không bị quá tải khi “nước tới chân mới nhảy” ở năm lớp 12”.
Tuy nhiên, ở vị trí người quản lý, Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong - thầy Võ Anh Dũng - phân tích: Việc nhiều phụ huynh đổ xô cho con luyện thi tại các trung tâm bồi dưỡng của trường chuyên Lê Hồng Phong hay Trần Đại Nghĩa với hy vọng thi ở đâu luyện ở đó cho chắc là sai lầm. Bởi đề thi cũng như việc chấm thi vào các trường chuyên đều do sở đảm trách và thống nhất chung chứ không phụ thuộc vào từng trường.
“Căng” lớp 6 để... đỡ lo lớp 10?
Ở đầu vào lớp 6, Trường Trần Đại Nghĩa cũng có tỉ lệ chọi rất cao và là trường duy nhất trên địa bàn TPHCM có đầu vào lớp 6 phải thi tuyển. Em Lý Gia Hân – một học sinh Trường Việt Mỹ - đang tham gia luyện thi tại Trường Trần Đại Nghĩa cho biết: “Ba mẹ khuyến khích em luyện thi để thi vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa vì trường có bề dày thành tích học tập. Và nếu theo trường này ngay từ cấp 2 và duy trì trình độ học giỏi liên tục, đến khi lên lớp 10 em sẽ đỡ căng thẳng đầu vào lớp 10 vì trường Trần Đại Nghĩa dạy đến lớp 12”.
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đã công bố thông tin về việc tuyển sinh lớp 6 năm học 2012 - 2013. Theo đó, trường chỉ có 200 chỉ tiêu cho 5 lớp 6 của trường. Trường cũng quy định điều kiện dự thi khá cao, theo đó, đối tượng dự thi là học sinh lớp 5 của các trường tiểu học Hà Nội, đã hoàn thành chương trình tiểu học có từ 4 năm trở lên ở cấp tiểu học xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt và có tổng điểm hai môn tiếng Việt và toán cuối học kỳ hai lớp 5 đạt từ 19,0 điểm trở lên. Học sinh không đủ điều kiện trên nếu có thành tích, năng khiếu đặc biệt được Hội đồng tuyển sinh của trường xét duyệt cho dự tuyển. Thí sinh có 3 ngày từ 6 - 8.6 để mua đơn và nộp lệ phí kiểm tra. Năm 2011, kỳ thi này thu hút trên 3.000 thí sinh với tỉ lệ chọi là 1/15.
Các lớp luyện thi vào trường chuyên lớp chọn do các trung tâm ở những trường phổ thông khác cũng có hàng ngàn HS theo học. Trong đó, có những lớp luyện thi cấp tốc sáng chiều và lịch học rất căng với 42 tiết/tuần và kéo dài liên tục 4 tuần đến sát kỳ thi. Còn với các lớp luyện thi thường, HS sẽ theo học 3 buổi/tuần, mỗi buổi từ 3 – 3,5 tiếng. Tuy nhiên, theo lời khuyên của thầy Võ Anh Dũng thì yếu tố quyết định là kiến thức của từng học sinh, luyện thi chỉ là hệ thống lại những kiến thức các em đã học trong chương trình chính khóa.
Việc thi tuyển vào trường chuyên, lớp chọn của ngành là tìm ra những HS có tố chất, kiến thức tốt hơn để từ đó có thể tiếp tục đào tạo, hỗ trợ cho các em phát triển hết năng khiếu của bản thân chứ không phải là cuộc đua “một mất một còn” cho mọi học sinh. Có thể nói, kiến thức và tố chất của từng HS mới là điều quyết định, chính vì thế phụ huynh cũng không nên quá ép buộc con em mình phải trở thành người ưu tú khi con em mình chỉ có tố chất của một người bình thường.
Theo Lao động