Tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông
Để bảo đảm sự ổn định ở các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống và không ảnh hưởng đến việc học tập, định hướng ôn tập của học sinh trong 3 năm học trung học phổ thông (theo ban và theo khối), Bộ GD&DT yêu cầu các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với mục tiêu đào tạo của từng ngành đào tạo.
Bổ sung cụm thi Hải Phòng do Trường đại học Hàng Hải làm Trưởng cụm thi
Ngoài tổ chức 3 cụm thi tại Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ như những năm trước, năm nay bổ sung thêm cụm thi Hải Phòng, do trường Đại học Hàng Hải làm trưởng cụm thi. Cụm thi Hải Phòng tổ chức thi cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hải phòng và tỉnh Quảng Ninh, có nguyện vọng học tại trường đại học Hàng Hải và các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thí sinh dự thi tại cụm Vinh được đăng ký học các trường đại học đóng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
Thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, có nguyện vọng học tại Trường đại học Vinh hoặc các trường đại học đóng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được dự thi tại cụm thi Vinh, do trường đại học Vinh làm trưởng cụm thi.
Cấp Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh
Thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp 02 Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường.
Thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường cao đẳng đã dự thi, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu (điểm sàn theo đề thi cao đẳng) theo quy định đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường cao đẳng tổ chức thi cấp 02 Giấy chứng nhận kết quả thi cao đẳng, có đóng dấu đỏ của trường.
Thí sinh sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng (theo quy định của từng trường) để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.
Các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển
Căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển, không hạn chế số đợt xét tuyển, không qui định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước, trên nguyên tắc: Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn (điểm sàn không nhân hệ số); bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11 hằng năm.
Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng khác điều kiện xét tuyển bổ sung, gồm:
- Hồ sơ đăng ký xét tuyển (ghi rõ nhận bản gốc hay bản sao Giấy chứng nhận kết quả thi);
- Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mỗi đợt;
- Thời gian công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển
- Thời gian nhập học;
- Chỉ tiêu cần xét tuyển; ngành và khối xét tuyển; mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; vùng tuyển, nguồn tuyển;...
Hàng năm, chậm nhất là ngày 31/12, các trường phải báo cáo về Bộ kết quả tuyển sinh, kết quả thực hiện chỉ tiêu của năm.
Điều chỉnh quy định tại Điều 33 của Quy chế tuyển sinh
Bỏ quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 33 của Quy chế tuyển sinh hiện hành:
“b) Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết;
c) Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao“.
Bổ sung quy định về chính sách ưu tiên đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo theo Quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo như sau:
Thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo từ 3 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học.
Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường qui định.
Bổ sung chế tài xử lý hành vi vi phạm Quy chế
Cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi sau đây:
Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường;
Xác định điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn;
Tuyển sinh những ngành chưa được giao nhiệm vụ mở ngành;
Xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu
(Theo gdtd.vn)