Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcASIAD 18: Dân 'quên' đồng áng vì 'hóng' tiền đền bù

ASIAD 18: Dân 'quên' đồng áng vì 'hóng' tiền đền bù

Thứ ba, 15 Tháng 4 2014 06:04
Những khu vực đã từng được quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ ASIAD, người dân vẫn "chắc như đinh đóng cột" tháng 9, hoặc tháng 10 Nhà nước sẽ thu hồi đất nông nghiệp.

Trong khi đó, việc Việt Nam có đăng cai ASIAD 18 hay không vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ phía Chính phủ.

Chờ tiền "tự nhiên" chui vào nhà

Đó là suy nghĩ của nhiều người dân huyện Đông Anh (Hà Nội) khi mà thông tin Nhà nước sẽ thu hồi đất để xây dựng khu Liên hợp thể thao, Làng Vận động viên để tổ chức ASIAD. Họ còn nói chắc, cán bộ địa phương đã thông báo tháng 9 hoặc tháng 10 năm 2014 Nhà nước sẽ thu hồi ruộng của nông dân và đền bù theo quy định.

Người làm nông nghiệp cho dù là ngoại thành Hà Nội thì thu nhập cũng không nhiều. Nay với 360m2 tương đương một sào Bắc Bộ người dân sẽ được trả 360 triệu đồng khiến nhiều người ngóng chờ và hy vọng. Anh Nguyễn Đình Phương (Đông Hội- Đông Anh- Hà Nội) cho biết: "Cuối năm nếu Nhà nước lấy ruộng thì gia đình tôi cũng được trả hơn 200 triệu đồng cho diện tích gia đình đang sử dụng.

Còn đất thì làm ruộng nhưng từ mấy năm nay với tâm lý Nhà nước sẽ lấy ruộng, nhiều người không còn mặn mà với cây lúa. Cấy lúa thì có hạt thóc để trong nhà nhưng tính ra vẫn lỗ. Đa phần người dân không trực tiếp làm ruộng nữa mà thuê người cày cấy, thu hoạch…".

Anh trang 16.4

Nếu Việt Nam đăng cai ASIAD, sân Vận động Mỹ Đình sẽ là địa điểm thi đấu chính. ảnh: T.L

Biết là cấy lúa tính tiền thuê và sản lượng lúa thu hoạch thấp thì người nông dân bị lỗ nhưng họ không dám bỏ ruộng hoang vì sợ bị thu lại ruộng. Nói như ông Nguyễn Phú Can, một nông dân lâu năm trước đây một sào ruộng, chăm sóc cẩn thận, thu hoạch 250-300kg thóc nhưng nay có nhà một sào ruộng chỉ đạt năng suất 80-100kg thóc. "Rõ ràng người dân không còn quan tâm đến đồng ruộng. Hầu như ai cũng muốn được nhận tiền đền bù để xây nhà, có tiền làm vốn kinh doanh", ông Can nói.

Thậm chí, khi người dân đi đóng tiền phí nông nghiệp (các loại phí liên quan đến thuỷ lợi, bảo vệ thực vật…) hết sổ để ghi, yêu cầu thay sổ thì cán bộ khẳng định: Cuối năm Nhà nước thu hồi đất ruộng rồi thay sổ làm gì cho phức tạp. Với tuyên bố ấy, người dân một số xã của Đông Anh, trên trục đường quốc lộ 5 kéo dài càng tin chỉ còn ruộng để cấy vụ mùa này là cuối cùng. Nhiều gia đình đã lên kế hoạch sử dụng đồng tiền được đền bù. Nhưng tất cả vẫn chỉ là "đếm cua trong lỗ".

Một điều bất ngờ, khi thông tin còn chưa rõ ràng thì tại các địa phương này đã xuất hiện dấu hiệu mua gom đất nông nghiệp của nông dân chờ đền bù. Trước đây, nhà nào muốn bán đất nông nghiệp những kẻ đầu cơ mua 80 triệu đồng/sào. ở thời điểm "sốt" đất ngoại thành lên đến đỉnh, có "nhà đầu cơ" tại Hà Nội sang đã trả giá 720 triệu đồng/sào với loại đất 5%.

Hiện nay với diện tích đã mua, "nhà đầu cơ" lỗ một nửa bởi thực tế "dòng chảy ngầm" mua bán đất nông nghiệp hiện nay chỉ là 360 triệu đồng/sào, bằng với mức giá đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Với mức giá này, nhiều người có tiền ngay tại địa phương đã mua đất để đầu cơ cho dù rất mù mờ về chính sách.

Đơn giản họ cho rằng, mua đất bằng mức giá đền bù của Nhà nước không sợ lỗ, còn nếu sau này được chuyển đổi mục đích sử dụng đất 5% sẽ lãi to. Thậm chí, có nhiều người còn truyền tai nhau mua đất nông nghiệp để "chạy" sổ đỏ thành đất thổ cư.

Sang các xã Đông Hội, Xuân Trạch (Đông Anh-Hà Nội), nơi có quy hoạch hai dự án Sân đua xe đạp lòng chảo và Khu liên hợp thể thao Xuân Trạch - Hà Nội chỉ nghe đến chuyện thu hồi đất ruộng và mức đền bù. Trước đây, trong đề án của bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), khu vực này sẽ có dự án kết hợp cùng khách sạn 5 sao, trung tâm dịch vụ thương mại do nước ngoài đầu tư 500 triệu USD nếu được Chính phủ đồng thuận.

Người dân cần có thông tin chính xác

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh cuối tuần qua đã đích thân chủ trì cuộc họp chỉnh sửa kế hoạch chuẩn bị cho ASIAD trước khi báo cáo lên Thủ tướng. So với dự kiến trước đây, kế hoạch đã có sự thay đổi 180 độ.

Theo đó, PV được biết, dự án xây mới khu Liên hợp thể thao Xuân Trạch- Đông Anh sẽ không còn nằm trong các công trình xây mới phục vụ ASIAD. Vậy nhưng, nguồn tin từ cán bộ địa phương vẫn khẳng định Nhà nước vẫn thu hồi đất nông nghiệp. Vì khu Liên hợp thể thao Xuân Trạch - Đông Anh là một bộ phận của quy hoạch phát triển Thể dục Thể thao thành phố Hà Nội đến 2020, định hướng 2030 đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua ngày 6/12/2013. Chủ đầu tư là UBND thành phố Hà Nội không phải Chính phủ, sẽ không phụ thuộc vào việc có tham gia Đại hội thể thao châu á 2019 hay không.

Nhìn nhận thực tế này, bà Nguyễn Thị Khá, thành viên Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội khẳng định: "Chính phủ cũng như UBND thành phố Hà Nội cần sớm có những thông tin chính xác về việc đăng cai hay không đăng cai ASIAD. Hơn nữa, việc thu hồi đất khu vực nào để xây dựng những công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, dân sinh đều có trong bản đồ quy hoạch đất đai. Do đó cần công khai để người dân biết. Như thế họ mới yên tâm sản xuất và đầu tư lâu dài nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn".                                             

Chưa báo cáo Thủ tướng về ASIAD

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, một Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết: "Hiện nay chưa có lịch báo cáo về vấn đề đăng cai Asiad lên Thủ tướng Chính phủ trong tuần này. Trong tuần này, chắc Bộ cũng chưa báo cáo được Thủ tướng". Như vậy, lời hẹn tuần này sẽ có quyết định chính thức Việt Nam có đăng cai ASIAD lại phải lùi lại. 

Theo NDT

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516