Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcBàn thảo nhiều vấn đề "nóng“ trong thi và tuyển sinh 2013

Bàn thảo nhiều vấn đề "nóng“ trong thi và tuyển sinh 2013

Thứ tư, 23 Tháng 1 2013 01:42
Nhiều vấn đề "nóng“ được dư luận quan tâm liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN như lệ phí dự thi, đề thi, điểm sàn, chỉ tiêu tuyển sinh, những vật dụng được mang vào phòng thi, thời gian xét tuyển, chấm thẩm định bài thi ... đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013 Bộ GD&ĐT tổ chức chiều nay (22/1). Hội nghị diễn ra tại 6 điểm cầu trên cả nước dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

ban thao1

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

 

Những băn khoăn về chỉ tiêu, điểm sàn, lệ phí, máy quay – ghi âm...


Thẳng thắn nhận định đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, công tác coi thi vẫn là một trong những khâu yếu kém nhất, giám thị ở một số phòng thi chưa làm tròn chức trách, thiếu nghiêm túc hoặc non kém về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, để thí sinh quay cóp, chép bài của nhau, mang tài liệu vào phòng thi để gian lận, dẫn đến nhiều thí sinh làm bài thi giống nhau, trong đó, có những nội dung sai giống nhau. Từ đó, năm 2013, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác, để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi.

Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đa số các đại biểu tham dự hội nghị. Nhiều đại biểu băn khoăn vì quy định này khiến các trường gặp khó khăn, tạo áp lực lớn cho giám thị. Một số trường đề nghị bỏ quy định này. Tuy nhiên, việc ghi hình đối với các trường khối nghệ thuật nhằm mục đích phục vụ cho chấm phúc tra nhận được đồng tình cao.

Đưa vấn đề nhiều trường ĐH, CĐ năm 2012 tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đặc biệt là những trường ngoài công lập, một số đại biểu cho rằng nguyên nhân là do điểm sàn, thời điểm xét tuyển quá dài. Từ đó, đưa ra đề xuất nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn; xác định điểm sàn theo từng khu vực. Cũng có ý kiến cho rằng, những trường trọng điểm nên có mức điểm sàn cao hơn.

Điệp khúc lệ phí tuyển sinh thấp, các trường phải bù lỗ cũng được lặp lại tại hội nghị tuyển sinh năm nay. Các trường cho rằng, lệ phí tuyển sinh đã nhiều năm không thay đổi, gây khó khăn lớn cho các trường, đặc biệt là các cụm thi quốc gia, từ đó đề nghị tăng lệ phí tuyển sinh. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm Nghiệp Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thông thường qua mỗi kỳ tuyển sinh ĐH, trường phải bù lỗ từ 30 đến 40%, năm 2012, con số lỗ trường phải bù lên tới 600 triệu đồng. Cũng liên quan đến vấn đề kinh phí, đại diện sở GD&ĐT Thái Bình đưa ra thực trạng, thông tư 66 quy định về chế độ chi trả cho công tác coi thi, chấm thi.. chỉ khống chế mức tối đa, không có mức tối thiểu nên mỗi tỉnh vận dụng một khác. Kẽ hở này khiến nhiều tỉnh quy định mức chi cho hoạt động này rất thấp.

Bên cạnh những vấn đề trên, các đại biểu cũng bày tỏ những băn khoăn liên quan đến việc chấm thẩm định, thời gian xét tuyển, giấy báo điểm thi… Các đại biểu đề nghị Bộ phát hành sớm cuốn những điều cần biết; cân nhắc thay đổi quy định điểm về điểm xét tuyển; ban hành hướng dẫn sớm, cụ thể đối với việc tuyển sinh đặc thù đối với các trường khối văn hóa – nghệ thuật…; đề xuất bổ sung thêm đối tượng ưu tiên là công an, quân đội; kiến nghị không tính đối tượng dự bị dân tộc vào chỉ tiêu chính thức của nhà trường…

ban thao2

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn

Khuyến khích tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ không tháo khoán; kiên quyết làm trong sạch trường thi

Chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, theo Luật giáo dục ĐH, các trường có quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên Bộ sẽ không làm theo kiểu tháo khoán. Các trường lập phương án, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo tự chủ tuyển sinh Bộ sẽ phê duyệt.

Vấn đề chỉ tiêu cử tuyển giao cho nhà trường, Bộ trưởng đề nghị không tính vào chỉ tiêu dựa trên định mức giảng viên, đất đai và cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và Bộ cảm ơn các trường đã chia sẻ trách nhiệm này.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng dành khá nhiều thời gian bày tỏ ý kiến cá nhân liên quan đến việc mang theo thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Bộ trưởng cho rằng, đây không phải sáng kiến của Bộ mà là vấn đề của thực tiễn phát sinh. “Chúng ta quy định không mang các thiết bị này vào nhưng các thí sinh vẫn mang vào và đưa lên mạng gây hậy quả rất lớn. Đây không phải chuyện vẽ đường cho hưu chạy hay làm khó chúng ta mà là việc chúng ta phải đối diện với thực tiễn, phải thích ứng với môi trường GD-ĐT với các thiết bị khoa học kỹ thuật rất phát triển. Việc cách ly khu vực sẽ là rất tốt nếu các lực lượng của chúng ta như giám thị, thanh tra, lực lượng công an thực sự trung thực, nghiêm túc. Nhưng sẽ là nối giáo cho giặc nếu nội bộ chúng ta có kẻ vi phạm. Sự việc Đồi Ngô nếu không phải học sinh thì ai sẽ phát hiện được? Chúng ta không bắt buộc học sinh mang thiết bị vào và thực tế phần lớn các cháu sẽ không mang vào phòng thi những thiết bị này; nhưng nếu học sinh nào không bằng lòng với hiện tượng tiêu cực trong giáo dục thì chúng ta phải sẵn sàng đón nhận. Điều đó buộc các lực lượng tham gia kỳ thi phải thực hiện nghiêm túc” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định: Năm nay, lãnh đạo Bộ sẽ kiến quyết làm việc này để cho xã hội thấy rằng sau cánh cửa cổng trường thi không hoàn toàn cô lập mà xã hội có thể giám sát đuợc. Quy định này sẽ làm tính nghiêm túc của kỳ thi được nâng lên, và đặc biệt sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người coi thi, buộc họ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm – đó chính là điều Bộ nhắm tới chứ không phải để khuyến khích thí sinh mang máy ghi âm, máy quay vào phòng thi.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Tài chính nâng mức lệ phí thi lên 100 nghìn/hồ sơ, tăng 20 nghìn so với trước. Về vấn đề điểm sàn, Thứ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn, ví dụ như có thể xác định theo phổ điểm của từng môn và lấy trung bình chung của các môn thi, đồng thời đề nghị các trường có những sáng kiến để xác định điểm sàn có tính thuyết phục nhất. Bộ cũng đang cố gắng ra đề thi cho phù hợp. Vấn đề xác định điểm xét tuyển nguyện vọng sau không nên thấp hơn nguyện vọng trước như đề nghị của một số trường, Bộ sẽ xem xét, trao đổi thêm. Riêng với vi phạm trong chấm thi, Thứ trưởng nhấn mạnh, nếu sau chấm thẩm định phát hiện vi phạm, Bộ sẽ xử lý nghiêm hơn và công bố công khai...

Theo gdtd.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516