Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcBắt đầu cấp mã số cá nhân cho người dân từ năm 2016

Bắt đầu cấp mã số cá nhân cho người dân từ năm 2016

Thứ sáu, 21 Tháng 3 2014 02:55
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, từ năm 2016 sẽ nhập thông tin công dân để lập, cấp số định danh cho mỗi người.Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, từ năm 2016 sẽ nhập thông tin công dân để lập, cấp số định danh cho mỗi người.

Kế hoạch triển khai thực hiện đề án nêu rõ, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Luật hộ tịch và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2014, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2014.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng ban Ban chỉ đạo 896 - Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

Bộ Công an chủ trì xây dựng Dự án Luật căn cước công dân; Dự thảo Nghị định về cấp, quản lý và sử dụng số định danh cá nhân; Dự thảo Nghị định sửa đổi về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự thảo Nghị định về cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Luật Hộ tịch quy định việc lập, cấp số định danh cá nhân để xây dựng được sơ sở dữ liệu dùng chung cho các bộ, ngành, cơ quan. Còn luật Căn cước công dân quy định việc cấp thẻ căn cước công dân với bộ mã 12 số trùng với số định danh cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, tiến tới áp dụng thẻ điện tử phục vụ các giao dịch của người dân.

ma so dinh danh

Ảnh minh họa.

Theo đó, kế hoạch xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bắt đầu từ tháng 4/2014. Từ thời điểm này đến quý III/2015 Bộ Công an sẽ chủ trì thực hiện các thủ tục bảo đảm cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu này.

Công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, UBND các cấp, các Bộ, ngành và cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện từ tháng 6/2015 đến quý I/2016.

Từ tháng 3/2014 đến tháng 6/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì nghiên cứu lựa chọn Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương.

Trong năm 2015, tháng 10, Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp với Bộ Công an triển khai công tác nhập dữ liệu về dân cư, cấp số định danh cá nhân cho công dân ở các địa phương.

Việc lập, cấp mã số định danh cá nhân, theo kế hoạch, từ năm 2016, cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp với cơ quan Công an thực hiện nhập thông tin cho công dân đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016 vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác lập thông tin về công dân và số định danh cá nhân, cấp số định danh cá nhân cho công dân từ khi đăng ký khai sinh.

Trong khoảng 4 năm (2016 – 2020), cơ quan Công an cũng thực hiện việc nhập thông tin công dân để xác lập số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân đăng ký khai sinh trước ngày 1/1/2016.

Cũng từ thời điểm bắt đầu năm 2016, các Bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân nhằm giảm thiểu giấy tờ công dân phải xuất trình/nộp bản sao/nộp bản sao có chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính.

Theo đó, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện một cửa hiện đại để khai thác, sử dụng thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp, việc cung cấp số định danh cá nhân thay cho việc phải khai các thông tin cá nhân, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian điền thông tin, ước tính khoảng trên 461 tỷ đồng/năm. Nếu trừ đi các khoản chi phí tại 4 cấp chính quyền trong các giao dịch hành chính thì mới có thể tiết kiệm được tối thiểu là gần 2.500 tỷ đồng.

Theo thống kê, hiện nay trong số 5.400 thủ tục hành chính các loại thì có tới 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân liên quan tới giấy tờ của công dân. Với quy mô dân số lên tới gần 90 triệu, số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện hàng năm trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Phần lớn thủ tục hành chính đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao, trong khi mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ.

 

Theo Nguoiduatin

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516