Kyo York đã từng học ở Đại học Marymount Manhattan, tốt nghiệp và làm việc tại Công ty Apple tại thành phố New York, Mỹ. Trong chuyến đào tạo kỹ năng giao tiếp trên tàu biển năm 2007 dành cho những sinh viên cuối khóa, Kyo đã đến Việt Nam trên một chiếc tàu cập bến cảng Nhà Rồng tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuối năm 2009, Kyo đã trở lại Việt Nam trong một dự án đào tạo tiếng Anh tại Hậu Giang. Trong lúc làm việc, Kyo gắn bó với miền Tây sông nước và thích văn hóa cũng như con người Việt Nam.
Chàng Tây chê sinh viên Việt thụ động, không có định hướng
Kyo York được biết đến ở Việt Nam và chiếm được tình cảm khán giả như một người “bạn Tây” gần gũi, đáng yêu. Anh luôn cho thấy sự yêu thích, hòa nhập vào văn hóa Việt Nam khi chọn nơi đây là quê hương thứ hai. Sau một số chương trình truyền hình như Đồ Rê Mí, Gương mặt thân quen... Kyo York là gương mặt khá quen thuộc và được giới trẻ Việt yêu thích
Trong clip "Sinh viên Việt Nam thực hiện mơ ước như thế nào", Kyo York thẳng thắn chỉ ra những yếu điểm của sinh viên Việt như lười biếng, thụ động và thiếu sáng tạo. Anh so sánh sinh viên Việt với sinh viên Mỹ và thấy rằng sinh viên Mỹ mạnh dạn chia sẻ kiến thức, chịu khó cọ xát thực tế để làm quen với nghề nghiệp, hoàn thành mục tiêu bằng tất cả khả năng của mình còn sinh viên Việt thì ngược lại.
Trích dẫn nguyên văn lời của Kyo:
Có một thực tế như thế này, trong suốt 4 năm Kyo ở Việt Nam, Kyo có nhận thấy một điều rất kỳ lạ đó chính là Việt Nam đang tồn tại một bộ phận các bạn sinh viên khá là lười biếng, thụ động và rất thiếu sáng tạo.
Kyo đến Việt Nam vào năm 2009 và đã đi dạy ở một số trường ở thành phố HCM và cũng như ở miền Tây.
Mỗi khi hỏi một vấn đề nào trên lớp, các bạn SV Việt Nam tỏ vẻ mình rất lúng túng không biết trả lời sao và rất thiếu tự tin. Điều này hoàn toàn khác hẳn so với một lớp bên Mỹ.
Đến một lớp ở bên Mỹ, không khí rất sôi nổi. Ai cũng chia sẻ, ai cũng đóng góp và cho ý kiến. Chính vì điều đó, họ rất tự tin mỗi khi trình bày trước một đám đông.
Các bạn sinh viên Việt Nam ngày nay có quá nhiều thú vui cá nhân, họ thiếu mục đích khi đi học, họ mơ mộng viển vông và mỗi lần Kyo hỏi: “Em ơi, em muốn làm gì sau này", Kyo nhận được rất nhiều trả lời thú vị các bạn sinh viên Việt Nam như: ước mơ trở thành người nổi tiếng, trở thành đại gia, kiếm được triệu đô và xài đồ hiệu thoải mái.
Ước mơ thì nhiều, thực hiện thì chẳng được bao nhiêu, sự thật là như vậy. Kyo cảm giác như là các bạn sinh viên Việt Nam không biết làm cách nào để thực hiện ước mơ của mình từng bước mà họ thiếu ý thức trong việc học tập và họ bay bổng theo những gì phi thực tế,
Ở Mỹ thì khác, ở bên Mỹ các bạn sinh viên họ có định hướng nghề nghiệp, học thực tập mỗi mùa hè, họ khám phá và lấy những gì học trên lớp và họ cố gắng đến với thành công chính vì nỗ lực của họ.
Kyo cảm thấy ở Việt Nam dường như các bạn sinh viên thiếu đam mê, không biết bằng cách nào để đến với đam mê của mình, đây là một điều rất đáng buồn.
Sinh viên Việt Nam sẽ thua sinh viên quốc tế tại vì Kyo tin chắc rằng sinh viên quốc tế ngày càng khẳng định bản thân trong khi đó mình đang dậm chân một chỗ.
Mong rằng sinh viên Việt Nam sẽ thay đổi một cách tích cực và ngày càng hội nhập với sinh viên toàn cầu: năng động, hiện đại và tràn đầy đam mê.
Theo GDVN