Hiện vốn điều lệ của EVN tại thời điểm 31/12/2012 là 143.404 tỉ đồng (khoảng 7 tỉ USD). Nghị định mới này nêu mục tiêu kinh doanh của EVN là có lãi; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao, giữ vai trò trung tâm để phát triển EVN thành tập đoàn đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước chi phối…
Dự thảo nghị định cũng nêu rõ, Tổng giám đốc EVN sẽ do Bộ Công thương bổ nhiệm. Bộ Công thương sẽ miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Tổng giám đốc EVN nếu để EVN lỗ hai năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (do chủ sở hữu giao trong hai năm liên tiếp) hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được (trừ các trường hợp như lỗ theo kế hoạch, lỗ có lý do khách quan được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận…).
Đặc biệt, trường hợp để EVN lâm vào tình trạng thua lỗ không giải trình được kể trên thì tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả, không những chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN không chỉ bị kỷ luật, miễn nhiệm mà còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định. Tuy nhiên, hội đồng thành viên EVN cũng có nhiều quyền lực, nhất là sẽ được quyền thực hiện việc điều chỉnh giá mua bán điện theo thẩm quyền trong khung giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Trước đó theo dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước thay thế Nghị định 101 năm 2009 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, nếu trong 2 năm liên tiếp để Công ty mẹ bị lỗ, tổng giám đốc tập đoàn sẽ bị mất chức.
Dự thảo Nghị định này cũng đề xuất, việc bãi nhiệm này sẽ được thực hiện nếu Công ty không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giao trong 2 năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc vẫn “né” được quyết định này nếu lỗ hoặc giảm ROE đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc lỗ theo kế hoạch do đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ; lỗ hoặc giảm ROE có lý do khách quan được giải trình và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Ngoài ra, Tổng giám đốc cũng bị miễn nhiệm nếu để Công ty mẹ lâm vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản theo quy định của pháp Luật về phá sản; hoặc không hoàn thành các nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu do Hội đồng thành viên giao, vi phạm nhiều lần và có hệ thống nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên…
Tại dự thảo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Điều lệ của Công ty mẹ phải quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện trở thành Tổng giám đốc. Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc không quá 5 năm.
Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của Công ty theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên phù hợp với Điều lệ công ty mẹ; chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên và trước pháp Luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
Theo: GDVN