Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự chương trình
Đọc diễn văn tại buổi gặp mặt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp tục xây dựng và tăng cường niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh. “Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành toàn thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp và là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc". Với vị trí điểm đầu vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa là nhịp cầu nối giữa chiến trường Bắc bộ và Bình - Trị - Thiên, là địa bàn tiếp giáp với Tây Bắc, Thượng Lào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của chiến dịch.
Hàng trăm chiến sĩ Điện Biên Phủ có mặt trong buổi gặp mặt
Tính chung trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công với tổng số dân công lên đến 178.924 người và 27 triệu ngày công; hơn 3.500 xe đạp thồ được huy động lên đến gần 16.000 lượt vận chuyển, 1.126 chiếc thuyền, đặc biệt có cả 31 chiếc ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên với 9.000 nghìn tấn gạo chiếm 56% và 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch. Những đóng góp này là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu” không chỉ vì chiến thắng oanh liệt trên chiến trường, của những cuộc đối đầu tưởng như không cân sức giữa một bên là thực dân hùng mạnh với trang bị vũ khí hiện đại và một bên là lực lượng quân dân với trang bị vũ khí thô sơ; càng không chỉ “chấn động địa cầu” bởi chiến thắng quân sự, chính trị, ngoại giao với việc chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta và buộc chúng phải ký Hiệp định Genève (20/7/1954); mà quan trọng hơn đó là vì những kỳ tích được tạo nên bởi những con người bình dị, quả cảm, kiên trung, anh hùng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh chân lý, không có pháo đài nào không thể công phá, chỉ có lòng dân và tinh thần dân tộc là bất khả xâm phạm.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa, Trung ương Đảng, Chính phủ đã tặng cờ thi đua khá nhất; nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào tháng 6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: "Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp nhân dân đều tỏ ra đoàn kết, tham gia kháng chiến. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
P.V