Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcCán bộ ngân hàng tiếp tay lừa đảo

Cán bộ ngân hàng tiếp tay lừa đảo

Thứ tư, 26 Tháng 6 2013 01:43
Bằng những bộ hồ sơ giả và có “tay trong”, một số đối tượng đã chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của các ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, TMCP Phương Đông và Nam Á

Công an tỉnh Đắk Nông vừa hoàn tất điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại các ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB Đắk Lắk - Đắk Nông), TMCP Phương Đông và Nam Á.

Dễ dàng vay hàng ngàn tỉ đồng

Trong đó, nhóm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gồm: Cao Bạch Mai, Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật; Trần Thị Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân; Đặng Thị Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Ngân và Nguyễn Thị Vân, Chủ nhiệm HTX Sông Cầu (đều ở tỉnh Đắk Nông); Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty Phát Long (tỉnh Đắk Lắk) và Nguyễn Văn Khánh, “cò” tín dụng ở TP HCM.
ngan hang1
Cây xăng Minh Nhật bị niêm phong sau khi cơ quan điều tra vào cuộc
 
Nhóm tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gồm: Vũ Việt Hùng, nguyên giám đốc VDB Đắk Lắk - Đắk Nông; Trần Xuân Lộc, nguyên trưởng Phòng Tín dụng xuất khẩu VDB Đắk Lắk - Đắk Nông và Nguyễn Thị Hồng Liên, nguyên cán bộ tín dụng VDB Đắk Lắk - Đắk Nông; Lâm Hữu Hạnh, nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông; Võ Tiến Đạt, nguyên giám đốc Sở Giao dịch TP HCM Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tạ Thị Xuân Ý, nguyên cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Phương Đông; Trương Đình Hải, nguyên giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á chi nhánh Hà Nội.
ngan hang2
Trụ sở Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, nơi có hàng loạt
cán bộ sai phạm trong việc cho vay vốn. Ảnh: CAO NGUYÊN

Năm 2008, biết được chính sách vốn tín dụng cho vay phục vụ xuất khẩu tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông có lãi suất thấp, Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân và Nguyễn Thị Kim Loan đã bàn bạc cách vay vốn. Sau đó, các đối tượng này đã đưa cho Từ Đại Hùng 100 triệu đồng để Hùng thành lập Công ty Quan Heng (ở Trung Quốc). Với tư cách pháp nhân này, Hùng đã ký, đóng dấu vào hàng trăm tờ giấy khổ A4 không có nội dung rồi chuyển cho Mai để làm hợp đồng xuất khẩu nông sản cho Công ty TNHH Minh Nhật. Một số khác, Mai bán lại cho Trần Thị Xuân với giá 20 triệu đồng/tờ để Xuân làm hợp đồng xuất khẩu cho Công ty TNHH Nhật Tân.

Sau khi có hợp đồng xuất khẩu, các đối tượng đã lập khống bảng kê thu mua nông sản của dân, làm giả hóa đơn GTGT bằng thủ đoạn photocopy, dán số liệu và chi hàng tỉ đồng cho một đối tượng ở Móng Cái làm giả tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu. Để có tài sản thế chấp (bằng 15% tổng dư nợ theo quy định), Mai và Xuân thông đồng với lãnh đạo VDB Đắk Lắk - Đắk Nông giải ngân tiền vay trước rồi rút tiền nộp lại chi nhánh này trong ngày. Riêng hàng hóa, lần đầu các đối tượng chỉ cho cán bộ tín dụng hàng hóa của đơn vị khác gửi, còn những hợp đồng sau, cán bộ tín dụng của VDB Đắk Lắk - Đắk Nông không đến kiểm tra mà lập khống biên bản. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn nhờ một số cán bộ VDB Đắk Lắk - Đắk Nông làm giúp báo cáo tài chính sai sự thật nhằm che giấu việc làm ăn thua lỗ, tiếp tục vay vốn đáo hạn. Tổng cộng, Cao Bạch Mai đã ký 70 hợp đồng xuất khẩu vay được 1.005 tỉ đồng, Trần Thị Xuân ký 64 hợp đồng xuất khẩu vay được 938,5 tỉ đồng tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông.

Cấu kết với thủ đoạn tinh vi

Sau khi cơ quan công an vào cuộc, biết không thể tiếp tục cho vay đáo hạn như những năm trước, cuối năm 2010, Vũ Việt Hùng đã ký khống vào các hợp đồng tiền gửi tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông, ký khống các thông báo hạn mức cho vay để các đối tượng trên làm cơ sở vay vốn ngân hàng.

Với sự giúp sức của Trương Đình Hải, Nguyễn Thị Vân đã dùng hồ sơ giả vay 50 tỉ đồng của Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội, số tiền này được chuyển vào tài khoản HTX Sông Cầu tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông để làm vốn đối ứng nhằm vay tiếp. Vân cam kết không sử dụng tiền mà để Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội phong tỏa tài khoản này, khi hết hạn hợp đồng sẽ chuyển trả về nơi cho vay. Vũ Việt Hùng cũng đã ký cam kết đồng ý cho Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội phong tỏa tài khoản tiền gửi của Vân tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông.

Tuy nhiên, khi tiền vừa chuyển về thì Vân đã ký ủy nhiệm chi cho Hùng chuyển đến tài khoản của VDB Đắk Lắk - Đắk Nông để thu nợ quá hạn trước đó của HTX Sông Cầu. Khi bị Trương Đình Hải phát hiện và không cho vay tiếp, Nguyễn Thị Vân, Trần Thị Xuân, Cao Bạch Mai, Nguyễn Thị Kim Loan, Đặng Thị Ngân tìm đến Sở Giao dịch TP HCM của Ngân hàng Phương Đông để tiếp tục lừa đảo. Với thủ đoạn tương tự, Vũ Việt Hùng cùng với cán bộ Ngân hàng Phương Đông giúp sức cho các đối tượng này vay 530 tỉ đồng của Ngân hàng Phương Đông rồi chiếm đoạt và trả nợ quá hạn cho VDB Đắk Lắk - Đắk Nông…

Theo Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông, các đối tượng đã chiếm đoạt trên 1.058 tỉ đồng. Trong đó, VDB Đắk Lắk - Đắk Nông hơn 478 tỉ đồng, Sở Giao dịch TP HCM của Ngân hàng Phương Đông 530 tỉ đồng, Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội 50 tỉ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu hồi, phong tỏa được hơn 719 tỉ đồng.
 “Hoa hồng” gần trăm tỉ đồng

Tại cơ quan công an, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân khai nhận để được Vũ Việt Hùng giúp sức, Mai và Xuân phải chi cho Hùng 5% “hoa hồng” trên tổng số tiền vay mới và 3% trên tổng số tiền vay đáo hạn nợ. Ngoài ra, 2 đối tượng này còn chung tiền mua cho Hùng 1 ô tô trị giá 3,2 tỉ đồng. Để hợp thức hóa chiếc xe này, Hùng yêu cầu Mai nhờ người ở TP HCM đứng tên xe, sau đó viết giấy tặng cho con trai của Hùng là Vũ Trần Thanh Hải. Tổng cộng các đối tượng đã đưa hối lộ cho Hùng hơn 92 tỉ đồng.

Theo: CAO NGUYÊN/ NLĐ

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516