Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcCảnh giác với cạm bẫy mùa tuyển sinh

Cảnh giác với cạm bẫy mùa tuyển sinh

Thứ ba, 18 Tháng 6 2013 00:43
Thí sinh nên gặp chiến sĩ tiếp sức mùa thi để tư vấn, tránh bị kẻ gian lừa Thí sinh nên gặp chiến sĩ tiếp sức mùa thi để tư vấn, tránh bị kẻ gian lừa
Hàng năm, cứ đến thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” này, không ít kẻ gian đã lợi dụng lòng tin của sĩ tử và phụ huynh ở các tỉnh lên thành phố để lừa gạt. Rất nhiều sĩ tử và phụ huynh những năm trước đã “dính bẫy lừa” chỉ vì một chút thiếu cảnh giác. Dưới đây là những chiêu lừa mà các thí sinh những năm trước gặp phải.

Đánh vào tâm lý

Luyện thi đại học ở đâu luôn là một nỗi quan tâm lo lắng không chỉ của thí sinh mà cả quý phụ huynh. Với tâm lý muốn chọn một nơi luyện thi đảm bảo uy tín cộng với lời “cam kết đảm bảo thi đậu” khiến người thân và cả thí sinh dễ sập bẫy nhất.

Thay vì mạo danh nhân viên phòng tuyển sinh các trường như vài năm trước, kẻ gian này nâng cấp chiêu lừa bằng cách đóng vai người nhà thí sinh. Ban đầu, họ sẽ tiếp cận phụ huynh, rủ vào các quán nước gần trường trò chuyện, kẻ gian đã làm cho các bậc phụ huynh, thí sinh phải gật đầu nghe theo khi giả vờ tiếp xúc trò chuyện rồi “tận tình” giới thiệu chỉ dẫn vì cùng đồng cảnh ngộ. Những lời ngon ngọt kèm với thái độ chân thành của kẻ gian là chiêu thức lừa hiệu quả: “Nếu không đỗ Đại học, bác cứ cho đi học khoa X của các trung tâm đào tạo liên kết với những trường như Đại học…., phí đầu vào chỉ khoảng 18 triệu. Nếu kết quả thi từ 15 điểm trở lên, con bác sẽ được nhận học bổng cả kỳ là 3 triệu...", để tăng tính thuyết phục hơn họ chuẩn bị sẵn những tờ rơi có đóng dấu đỏ hẳn hoi và địa chỉ, số điện thoại người cần liên hệ. Chỉ cần đạt 12 điểm trở lên và chồng mức phí từ 15 - 25 triệu là các sĩ tử nhà ta đã được gán mác sinh viên. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhiều phụ huynh đã tin sái cổ để rồi "sập bẫy". Tuy nhiên, không khó lật tẩy mánh lừa này. Một cú điện thoại gọi đến trường ĐH, CĐ có liên kết, bạn sẽ dễ dàng có ngay câu trả lời.

“Cò” nhà trọ

Trước thềm kỳ thi Đại học, hàng loạt các băng-rôn, tờ rơi… với các thông tin về cho thuê phòng được treo dán với mức độ dày đặc trên các tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh. Tại các quán hàng nước, bãi xe ôm, cột điện cũng được tận dụng gắn thêm tấm biển: “Thuê phòng trọ, hỏi tại đây”, “Cho thuê phòng thi đại học, v.v..Nắm bắt được tâm lý bỡ ngỡ của người thân và thí sinh khi còn đang lơ ngơ chưa biết nên như thế nào thì các “cò” nhà trọ đến tiếp cận và có dịp tung hoành. “Chỉ làm công tác dẫn đường cho chúng tôi đi thuê phòng, "cò" đòi giá 50.000 đồng xem như công dẫn đường. Đang mong muốn sớm tìm được chỗ nghỉ ngơi để an tâm mà đi thi nên chúng tôi đồng ý. Bất ngờ sau khi thuê được phòng, chúng tôi phải trả thêm 50.000 đồng nữa với lý do trả thù lao, cà phê…”. 

Thí sinh năm 2012 - Nguyễn Đức Cường (hiện là sinh viên Trường CĐ Công Thương) kể về việc bị “cò” lừa khi lên thành phố dự thi tuyển sinh. Đức Cường chia sẻ thêm: “Vì xa lạ thành phố nên không biết đi xe buýt, một gã xe ôm thấy thế liền chào mời lên xe đi với lời hứa sẽ tìm đúng địa điểm thi cho mình. Không hỏi giá trước tôi đã đồng ý để tài xế xe ôm chở từ Suối Tiên đến Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Võ Văn Ngân, Thủ Đức). Khi tính tiền thì gã đòi 100.000đ làm tôi giật mình nhưng phải rút ruột trả tiền vì lỡ lên xe gã rồi”.

Không chỉ có những chiêu lừa người thân và thí sinh, ngang ngược hơn, các chiêu lừa còn mang danh câu lạc bộ khuyến học hay câu lạc bộ hỗ trợ cộng đồng không rõ nguồn gốc… được họ đem ra tận dụng lấy niềm tin của xã hội. Thông qua các hoạt động như mua tăm ủng hộ kèm theo danh sách tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại được cho là của thí sinh và bảo rằng với số tiền quyên góp được sẽ có những hỗ trợ đặc biệt cho thí sinh nào “vượt vũ môn” thành công hay những tấm gương nhà nghèo vượt khó. Góp gió thành bão, một sản phẩm “khuyến học” với giá tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng là con số không quá lớn cộng thêm những lí do hết sức thuyết phục này nhiều phụ huynh đã rút ví “hỗ trợ, đóng góp” mà chẳng chút nghi ngờ nào.

Đây là những chiêu thức lừa đảo đã xảy ra khá nhiều trong kỳ tuyển sinh các năm trước. Phụ huynh và thí sinh nên nâng cao cảnh giác và nên tìm hiểu kỹ thông tin hoặc đến những địa chỉ tin cậy để được tư vấn hỗ trợ thiết thực tránh bị kẻ gian lợi dụng.

 

Anh Dương Trọng Phúc – Phó Giám đốc TT Hỗ trợ sinh viên TPHCM khuyên: Thí sinh và phụ huynh khi lên thành phố để không bị sập bẫy kẻ gian, tốt nhất nên liên hệ trực tiếp với các chiến sĩ tiếp sức mùa thi ngay tại cổng trường, bến xe các ngã tư, … để được tư vấn và hỗ trợ. Các chiến sĩ tiếp sức mùa thi sẽ phát bản đồ, tìm nhà trọ giúp và chỉ cách đi xe buýt, tránh mắc bẫy oan của kẻ gian.

Theo: Thái Khuê/ GD&TĐ

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516