Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcCẩn thận thủ đoạn bán “suất trúng tuyển” và ôn thi đỗ100%

Cẩn thận thủ đoạn bán “suất trúng tuyển” và ôn thi đỗ100%

Thứ bảy, 19 Tháng 4 2014 04:09
Đến hẹn lại lên, những cá nhân, nhóm người trông chờ mùa tuyển sinh để có cơ hội kiếm bộn tiền từ việc tung ra các chiêu lừa đánh vào tâm lý muốn con em đậu đại học bằng mọi cách của phụ huynh học sinh, lại bắt đầu “tác oai, tác quái”.
Từ tiếp cận trường học, trung tâm luyện thi đại học, các đối tượng mua bán suất trúng tuyển đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ), mở lò luyện thi siêu tốc bảo đảm đậu, nhận thi hộ... còn thực hiện các chiêu lừa này qua các trang mạng xã hội.
Vào mùa “giăng lưới, thả bẫy” phụ huynh, sỹ tử
Liên tục mấy ngày qua, đường dây nóng của báo Đời sốngPháp luật nhận được nhiều cuộc gọi của các phụ huynh có con em sắp dự thi vào kì thi đại học và cao đẳng (ĐH-CĐ) sắp tới thắc mắc về việc có hay không việc “mua bán suất trúng tuyển đại học” và có nên cho con em tham gia vào những lò luyện thi siêu tốc đảm bảo đậu hay không...
Để có thông tin trả lời chính xác đến bạn đọc, PV báo Đời sống và Pháp luật đã lần theo những đầu mối khá mờ mịt từ một phụ huynh tên N.T.T. (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cung cấp để tìm hiểu vụ việc.
Do dai hoc 1
Cẩn thận thủ đoạn bán “suất trúng tuyển” và ôn thi đỗ 100%.
Liên lạc qua điện thoại với đối tượng N. do anh Nguyễn Văn T.  cung cấp, PV đoán chừng người này còn trẻ thông qua giọng nói còn khá ngô nghê. Sau khi, PV giả vờ muốn mua một “suất trúng tuyển” vào trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), đối tượng này đã yêu cầu cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến học sinh và thông báo sẽ gọi lại khi móc nối được với các “tay trong” ở ngôi trường này (?!).
Tuy nhiên, PV chờ đợi khá lâu vẫn không thấy đối tượng này liên lạc trở lại. Theo anh T., đối tượng này đã nhiều lần bắt chuyện với anh và các phụ huynh học sinh khác, rồi ra giá cho mỗi tờ giấy trúng tuyển từ 15-20 triệu đồng .
Lý giải về cách “săn mồi” của các đối tượng lừa đảo, một giáo viên trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10, TP.HCM) cho biết: “Các đối tượng này thường xem mặt mà bắt hình dong, chúng sẽ chọn những phụ huynh có kinh tế dư dả và cả tin, nhất là phụ nữ thường đưa rước con ở các cổng trường THPT. Nắm được tâm lý muốn con đậu ĐH bằng mọi giá, họ nhẹ nhàng tiếp cận tạo niềm tin rồi mới bắt đầu giăng bẫy. Một số phụ huynh cũng hay than phiền về tình trạng này với nhà trường, nhưng quả thật chúng tôi không có cách nào ngăn chặn các đối tượng lừa đảo”. 
Theo anh T. những đối tượng này ra giá cho mỗi tờ giấy trúng tuyển tùy vào các trường ĐH lớn nhỏ mà giá cả chênh lệch khác nhau. Khi nào nhận giấy, người mua mới giao tiền, nhưng để đảm bảo một suất vào các trường đại học, các phụ huynh thường thoải mái chi cho các đối tượng này một số tiền đi lại, cà phê...
Tuy nhiên, nhận định vấn đề này, tiến sỹ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho rằng: “Không có chuyện trường bán suất trúng tuyển vào đại học, các đối tượng lừa đảo cũng rất khó để có thể lợi dụng vì quy trình tuyển sinh rất chặt chẽ. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các đối tượng mạo danh cán bộ tuyển sinh hoặc có mối quan hệ với các trường ĐH-CĐ nhằm lừa đảo móc túi thí sinh bằng các chiêu lừa. Tất cả mọi thí sinh thi vào trường thì ai có khả năng người đó đậu chứ không có chuyện mua bán”.
Ngoài chiêu lừa mua bán các “suất trúng tuyển” vào đại học, nhiều đối tượng còn giới thiệu các phụ huynh đưa con em vào những trung tâm luyện thi siêu tốc, bảo đảm đậu với giá trên trời.
Theo chị Nguyễn Thúy Nga (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM): “Một phụ huynh có con học chung trường với con tôi đã giới thiệu tôi dẫn con đến lớp học Toán- Lý - Hóa của thầy T. ở quận Gò Vấp. Người này nói thầy T. dạy rất giỏi, đoán đề rất hay nhưng học phí hơi cao một chút. Dù học phí cao, nhưng con mà đậu đại học thì bao nhiêu tôi cũng chi, nghĩ vậy nên tôi liền dẫn con đến địa chỉ được giới thiệu. Đến nơi, tôi thấy lớp học thì đông mà chật chội, chưa kịp gặp thầy tôi đã dẫn con về thẳng nhà. Thầy có giỏi cỡ nào mà ngần ấy học sinh thì làm sao đảm bảo việc truyền thụ kiến thức được”.
Do dai hoc 2
Thí sinh căng thẳng bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ.
Chưa thi đảm bảo đỗ là... đại lừa bịp
Để con em đậu đại học, hướng đến một công việc ổn định, khá giả trong tương lai, nhiều phụ huynh cũng không ngại sử dụng phương thức... thi hộ. Với biện pháp thi hộ, sỹ tử phải đối mặt với việc bị cấm thi và ảnh hưởng tâm lý về lâu dài là không tránh khỏi.
Trao đổi với PV, tiến sỹ Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Công tác sinh viên, trường đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: “Với quy trình tuyển sinh chặt chẽ như hiện nay, sẽ  không có chuyện thí sinh mua được suất vào đại học. Các trường ĐH-CĐ cũng không có khả năng bán suất vào ĐH-CĐ như báo chí phản ánh. Các hình thức giới thiệu chỗ học ôn cam kết đậu, hay thi hộ, giải đề cũng không khả thi, bởi bộ Giáo dục – Đào tạo ra đề chung thì làm sao biết mà giải, mà học ôn cam kết đậu được”. 
Tiễn sỹ Hoàng bức xúc: “Nếu nói có tiền mà vào được ĐH thì người giàu họ vào hết rồi, chứ những con em nghèo làm sao mà vào được ĐH. Trong khi thí sinh tại KV1, KV2 là những khu vực miền núi, nông thôn đậu đại học chiếm tỷ lệ áp đảo trong nhiều năm trở lại đây. Nên chỉ cần tỉnh táo là có thể biết đó là những chiêu thức lừa đảo”.
Tiến sỹ Hoàng khẳng định thêm: “Các bậc phụ huynh cần thật sự tỉnh táo, nếu cần thiết nên thông tin trực tiếp cho trường để tìm hiểu. Trường cũng rất cần những thông tin cá nhân nào có hành vi như thế. Xã hội bây giờ phức tạp, nhiều khi cũng không biết đâu là thật, đâu là giả. Do đó, các bậc phụ huynh và học sinh cần cảnh giác. Một người đi thi cần biết năng lực của mình đến đâu và thi vào ngành nào có khả năng đậu thì hãy đăng ký. Không nên để mất tiền vào những chuyện mua bán tri thức và con đường học vấn thiếu căn cứ như vậy”.
Đồng quan điểm trên, giáo sư, tiến sỹ Vũ Gia Hiền (Hiệu trưởng trường Trung cấp âu Việt, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Văn hóa-Du lịch) chia sẻ: “Trong nền kinh tế thị trường, ở xã hội mà pháp luật chưa nghiêm, nhận thức của một số người còn vì lợi riêng thì việc “lợi dụng đầu mùa thi” sẽ xảy ra. Thế nên, phụ huynh phải biết rõ nơi thi, nơi học và phải để cho con dựa vào thực lực, đừng vì áp lực thi cử mà nghĩ đến chạy chọt. Học sinh phải biết thế nào là cơ sở học thi chính thức, đó là các cơ sở có giấy phép hẳn hoi. Cần xem giấy phép của đối tượng “mời chào”, và không tin vào lời hứa hẹn thiếu căn cứ chuyên môn, pháp lý”.
Cũng trong năm 2013, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn đã đưa ra cảnh báo: “Tất cả những trung tâm, công ty không có chức năng nhận hồ sơ cũng không có cơ sở để đảm bảo thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ nào đó. Thế nên, thí sinh cần tìm hiểu thông tin tuyển sinh và trực tiếp tiếp xúc thông tin thông qua các kênh chính thức của nhà trường, của bộ GD-ĐT và trực tiếp nộp hồ sơ với nhà trường”.
Có lẽ, năm nay, Vụ trưởng lại phải đăng đàn ra lời cảnh báo để các sỹ tử, phụ huynh chuyên tâm đầu tư vào việc học hơn là “chạy chọt” để rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo.
Cam kết bán suất trúng tuyển, thi hộ, bao đậu 100% là vi phạm pháp luật
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng, đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: “Việc cam kết suất trúng tuyển, thi hộ, bao đậu 100% của các trung tâm luyện thi là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 50 – 70 triệu đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 168 Bộ luật Hình sự về Tội quảng cáo gian dối. Còn hành vi làm giấy trúng tuyển giả để thu tiền bất chính là hành vi lừa đảo, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 139 Bộ luật Hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo DSPL

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516