Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcĐỒNG CHÍ TRẦN QUÝ KIÊN VỚI CUỘC THƯƠNG THUYẾT GIÀNH VÀ GIỮ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG Ở HAI TỈNH SƠN LA, LAI CHÂU NĂM 1945-1946

ĐỒNG CHÍ TRẦN QUÝ KIÊN VỚI CUỘC THƯƠNG THUYẾT GIÀNH VÀ GIỮ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG Ở HAI TỈNH SƠN LA, LAI CHÂU NĂM 1945-1946

Thứ tư, 26 Tháng 1 2022 02:03

NGUYỄN VĂN BIỂU

Viện Sử học

NGUYỄN DUY BÍNH

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Nhận bài ngày 03/01/2022. Sửa chữa xong 05/01/2022. Duyệt đăng 07/01/2022.

Tóm tắt:

Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công trong cả nước, một số đồng chí lãnh đạo của Đảng được tăng cường về các địa phương, giúp các địa phương ổn định đời sống, củng cố chính quyền, đối phó với nạn thù trong, giặc ngoài. Đồng chí Trần Quý Kiên tên gọi lúc này là Dương Văn Ty được Trung ương giao nhiệm vụ lên chỉ đạo khởi nghĩa ở Sơn La và Lai Châu, để gây cơ sở Đảng, tổ chức quần chúng, tổ chức chính quyền tỉnh ở các nơi đó. Cuộc đấu tranh giành chính quyền ở những nơi có quân Tưởng và tay sai của chúng diễn ra gay go, phức tạp, kéo dài và phải theo những phương thức khác nhau mới giành được thắng lợi.

Từ khóa: Trần Quý Kiên, Đinh Xuân Nhạ, Sơn La, Lai Châu

1. Đặt vấn đề

Đồng chí Trần Quý Kiên sinh năm 1911 mất năm 1965 (tên thật là Đinh Xuân Nhạ, còn gọi là Dương Văn Ty), quê ở thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội). Sau đó, bố mẹ thân sinh ra ông chuyển ra Hà Nội ở phố Hàng Nứa[1], làm nghề buôn bán nhỏ. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập vào đầu năm 1930, ngay từ tháng 5-1930, đồng chí Đinh Xuân Nhạ - Trần Quý Kiên đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và là một trong những lớp đảng viên đầu tiên của Đảng.

Đồng chí Đinh Xuân Nhạ - Trần Quý Kiên, trải qua nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, tù đày khắc nghiệt, từ Hỏa Lò đến Sơn La (3 lần), nhà lao Hải Phòng, nhà lao Bắc Giang, Bá Vân (Thái Nguyên)... Năm 1936, sau khi ra tù Đinh Xuân Nhạ đã cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh… tái lập lại Xứ uỷ Bắc Kỳ trên cơ sở Ủy ban sáng kiến (cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc Kỳ). Sau đó, còn tham gia tái lập hàng loạt các Thành ủy, Tỉnh ủy như: Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Hải Phòng, Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ… Đến năm 1938, đồng chí trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ cho đến khi bị thực dân Pháp bắt giam lần nữa.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Đinh Xuân Nhạ - Trần Quý Kiên là một nhà cách mạng, nhà lãnh đạo ưu tú, tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta, đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong bài viết này, qua một số nguồn tư liệu, tài liệu giá trị, chúng tôi hi vọng làm sáng tỏ thêm về cuộc đời và hoạt động của đồng chí Trần Quý Kiên những ngày tháng thương thuyết, giành chính quyền ở Sơn La, Lai Châu trong những năm 1945-1946.

2. Đồng chí Trần Quý Kiên với cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Sơn La

Đến đầu tháng 8-1945, Chiến tranh thế giới thứ Hai đang bước vào giai đoạn kết. Ngày 13-8-1945, được tin phát xít Nhật sắp đầu hàng Liên Xô và quân đội Đồng minh, ở nước ta bọn Nhật và bè lũ tay sai đã hoang mang rệu rã, chớp nhanh thời cơ ấy, Đảng ta quyết định tổng khởi nghĩa và thiết lập chế độ Dân chủ Cộng hòa. Từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi khắp trong cả nước. Ngày 02-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước nhân dân Việt Nam và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Trước đó, tại Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 16-8-1945, Đảng ta đã dự đoán: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nền hoàn toàn độc lập[2]. Đúng như dự đoán của Đảng ta, trong khi hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc khu nổi dậy thắng lợi thì ở một số tỉnh lỵ, thị xã như Vĩnh Yên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Móng Cái, Hải Ninh do quân đội chính quyền Tưởng Giới Thạch và bọn phản động chiếm đóng, chống lại khởi nghĩa, nên chính quyền cách mạng chưa được thiết lập trong tháng 8-1945. Cuộc đấu tranh giành chính quyền ở những nơi đó diễn ra gay go, phức tạp, kéo dài và phải theo những phương thức khác nhau mới giành được thắng lợi. Sơn La và Lai Châu là một trong số các tỉnh khác việc giành và giữ được chính quyền không diễn ra được thuận lợi.

Tại Lai Châu, do chưa có tổ chức Đảng và tổ chức Việt Minh lãnh đạo nên mới chỉ có châu Quỳnh Nhai [3] giành được chính quyền từ sự hỗ trợ của bên ngoài. Sau khi châu Quỳnh Nhai khởi nghĩa, Bộ Nội vụ, Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ cử phái viên thay mặt Chính phủ lên thương thuyết, lập chính quyền ở thị xã Lai Châu. Song lúc này, quân Tưởng và tay sai theo sau đã vào thị xã Lai Châu và nắm được chính quyền bù nhìn, dẫn cuộc thương thuyết diễn ra sau đó giữa đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ với chúng gặp nhiều khó khăn.

Tháng 11-1945, hai tiểu đoàn quân Pháp từ Vân Nam (Trung Quốc) tràn vào Lai Châu dùng nơi đây làm bàn đạp xâm lược vùng Tây Bắc nước ta [4]. Đây là số tàn quân Pháp chạy trốn quân Nhật từ đợt Nhật làm đảo chính lật Pháp ngày 09 tháng 3 năm 1945 đã quay đầu trở lại đánh chiếm một số nơi như Lai Châu, các đảo Cô Tô… và nhảy dù xuống một số nơi như Đông Triều, Phúc Yên…[5].

Theo hồi ký Từ Đông Quan đến Điện Biên Đại tướng Lê Trọng Tấn là người trực tiếp chứng kiến và phụ trách về quân sự ở Sơn La, Lai Châu đã viết: “Khi Pháp trốn Nhật chạy sang Trung Quốc, chúng để lại Lai Châu khá nhiều súng. Trước đây ở Lai Châu có hai tiểu đoàn do viên trung tá Phoóc-na-sa chỉ huy. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, số quân này từ Vân Nam trở lại Lai Châu rồi chiếm Phong Thổ vào tháng 12 năm 1945. Từ Lai Châu, quân Pháp theo đường số 41 thọc xuống Luân Châu, Tuần Giáo và từ Phong Thổ xuống Quỳnh Nhai. Do số quân không đủ, chúng lại co về Lai Châu[6]. Như vậy, thực tế tình hình ở đây khá phức tạp, có nhiều thứ giặc đang tranh lấy quyền cai trị và có âm mưu chia vùng này để trị, đặt những người đại diện cho Chính phủ, cách mạng trước một hoàn cảnh “hiểm nghèo”.

Ngoài ra, vùng Sơn La, Lai Châu với nhiều dân tộc ít người khác nhau, với các thủ lĩnh địa phương có vai trò và thế lực rất lớn. Ở đây có một số dòng họ “thổ ty” lớn theo chế độ phiên thần thế tập, cha truyền con nối. Ở vùng Sơn La, có chế độ “Thổ tù phụ đạo là họ Cầm chia nhau quản trị[7], “Họ Cầm nối đời làm phụ đạo[8], ở Lai Châu “Họ Đèo làm phụ đạo”, “Thổ tù là họ Đèo thế tập[9], ngoài ra vùng này còn có “Thổ tù là họ Bạc và họ Cầm chia nhau quản trị[10]… Rõ ràng, đây là vùng các thủ lĩnh là các dòng họ lớn có vị thế, vai trò lớn, với chế độ “phìa tạo” của người Thái, người H’Mông ở vùng Tây Bắc cho thấy rõ về chế độ thế tập, cha truyền con nối của các thổ ty được sử sách ghi chép lại kéo dài đến mãi sau này. Theo Đại tướng Lê Trọng Tấn trong hồi ký Từ Đông Quan đến Điện Biên viết: “Lai Châu có cha con họ Đèo thay nhau thống trị mấy đời. Cha là Đèo Văn Tri[11] tức Tạo Luông đã có lúc theo Tôn Thất Thuyết nổi lên đánh Pháp. Nhưng Tri có bụng phản đã bí mật mặc cả với Pháp. Sau khi ngã giá Pháp cho Tri làm quan đạo. Con là Đèo Văn Long được Pháp cho sang Pháp học, nói tiếng Pháp như người Pháp. Con rể Long là quan ba phòng nhì Lu-i Boóc-đi-ê. Khi Pháp thua Nhật chạy theo đường Phong Thổ - Xìn Hồ sang Trung Quốc, Long rút theo Pháp. Khi quân Tưởng vào kéo vào tước khí giới quân Nhật, Long (Đèo Văn Long) là người dẫn đường[12].

Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công trong cả nước, một số cán bộ Việt Minh, của Đảng được tăng cường về các địa phương, giúp các địa phương ổn định đời sống, củng cố chính quyền, đối phó với nạn thù trong, giặc ngoài. Đồng chí Trần Quý Kiên (tên gọi lúc này là Dương Văn Ty) được Trung ương giao nhiệm vụ mới ở hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Theo Lý lịch do đồng chí Trần Quý Kiên khai lưu tại Ban Tổ chức Trung ương viết: “Tổng khởi nghĩa xong vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1945, đồng chí Văn Tiến Dũng về thay[13] và tôi có nhiệm vụ đi Sơn La và Lai Châu gây cơ sở Đảng, tổ chức quần chúng, tổ chức chính quyền[14]. Theo lời đồng chí Văn Tiến Dũng cũng viết: “Sau khi giành được chính quyền ở Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, chúng tôi còn được trao nhiệm vụ chỉ đạo khởi nghĩa ở Sơn La và Lai Châu. Anh Ty được phân công lên hai tỉnh đó[15].

Ngày 28-9-1945, đoàn cán bộ của Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Dương Văn Ty dẫn đầu [16] lên tới Mộc Châu. Tại đây, đồng chí Dương Văn Ty đã thuyết phục và tranh thủ Bố chánh Sa Văn Minh, vốn là người thức thời, hiểu được uy tín, sức mạnh của cách mạng. Bố chánh Sa Văn Minh đã quy phục, giải tán chính quyền cũ và đi theo cách mạng [17]. Sau đó, đồng chí Dương Văn Ty đưa Sa Văn Minh cùng về tỉnh Sơn La nhận nhiệm vụ mới.

Đến đầu tháng 10-1945, đồng chí Bùi Thọ Chuyên là thành viên trong đoàn công tác của đồng chí Dương Văn Ty được trao nhiệm vụ phụ trách Mộc Châu, đã xúc tiến thành lập Uỷ ban cách mạng lâm thời Mộc Châu do Sa Ngọc Châu làm Chủ tịch, Sa Văn Núc làm Phó Chủ tịch, Sa Ngọc Anh làm Bí thư.

Theo Hồi ký Từ Đồng Quan đến Điện Biên của Đại tướng Lê Trọng Tấn đã viết về phái đoàn của đồng chí Dương Văn Ty lên Sơn La: “Cho đến một hôm có một tiểu đoàn vệ quốc ở Phú Thọ lên do anh Nguyễn Duy Phiên làm Tiểu đoàn trưởng. Cùng đi với anh có anh Dương Văn Ty tức Nhạ, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ cùng mười cán bộ từ Việt Bắc và dưới xuôi lên. Gặp các anh mới hay cách mạng đã thành công trong cả nước. Chính quyền cách mạng đã thành lập xong từ trung ương tới xã. Đứng đầu chính quyền là cụ Hồ Chí Minh, một lãnh đạo tài ba... Lên được ít hôm, anh Ty tổ chức chính quyền tỉnh gồm có Chủ tịch Cầm Văn Dung nguyên Tri châu Mai Sơn, Phó Chủ tịch là anh Chu Văn Thịnh, các ủy viên có các ông Lò Văn San, Bạc Cầm Huy, Bạc Cầm Khan, thư ký Bế Văn Điềm[18]. Như vậy, qua hồi ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn đã cho biết tình hình Sơn La giành được chính quyền sau trung ương và nhiều địa phương khác trong cả nước, phái đoàn của Việt Minh là đồng chí Dương Văn Ty đã tổ chức được chính quyền tỉnh Sơn La. Sự kiện này được đồng chí Văn Tiến Dũng viết như sau: “… chúng tôi (chỉ đồng chí Văn Tiến Dũng và đồng chí Dương Văn Ty) còn được trao nhiệm vụ chỉ đạo khởi nghĩa ở Sơn La và Lai Châu. Anh Ty được phân công lên hai tỉnh đó. Anh đã kịp tới Sơn La. Tỉnh vừa giành được chính quyền. Anh Cầm Văn Dung làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Nhưng anh không kịp lên tới Lai Châu vì bọn thổ ty phản động ở địa phương nuôi hy vọng câu kết với số tàn quân Pháp ở Vân Nam (Trung Quốc) muốn quay trở lại[19].

Từ tháng 9-1945, đồng chí Trần Quý Kiên được cử làm Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu. Theo hồi ký Người cộng sản kiên trung của đồng chí Trung tướng Trần Quyết [20] đã viết: “… Lên đường đi Sơn La. Tới suối Rút (Hòa Bình), tôi gặp đồng chí Dương Văn Ty, Xứ ủy viên phụ trách Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Anh đã là bạn tù với tôi khi còn ở căng Bá Vân (Thái Nguyên)… Khi tôi mới lên thì biết ở Sơn La có bốn loại cán bộ… Một số theo anh Dương Văn Ty lên từ đầu…”[21].

3. Đồng chí Trần Quý Kiên với cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Lai Châu

Khí thế cách mạng tháng Tám của cả nước cùng với tin tỉnh Sơn La ở một số nơi đã giành được chính quyền đã truyền tới Lai Châu. Mảnh đất xa xôi của Tổ quốc từ đây mới được đón nhận luồng không khí mới của cách mạng. Một nhóm là các giáo viên, công chức nhạy bén với thời cuộc đã họp lại và cử ông Điêu Chính Liêm đi Sơn La để tìm hiểu tình hình. Tại thị xã Sơn La đồng chí Điêu Chính Liêm đã tìm gặp đồng chí Cầm Văn Dung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Sơn La và đồng chí Dương Văn Ty (tức Trần Quý Kiên) Ủy viên Xứ uỷ Bắc Kỳ được Tổng bộ Việt Minh cử lên giúp hai tỉnh Sơn La, Lai Châu giành chính quyền cách mạng. Sau khi nắm được tình hình về tỉnh Lai Châu và châu Quỳnh Nhai [22], đồng chí Dương Văn Ty khẳng định: “Trước sau Chính phủ cũng sẽ cử người lên để thành lập Ủy ban cách mạng như ở Sơn La. Nếu châu Quỳnh Nhai thành lập được chính quyền Chính phủ rất hoan nghênh[23]. Đồng chí Dương Văn Ty đã chuyển tới đồng chí Điêu Chính Liêm một số báo chí cách mạng, cờ đỏ sao vàng để làm tài liệu tuyên truyền cho nhân dân trong châu. Sau đó, đồng chí Điêu Chính Liêm trở về Quỳnh Nhai gặp ngay các ông Điêu Chính Thu, Điêu Chính Dinh, Điêu Chính Sún thông báo kết quả chuyến đi Sơn La và bàn kế hoạch cướp chính quyền châu, xác định muốn giành chính quyền thắng lợi thì trước tiên phải tuyên truyền cho nhiều người biết về thể chế chính quyền mới sẽ mang lại quyền lợi cho mọi người, sau đó sẽ tìm vũ khí, thành lập lực lượng vũ trang để cướp chính quyền [24].

Ngày 17-10-1945, châu Quỳnh Nhai (Lai Châu) giành được chính quyền. Sự kiện châu Quỳnh Nhai giành được chính quyền có ý nghĩa rất lớn vì Quỳnh Nhai “là châu đầu tiên và duy nhất của tỉnh Lai Châu giành được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945[25]. Những nơi khác trong tỉnh Lai Châu phải tiến hành thương thuyết để giành chính quyền do lực lượng ở đây thiếu thốn từ cán bộ đến trang bị vũ khí, lực lượng rất mỏng. Vì vậy, mà Trung ương phải cử cán bộ cách mạng có kinh nghiệm đại diện cho Việt Minh và Chính phủ về các tỉnh Lai Châu, Sơn La để lãnh đạo giành và giữ chính quyền.

Sau khi tổ chức xong chính quyền ở tỉnh Sơn La, đồng chí Dương Văn Ty và đồng chí Chu Văn Thịnh lên Lai Châu, nơi chưa có phong trào cách mạng, nơi mà trước năm 1945 thực dân Pháp cai trị theo kiểu Đạo quan binh (hình thức cai trị quân quản, những vùng biên giới quan trọng hay những vùng có nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta).

Lúc này lực lượng cách mạng của ta ở Lai Châu rất mỏng và yếu, lực lượng cách mạng vẫn chưa nắm được chính quyền tỉnh. Sau khi “quân Tưởng rút, Long (Đèo Văn Long) ở lại dùng tên Nguyễn Xuân Tôn, một tên Quốc dân Đảng phản động làm quân sư. Khi phái đoàn Chính phủ ta lên Lai Châu gặp Long. Lúc đầu Long bằng lòng theo cách mạng. Nhưng do ta không có lực lượng lên Lai Châu ngay nên tên Nguyễn Xuân Tôn dùng lực lượng Đèo Văn Long chống lại chính quyền cách mạng. Thế là tháng 11 năm 1945, Lai Châu lại rơi vào tay bọn phản động[26].

Ngoài đoàn của đồng chí Dương Văn Ty đã được cử lên từ trước, thì Trung ương đã cử hai đồng chí Lê Tuân và Bưu (tức Văn) làm phái viên thay mặt Chính phủ lên Lai Châu thương thuyết với Đèo Văn Mun (Tỉnh trưởng Lai Châu) để lập chính quyền tỉnh.

Trong Hồi ký “Cuộc thương thuyết giành chính quyền ở Lai Châu trong Cách mạng Tháng Tám[27] của đồng chí Lê Tuân viết: “Tôi được Bộ Nội vụ và Ủy ban hành chính Bắc Bộ cử làm phái viên Chính phủ lên lập Chính quyền tỉnh Lai Châu. Cùng đi với tôi có cả anh Bưu (Văn)”. Phái đoàn lên Lai Châu không có lực lượng bảo vệ, vũ khí để tự vệ cũng không có “…Chúng tôi tay không đi thương thuyết, thậm chí súng ngắn để tự vệ cũng không”. Phái đoàn của hai đồng chí Lê Tuân và đồng chí Bưu đã gặp đồng chí Dương Văn Ty tại thị xã Sơn La, cũng đang chuẩn bị lên Lai Châu để thương thuyết. Đồng chí Lê Tuân viết: “Ở Sơn La chúng tôi có gặp anh Trần Quý Kiên. Anh Kiên cho chúng tôi biết các anh đó cũng đã chuẩn bị giải quyết tỉnh Lai Châu và sắp sửa lên. Anh bảo chúng tôi cứ lên trước rồi các anh đó sẽ lên sau[28].

Đến nơi đoàn mới biết quân đội Tưởng Giới Thạch đã vào Lai Châu và tay sai Việt Nam Quốc dân đảng đã nằm cạnh chính quyền Đèo Văn Mun ở dinh Tỉnh trưởng. Cuộc thương thuyết diễn ra căng thẳng giữa một bên là tên Tỉnh trưởng Lai Châu và một bên là tay sai của quân Tưởng với phái đoàn Chính phủ và Mặt trận Việt Minh do các đồng chí Dương Văn Ty, Lê Tuân… dẫn đầu. “Đèo Văn Mun cho mời chúng tôi sang… linh tính báo cho chúng tôi sự việc sẽ chẳng lành. Anh Kiên bảo tôi: Ta sang thế nào nó cũng bắt… Cậu sang trước, nếu nó túm, mình sẽ vận động quần chúng đấu tranh buộc nó phải thả…”[29].

Trong tư liệu lưu tại Ban Tổ chức Trung ương, kiểm điểm về quá trình công tác của đồng chí Trần Quý Kiên, ngày 11-8-1952, tại trang thứ 8, có viết về Việc đi Lai Châu (1-1946) của đồng chí Trần Quý Kiên khi ấy lấy tên là Dương Văn Ty, như sau: “Sau khi tổ chức Ủy ban ở Sơn La xong tôi theo chỉ thị của Chính phủ và của Đảng đi Lai Châu để tổ chức Ủy ban… trước khi đi các đồng chí cho tôi biết Lai Châu đã có 1 tên Quốc dân Đảng về và chúng định nếu tôi lên thì chúng bắt. Tôi nghĩ đi hay không? Không đi thì không chấp hành chỉ thị của Chính phủ và của Đảng, nhân dân không thấy mặt người của Chính phủ… Và tôi lại nghĩ chưa chắc nó đã bắt. Sau khi quyết định như vậy tôi quyết định đi… Tôi đi đường bộ với Cầm Văn Dung… Bốn đồng chí cán bộ đi đường sông qua Quỳnh Nhai là huyện mà dân đã cướp được chính quyền để thả Tri châu Đèo Văn Túm, là em của Tỉnh trưởng (Đèo Văn Mun). Ba bốn hôm sau các đồng chí lên đủ. Lúc ấy tôi đã biết chúng định bắt chúng tôi… Bọn chúng đem giấy sang mời các đồng chí sang trước, tôi sang sau”. Sự kiện này trong hồi ký Từ Đồng Quan đến Điện Biên đồng chí Lê Trọng Tấn đã viết: “Bọn Long (Đèo Văn Long) giữ ông Dung và thả anh Ty[30].

Cuộc thương thuyết chưa tiến hành được gì thì chúng vu cáo cho quân cách mạng Việt Minh giết lính Quốc dân Đảng và đòi bắt phái đoàn ta. Đồng chí Dương Văn Ty đã vận động được một số quần chúng nhân dân mít tinh đòi thả đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đèo Văn Mun cho lính đến giải tán và bắt luôn cả đồng chí Dương Văn Ty. Sau khi bắt các phái viên Việt Minh, chúng vẫn sợ uy tín của Chính phủ và nhân dân ta, mặt khác nhờ sự dàn xếp của đồng chí Cầm Văn Dung và Đèo Văn Túm nên sau đó chúng đã thả những người bị bắt.

Sau 11 tháng ở Sơn La (cùng với các đồng chí Lê Trọng Tấn, Vũ Công Phụ…), mặc dù còn có một số điểm chưa tốt trong giải quyết công việc ở Lai Châu, nhưng đồng chí Trần Quý Kiên cũng đã vận động, lôi kéo được bọn quan lại phìa tạo tốt, làm ngăn cản sức phản động của quan lại phìa tạo xấu, trong lúc phái đoàn đại diện cho Đảng, Chính phủ chưa có cơ sở vững chắc trong nhân dân. Bước đầu đã xây dựng được các hội quần chúng ở hầu hết các xã và đã gây dựng được cơ sở Đảng ở Sơn La. Đã làm cho nhân dân tin tưởng vào Chính phủ.

Sau đó, đồng chí Trần Quý Kiên bị ốm nặng, nghỉ dưỡng bệnh xong, được Trung ương Đảng điều động làm Bí thư tỉnh Quảng Yên. Đồng chí Trần Quyết được Trung ương cử lên thay đồng chí Trần Quý Kiên, trong hồi ký Người cộng sản trung kiên Trung tướng Trần Quyết đã viết: “Tôi nhận bàn giao với anh Ty, từ tháng 6-1946 làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh. Bấy giờ Pháp đã chiếm huyện Thuận Châu, đóng đồn ở Chiềng Pấc ngay từ tháng 3-1946. Các cơ quan tỉnh phải rút về Hát Lót. Bởi vậy anh Ty phải đưa tôi lên Hát Lót để bàn giao công tác[31].

4. Kết luận

Cuộc thương thuyết giành chính quyền ở Lai Châu do đồng chí Dương Văn Ty với vai trò đứng đầu, lãnh đạo cuộc thương thuyết dù đã cố gắng đấu tranh, nhưng không thành công do nhiều nguyên nhân và do lực lượng của ta ở đây chưa đủ mạnh. Phần lớn tỉnh Lai Châu khi ấy, chính quyền tỉnh, các châu Điện Biên, Tuần Giáo, Luân Châu (trừ châu Quỳnh Nhai), không giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, dù điều kiện khi ấy hết sức có lợi cho cách mạng khi nước nhà đã tuyên bố độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Việc giành chính quyền về tay nhân dân ở Lai Châu chưa thành công, trước hết là do Lai Châu chưa có cơ sở cách mạng, lực lượng quần chúng không có. Các phái viên Chính phủ lên chủ yếu là thương thuyết, lực lượng quân sự hỗ trợ cũng không có. Nhưng nguyên nhân chính là do Lai Châu chưa có cơ sở cách mạng trong dân, chưa có tổ chức Đảng như ở Sơn La, để lãnh đạo nhân dân các dân tộc ít người tạo thành sức mạnh tổng hợp, chớp thời cơ giành chính quyền, vì vậy việc giành chính quyền - thuận lợi nhất là từ tháng 8 đến tháng 9-1945, khi chính quyền tay sai mất chỗ dựa, hoang mang, dao động đã không thực hiện được.

Đồng chí Trần Quý Kiên người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu thời xây dựng đảng. Từ năm 1930-1945, trong suốt chặng đường cách mạng của Đảng và dân tộc, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước năm 1945, đồng chí Trần Quý Kiên từng được cử giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội (1938), Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ cho đến khi bị bắt giam ở nhà tù Sơn La. Sau năm 1945, đồng chí Trần Quý Kiên còn trải qua nhiều chức vụ cao của Đảng và Nhà nước ta, như Phó Văn phòng Thủ tướng [32] phủ, Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng… Với những cống hiến lớn lao cho Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhất (1961), Huân chương Lao động hạng nhất (1965), Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng, 2003), Huân chương Sao vàng (truy tặng, 2018). Trên tuổi của ông được đặt tên đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.



[1] Theo Hồ sơ của Pháp khi bắt Đinh Xuân Nhạ giam ở nhà tù Sơn La về tội hoạt động cách mạng mà thực dân Pháp gọi là “mưu đồ làm phản” ghi nghề nghiệp của Đinh Xuân Nhạ là lơ xe, nơi ở 58 phố Thạch An, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia - sự thật, Hà Nội, tr.561.

[3] Châu Quỳnh Nhai lúc đó thuộc tỉnh Lai Châu từ năm 1945-1954, từ năm 1955 đến năm 1962 thuộc Khu tự trị Thái Mèo, từ năm 1963 thuộc tỉnh Sơn La (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu (1999), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu, tập I (1945-1975), NXB Chính trị Quốc gia -Sự thật, Hà Nội, tr.51).

[4] Viện Lịch sử Đảng (1995), Lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.216.

[5] Đại tướng Văn Tiến Dũng (2004), Đi theo con đường của Bác (Hồi ký), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.228.

[6] Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, NXB Quân đội nhân dân, tr.46.

[7] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, Huế, tr.325.

[8] Đại Nam nhất thống chí (tập 4), bản dịch Viện Sử học, Sđd, tr.326.

[9] Đại Nam nhất thống chí (tập 4), bản dịch Viện Sử học, Sđd, tr.343.

[10] Đại Nam nhất thống chí (tập 4) bản dịch Viện Sử học, Sđd, tr.344.

[11] Hay còn được gọi là Đèo Văn Trị, hay Đèo Văn Trí, Điêu Văn Tri

[12] Lê Trọng Tấn, Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Sđd, tr.46-47.

[13] Trước đó đồng chí Dương Văn Ty (Trần Quý Kiên) được cử giữ chức Phó thường trực Chiến khu Quang Trung, nay được điều đi Sơn La, Lai Châu, nên những việc của Chiến khu Quang Trung đồng chí Văn Tiến Dũng lúc này thay đồng chí Dương Văn Ty trực tiếp giải quyết. Xem thêm: Nguyễn Văn Biểu (2021), Hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Quý Kiên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam thời kỳ 1930-1945, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9 (545), tr.74-75.

[14] Lý lịch do đồng chí Trần Quý Kiên khai tại Ban Tổ chức Trung ương ngày 15-8-1952, tr.8.

[15] Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác (Hồi ký), Sđd, tr.221.

[16] Đoàn gồm đồng chí Dương Văn Ty (tức Trần Quý Kiên) và 11 cán bộ là: Vũ Ngọc Thành, Lê Vạn Thắng, Nguyễn Văn Tính, Lê Văn Dương, Trần Tích, Lê Việt Trung, Bùi Thọ Chuyên, Lãng, Bùi Hữu Định, Thủy, Thành (dẫn theo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La, Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La, tập I:1939 - 1954, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La xuất bản, 2014, tr.36).

[17] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La (2002), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La, tập I (1939-1954), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.103-104 và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mộc Châu (2002), Lịch sử Đảng bộ huyện Mộc Châu, tập 1 (1945-2000), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.42.

[18] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, NXB Quân đội nhân dân, tr.43-44.

[19] Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác (Hồi ký), Sđd, tr.221.

[20] Đồng chí Trần Quyết nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

[21] Trung tướng Trần Quyết - người cộng sản trung kiên ( 2011), (hồi ký), NXB Văn hóa thông tin, tr.306, 308.

[22] Châu Quỳnh Nhai khi đấy thuộc Lai Châu từ 1945-1954; từ năm 1955 đến năm 1962 thuộc Khu tự trị Thái - Mèo; từ năm 1963 đến nay thuộc tỉnh Sơn La.

[23] Hồi ký Cách mạng Tháng Tám ở Quỳnh Nhai của đồng chí Điêu Chính Liêm, nguyên Phó giám đốc Sở Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu. Lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu. Dẫn theo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu (1999), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu, tập I (1945-1975), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.53.

[24] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu (tập 1), (1945-1975), Sđd, tr.53.

[25] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu (tập 1), (1945-1975), Sđd, tr.57.

[26] Lê Trọng Tấn, Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Sđd, tr.47.

[27] Hồi ký được đồng chí Lê Tuân viết xong ngày 11-6-1966, khi ấy đang công tác ở Vụ Nghiên cứu, Văn phòng Trung ương Đảng. Lưu tại di tích Lịch sử Nhà tù Sơn La.

[28] Lê Tuân, Cuộc thương thuyết giành chính quyền ở Lai Châu trong Cách mạng Tháng Tám, Hồi ký cách mạng viết tay, 1966, tr.1.

[29] Lê Tuân, Cuộc thương thuyết giành chính quyền ở Lai Châu…, tlđd, tr.2.

[30] Lê Trọng Tấn, Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Sđd, tr.47.

[31] Trung tướng Trần Quyết, Người cộng sản trung kiên, Sđd, tr.306.

[32] Còn gọi là Thứ trưởng Thủ tướng Phủ. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ngày nay.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516